CEO Berjaya Việt Nam: Mạng xã hội, kênh truyền thông giúp chính phủ gần dân hơn

Mạng xã hội là một kênh truyền thông quan trọng giúp chính phủ hiểu hơn tâm tư nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, giúp cho chính phủ xích lại gần dân hơn, tìm thấy tiếng nói chung trong những vấn đề nóng, hệ trọng của đất nước, ông Nguyễn Hoài Nam Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam nói.

LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt.

Ông kỳ vọng gì vào sự thay đổi của Chính phủ mới và những chính sách gần đây?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Qua một thời gian ngắn, chúng ta đều thấy chính phủ mới có những bước đi cụ thể và quyết tâm gần gũi hơn với doanh nghiệp, với cộng đồng.

Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính phủ, mạng xã hội ngày càng phát triển rộng, là diễn đàn để các doanh nghiệp, người dân nói lên quan điểm riêng của mình với chính phủ mới.

Đó cũng là một kênh truyền thông quan trọng giúp chính phủ hiểu hơn tâm tư nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, giúp cho chính phủ xích lại gần dân hơn, tìm thấy tiếng nói chung trong những vấn đề nóng, hệ trọng của đất nước.

Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế 2016? Những vấn đề nào theo anh cần được chính phủ quan tâm nhất?

Còn nhớ khủng hoảng kinh tế 1997 kéo dài và dây dưa khiến doanh nghiệp rất khó khăn, tình trạng này kéo dài đến năm 2006, đường đồ thị kinh tế mới bắt đầu đi lên, phát triển rất mạnh từ 2006-2008, sau đó lại gặp khủng hoảng, đồ thị kinh tế rơi xuống lại y như chu kỳ 1997-2006.

Bước sang 2016, rất nhiều tín hiệu về thị trường, về sức mua tích cực hơn, kinh tế đã bắt đầu khởi sắc. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, doanh nhân rất hy vọng vào chu kỳ 10 năm tới. Thị trường chứng khoán của Việt Nam dù chưa lớn nhưng đã quay lại hơn 600 điểm, thể hiện được tính lạc quan của doanh nghiệp. Sắp tới, cộng đồng ASEAN mở rộng, tác động rất tích cực vào bức tranh kinh tế.

Ngoài thử thách về hàng hóa, lưu thông, còn là thử thách về nguồn nhân lực cấp cao và cấp trung. Dần dần sẽ có người Malaysia, người Thái Lan, Singapore… có kiến thức, có ngoại ngữ, có kinh nghiệm tài chính, quản trị trị tốt sẽ điều hành doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại các quản lý cấp trung của Việt Nam sẽ đi sang các nước làm việc, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn…

Khi chính phủ mới có sự thay đổi thì tất cả doanh nghiệp đều kỳ vọng.

Dưới góc độ một nhà quản lý doanh nghiệp, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên có điều cần lưu ý, nợ công của Việt Nam rất cao, vì nợ công cao nên chính phủ sẽ có nhiều động thái tăng thu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai là niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, môi trường bị mất đi rất lớn, ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia, khắp mọi ngành hàng đều bị thiệt hại.

Để củng cố lại niềm tin đó, không chỉ các doanh nghiệp làm thực phẩm và tất cả doanh nghiệp phải chú trọng đến vấn đề đạo đức kinh doanh, mà chính phủ phải quyết liệt để xây dựng lại niềm tin cho những tổ chức kiểm soát, cung cấp các chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Bởi người dân còn không tin vào các cơ quan kiểm soát chất lượng thì làm sao tin vào chất lượng thực phẩm. Nhà nước phải xử lý thật nặng những công ty không bảo đảm vệ sinh an toàn cho thực phẩm, đặc biệt làm hủy hoại môi trường.

Qua thảm họa Fomosa, dù rất đau buồn nhưng ở góc độ nào đó, kiến thức về môi trường của người dân được nâng cao rất nhiều, mọi người đều hiểu nó ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình mình, cuộc sống của mình. Mỗi người dân bây giờ là một giám sát viên môi trường đối với doanh nghiệp.

Kim Yến

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/bizlife/ceo-berjaya-viet-nam-mang-xa-hoi-kenh-truyen-thong-giup-chinh-phu-gan-dan-hon-2051621.html