Cây “thần dược” gốc… Campuchia: Đường đi của "thần dược nhập ngoại"

Kể từ khi cây "thần dược" trở nên nổi đình nổi đám - nhất là lúc Viện Dược liệu Trung ương công bố kết quả thử nghiệm trên chuột, rằng nó có khả năng ức chế, tiêu diệt 5 dòng tế bào ung thư thì cơn sốt đào cây "thần dược" lại bùng lên. Không chỉ ở Hòn Hèo, Ninh Vân, dân đi đào truyền nhau một nhận định, là "thần dược" mọc nhiều ở những vùng núi ven biển.>> “Cây thần dược” trị xơ gan: Hé lộ “chân dung... thần xạ"

Thân cây "thần dược" Campuchia.

Từ những manh mối ban đầu…

Đầu tháng 6/2013, một bạn đọc Chuyên đề ANTG - tạm gọi là anh Y điện thoại cho chúng tôi. Anh cho biết khoảng 3 tuần nay, tại một khu vực gần Ngã ba liên ngành thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cứ vài ba ngày lại có những chiếc xe gắn máy - đôi khi có cả máy cày gắn rơ moóc, chở những bao tải bên trong chất đầy một loại thân cây mà theo lời anh, thì: "Do đã xem hình ảnh trên báo, tôi thấy nó giống y như cây xáo tam phân - hay còn gọi là cây "thần dược". Những bao "thần dược" này sau đó được chất lên một chiếc xe tải nhỏ, loại 2,5 tấn. Khi tôi hỏi, tài xế cho biết chủ hàng thuê chở ra Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa".

Hai hôm sau, chúng tôi lên đường đi Lộc Ninh. Khởi hành lúc 4 giờ sáng, gần 8 giờ chúng tôi có mặt ở Ngã ba liên ngành. Qua sự giúp đỡ của anh Y, chúng tôi tiếp xúc với một số tài xế xe ôm. Họ cho biết loại cây ấy do một vài cá nhân không biết từ đâu tới, thuê người dân tộc sang Campuchia chặt rồi mang về bán lại cho họ. Thoạt dầu, cứ mỗi kilôgam cây tươi họ mua với giá 40 nghìn đồng, sau tăng lên 60 còn bây giờ, vì phải đi xa, đi sâu vào rừng nên người dân tộc bán 80, hoặc 100 nghìn đồng/kg tùy theo thân cây lớn hay nhỏ.

Vẫn theo lời mấy ông chạy xe ôm, nếu hàng về nhiều thì vài ba ngày lại có một chuyến xe tải đưa ra Ninh Hòa. Còn nếu hàng ít, một tuần, 10 ngày mới có 1 chuyến. Hỏi việc này diễn ra bao lâu rồi, và có biết loại cây ấy người ta mua để làm gì không? Ông xe ôm tên Chín nói: "Việc mua bán bắt đầu chừng hơn 1 tháng nay. Nghe nói họ làm thuốc chữa bệnh chi đó".

Chuyện trò một lát, chúng tôi nhờ ông Chín tìm giúp chúng tôi vài ký, cả tươi lẫn khô. Ông nói: "Để tui hỏi coi chứ không biết có còn không vì ra cây nào là họ mua hết cây đó". Rồi ông dặn chúng tôi cứ ngồi ở quán cà phê đợi ông. Khoảng nửa tiếng sau, ông quay lại với một người nữa, xách theo một túi xốp trong đựng 6 khúc cây "thần dược" dài chừng 40cm, to gần bằng cổ tay, trọng lượng 1kg cùng một nắm nhỏ "thần dược" đã xắt lát, phơi khô.

Người đàn ông này, mà sau đó chúng tôi biết tên là Minh, nói: "Tui để lại mấy cây làm mẫu cho người dân tộc đi chặt khỏi chặt nhầm. Nghe nói mấy anh cần thì tui bán lại. Riêng loại khô thì chỉ có chừng này vì thoạt đầu, người mua yêu cầu xắt lát nhưng về sau, họ chỉ mua nguyên thân, không xắt ra phơi khô nữa". Hỏi giá bao nhiêu, ông Minh nói 200 nghìn. Chưa hết, ông còn tặng chúng tôi một cây "thần dược" tươi, cao khoảng 50cm với đầy đủ thân, lá, rễ, cành. Theo lời ông Minh, ông nhờ người dân tộc đào về, trồng thử vài cây trong vườn sau nhà xem nó có sống được không.

Chúng tôi quan sát mấy khúc "thần dược" của ông Minh. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thì có thể nói là rất khó phân biệt nó với cây "thật" ở xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vỏ cây vẫn có màu vàng nhạt, thân gỗ cũng màu vàng nhưng khi tước ra, vỏ cây "thần dược" Campuchia" dày hơn vỏ cây "thật", ngửi có mùi hắc chứ không thơm.

Điều đặc biệt là cây "thần dược" Ninh Vân khi chưa phơi khô, lúc tước vỏ sẽ thấy thân gỗ rất mịn, sờ vào hơi nhớt còn cây "thần dược" Campuchia nhìn thấy rõ các sớ gỗ bện vào nhau như tơ, có thể dễ dàng tách ra được từng sợi. Riêng với cây "thần dược" tươi, màu lá của nó cũng xanh đậm hơn, có hình bầu chứ không thuôn, dài, và to gấp 3 lần lá cây "thần dược" Ninh Vân. Rễ của nó khi vò nát, thay vì thơm mùi sâm thì ngửi chỉ thấy mùi hắc. Với mớ cây đã xắt lát phơi khô dù so sánh rất kỹ, chúng tôi cũng không thể nào phân biệt được khi trộn lẫn với cây thật vì khi khô, nó vẫn là màu vàng nhạt, chỉ không có mùi thơm còn cái mùi hắc thì biến mất.

Cây “thần dược" tươi Campuchia.

Tối hôm đó, khi xuống đến Ninh Hòa, chúng tôi đã thử bằng cách lấy mấy lát "thần dược" thật và mấy lát "thần dược" Campuchia cho vào 2 chén đựng rượu trắng 50 độ. Sau 30 phút, chén rượu có "thần dược" thật bắt đầu chuyển sang màu nước trà đậm, còn "thần dược" Campuchia thì vẫn… trắng phớ!

Trả tiền cho ông Minh cũng như gửi ông Chín 50 nghìn gọi là tiền xăng, chúng tôi chuẩn bị ra xe đi Ninh Hòa thì bất ngờ ông Minh nói: "Sau này, nếu mấy anh cần mua số lượng nhiều thì liên lạc với anh Lộc, số điện thoại 0985xxx052. Anh này từ Ninh Hòa ra đây mua đưa về ngoài đó". Hỏi từ lúc có cây "thần dược" Campuchia tới giờ, Lộc mua được nhiều chưa? Ông Minh, trả lời: "Không dưới 10 tấn".

Vài phút sau đó, chúng tôi gọi cho Lộc, đặt vấn đề gặp anh ta để mua cây "thần dược" với số lượng lớn đem về… Mỹ! Rất cảnh giác, Lộc hỏi chúng tôi là ai, đang ở đâu, vì sao biết số điện thoại của anh ta? Chúng tôi trả lời rằng mình đang ở Ninh Vân, và một người bán cây "thần dược" đã cho số máy.

Qua trao đổi, Lộc nói mình hiện ở Sài Gòn, "thần dược" thật giá 3 triệu/kg. Nếu cần gặp anh ta thì cứ về Sài Gòn. Chúng tôi lật bài ngửa, rằng nếu muốn mua 1 tấn "thần dược" Campuchia thì giá bao nhiêu? Giao hàng ở đâu? Lộc, trả lời: "Để em hỏi sếp em rồi sẽ báo cho anh biết".

Hơn 1 tiếng sau đó, Lộc gọi cho chúng tôi: "Hiện tại em đã có sẵn 1 tấn cây chưa phơi khô, giá 300 nghìn/kg. Anh cho em xin thêm tiền công vận chuyển từ Campuchia về mỗi ký 50 nghìn, tổng cộng là ba trăm rưỡi. Nếu mua, anh cứ lên Ngã ba liên ngành hoặc chợ Đội 8 rồi gọi em, em đang ở Lộc Ninh".

20 phút sau, Lộc lại gọi lại. Lần này anh ta cho biết mới chỉ có 500kg nhưng anh ta sẽ ráng kiếm cho đủ 1 tấn và yêu cầu chúng tôi phải đặt tiền cọc. Tôi nói: "Tôi không biết anh là ai, ở đâu. Anh cũng không biết tôi là ai, ở đâu. Tất cả chỉ biết nhau qua số điện thoại. Nếu tôi đặt tiền cọc cho anh rồi anh biến luôn thì sao?". Lộc trả lời: "Anh yên tâm. Anh cứ lên chợ Đội 8 rồi em sẽ đưa anh về nhà em. Em làm ăn uy tín mà". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Lộc là dân Đá Bàn, Ninh Hòa, lên Bình Phước để thu mua cây "thần dược" Campuchia, còn nhà ở Lộc Ninh có thể chỉ là nhà bà con của Lộc.

Một người dân tộc với cây "thần dược" vừa đào được.

Hôm sau nữa, không thấy tôi lên Lộc Ninh và cũng không nghe điện thoại, Lộc nhắn tin: "Sao anh không nghe máy. Anh chưa có tiền hay sao không nghe máy". Đến chiều, Lộc lại gọi: "Em hiện giờ chỉ còn 500kg thôi. Hôm qua từ Campuchia đưa về 2 tấn, nhưng bị bắt hết 1 tấn. 1 tấn còn lại em giao rồi".

Thấy tôi có vẻ nghi ngờ về số lượng, sẩm tối Lộc nhắn tin tiếp: "Anh nói sao kỳ vậy. Làm ăn đầu tiên tôi đã nói có chắc 500 ký có thể hơn…". Như thế nghĩa là đã có thêm 1 tấn "thần dược" Campuchia từ Lộc Ninh về Ninh Hòa để phù phép thành xáo tam phân Ninh Vân, bán cho người bệnh, mà toàn là những bệnh nan y mới ác chứ!

Đường đi của "thần dược" Campuchia

Khuya hôm ấy, chúng tôi ra tới Ninh Hòa rồi 7h sáng, chúng tôi vào xã Ninh Vân, nơi trước đây từng được coi là thủ phủ của cây "thần dược". Tiếp xúc với chúng tôi, bà Trà Thị Bông Sen, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Hiện tại, có thể khẳng định rằng nguồn cây xáo tam phân ở Ninh Vân không còn nữa. Tuy ngày nào cũng có người đi đào - hay chính xác hơn là đi mót phần còn sót lại từ những chỗ đã đào trước kia nhưng chỉ là vài ba người chứ không rầm rộ như năm ngoái".

Quả đúng như vậy, trên đường từ Nhà máy đóng tàu HyundaiVinashin vào Ninh Vân, bên lề đường thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy một tốp xe gắn máy 2,3 chiếc dựng sát nhau, phủ bằng những cành cây. Nếu như trước kia, người đi đào thường chỉ đi riêng lẻ 1, 2 người và chỉ lấy thân, gốc cùng những rễ lớn thì bây giờ đi "mót", họ phải đi đông mới có đủ sức đào đá, moi hốc, tìm những chiếc rễ con còn sót lại. Hỏi như vậy số lượng đào được là bao nhiêu? Bà Sen nói: "Bình quân chỉ được vài ba ký, hầu hết nhỏ bằng đầu đũa, thậm chí còn nhỏ hơn nữa. Nếu ai may mắn gặp được một cây mọc đơn độc, chưa bị phát hiện thì có thể kiếm được 5, 7 ký nhưng hiếm lắm".

Chả thế mà hằng ngày, khoảng 5, 6h chiều, thương lái lại chờ sẵn ở cửa rừng, đợi những người đi "mót" ra để thu mua. Cứ mỗi ký "mót" được, họ mua từ 800 đến 1 triệu đồng tùy theo lớn, nhỏ. Bà Sen nói tiếp: "Rễ tươi càng nhỏ phơi càng hao. 1kg rễ tươi kích thước bằng đầu đũa khi phơi khô, chỉ còn chừng 400 gam" Vì thế, 1kg rễ khô được bán với giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng.

Cũng cần nói thêm là trước đó, ngày 7/12/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn chỉ đạo về việc tăng cường bảo vệ cây xáo tam phân, giao cho bộ đội biên phòng kiểm tra, ngăn chặn tình trạng người dân ồ ạt vào rừng Hòn Hèo đào tìm loại cây này. Chỉ một thời gian ngắn, bên cạnh việc chốt chặn, các tổ công tác của Biên phòng, Công an xã đã tịch thu một lượng cây xáo tam phân do người dân đào được.

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, việc tịch thu là không đúng quy định pháp luật nên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng vì cây xáo tam phân không nằm trong danh mục cây thuốc quý hiếm cần được bảo vệ và nghiêm cấm khai thác. Chả thế mà khi UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và một số cơ quan ban ngành, chỉ đạo giải quyết trả lại cho dân số xáo tam phân đã bị thu giữ - và điều này được dân Ninh Vân ngầm hiểu rằng việc đi đào cây "thần dược" không còn bị ngăn cấm nhưng chẳng ai phấn khởi vì "còn đâu nữa mà đào".

Đưa cho bà Sen xem hai khúc cây "thần dược" Campuchia, chúng tôi hỏi bà đây có phải là cây "thật" không? Bà Sen cầm lên, nhìn một lát rồi nói: "Vì địa phương có loại cây này nên tôi cũng học cách phân biệt để góp phần ngăn chặn một số hộ lợi dụng tình trạng khan hiếm, trộn cây giả vào cây thật, bán cho người bệnh. Với cây này, bề ngoài thì rất giống tuy vỏ nó có hơi sần sùi hơn so với cây thật". Chúng tôi tước vỏ ra, đề nghị bà Sen ngửi thử. Vừa đưa lên mũi, bà lắc đầu, khẳng định: "Không phải là cây xáo tam phân thật".

Và mặc dù theo lời bà Sen, thì "nguồn cây xáo tam phân ở Ninh Vân đã cạn kiệt", nhưng nếu hỏi 12 hộ chuyên mua bán cây "thần dược" ở Ninh Vân, đặt vấn đề mua năm bảy chục ký thì lúc nào cũng có. Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi kilôgam "thần dược" đã chặt ra thành từng mảnh, phơi khô có giá từ 600 đến 800 nghìn đồng. Còn nếu mua nguyên gốc và thân thì từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng. Hỏi về xuất xứ, tất cả đều cam đoan đây là "cây thật", đào ở Ninh Vân, Đá Bàn, Ninh Hòa, Cam Ranh...

Kể từ khi cây "thần dược" trở nên nổi đình nổi đám - nhất là lúc Viện Dược liệu Trung ương công bố kết quả thử nghiệm trên chuột, rằng nó có khả năng ức chế, tiêu diệt 5 dòng tế bào ung thư thì cơn sốt đào cây "thần dược" lại bùng lên. Không chỉ ở Hòn Hèo, Ninh Vân, dân đi đào truyền nhau một nhận định, là "thần dược" mọc nhiều ở những vùng núi ven biển.

Thế là cơm nắm, cơm gói đi Đại Lãnh - kể cả tìm lên vùng núi Dục Mỹ - hoặc ra Vũng Rô, Tuy Hòa, Phú Yên, hoặc vào Thuận Nam, Ninh Thuận, Long Hải, Bà Rịa Vũng Tàu nhưng những nơi này cây "thần dược" chỉ mọc rải rác chứ không mọc thành từng quần thể như ở Hòn Hèo. Để kiểm chứng, trên đường từ Ninh Hòa về lại TP HCM, chúng tôi đã ghé nhà bà Phú Thị Tại, ở thôn Phước Lập, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - là một trong những người chuyên mua bán cây "thần dược".

Xách ra cho chúng tôi xem một bao chỉ khoảng 3kg nhưng hầu hết cũng là loại cây đi "mót" lại, bà cho biết 3 ngày nay, 4 người trong gia đình bà đã vào núi nhưng họ điện thoại về, báo là chưa tìm được: "Bây giờ hiếm lắm mấy anh ơi, đi mấy ngày mới có vài ba ký". Hỏi có ai đến chào hàng cây "thần dược" với bà không? Bà Tại đáp: "Có, nhưng tôi không mua vì nó không đúng. Hàng trăm năm nay, người Chăm chúng tôi gọi nó là cây cần xạ nên chỉ nhìn rồi đốt lên ngửi khói là tôi biết cây thật, cây giả liền…"

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2013/6/80967.cand