Cây ổi trong thùng xốp sai trĩu quả, vừa thơm, vừa ngọt của bà mẹ trẻ

"Chỉ sau 3 tháng cây đã ra quả, đây là vụ quả thứ 2 rồi, quả nhỏ quả to sai lúc lỉu, giống ổi găng ngọt, giòn và thơm lắm."

Trồng ổi từ mùa hè năm ngoái, mùa này, cây ổi nhà chị Nông Thu Thủy (32 tuổi, Hà Nội) đã ra vụ quả thứ 2. Mỗi ngày, ra vườn hái những quả ổi ngon ngọt trên cây chị Thủy rất vui và càng có động lực trồng thêm nhiều cây trái trong vườn.

Chị Thủy ra vườn ngắm thành quả

Chia sẻ về lí do trổng ổi, chị Thủy cho biết: “Cả nhà, đặc biệt là 2 bé nhà tôi thích ăn ổi nên tôi trồng để ăn cho đảm bảo. Trong vườn thượng, tôi trồng nhiều loại rau, cây quả, cũng là vì đam mê trồng cây nên tôi muốn cây gì cũng phải có.”

Dưới đây là kinh nghiệm trồng ổi trên sân thượng của chị Thủy.

Khâu chuẩn bị giống, thùng xốp và đất

Chị Thủy mua giống ở chợ, là giống ổi găng, ngọt, thơm và giòn. “Lúc mua, cây chỉ bằng ngón tay thôi, nhưng ba tháng sau thì bắt đầu nhiều quả, đây là vụ thứ hai rồi.

Đầu tiên, phải chuẩn bị một thùng xốp loại to, xếp vào đáy thùng những chai nhựa đục lỗ và để một lỗ thoát nước cách từ đáy thùng lên 10cm, chị Thủy trải thêm một lớp than hoa mỏng vì than hoa giữ nước tốt mà cũng nhiều dinh dưỡng giúp cho rễ nhiều không khí và phát triển tốt.

Chuẩn bị một chiếc thùng xốp thật to, xếp các chai nước dưới đáy thùng (Ảnh minh họa)

Còn đất thì chị dùng 50% đất thịt + 30% đất giá thể + 10% trấu hun và phân chim bồ câu ủ hoại mục (nhà chị nuôi chim bồ câu ở tầng 2 nên tận dụng luôn). Khi cho đất vào thùng, chị cho 1 lớp đất khoảng 10cm thì lại trải một lớp các loại rau củ quả + vỏ trứng đập nhỏ, rồi lại trải một lớp đất mỏng rồi lại một lớp phân lân trộn với NPK (lớp mỏng thôi) sau đó trải một lớp đất dày rồi mới đặt cây vào và đổ đất nhưng chỉ đổ thôi, đừng nén chặt quá.

Chăm sóc lúc cây còn nhỏ

Hàng ngày, chị tưới nước đều 2 lần và sáng sớm và chiều tối, sau 15 đến 20 ngày, cây đã ra rễ con thì chị bắt đầu bón phân NPK ngâm tan trong nước, pha thật loãng tưới xa gốc chỉ tưới 7 đến 10 ngày một lần để rễ cây phát triển nhanh. Ủ thêm các loại phân từ rau củ, nước giải của hai nhóc nhà chị, pha loãng tưới đều cách hôm tưới một lần.

Chị Thủy ủ phân từ các loại rau, củ, quả, nước vo gạo, nước giả, vỏ trứng đập nhỏ... Còn phân chim bồ câu, chị ủ riêng một thùng. Chị trộn với đất rồi rắc thuốc giúp hoại mục nhanh hơn.

Sau 2 tháng cây lớn khỏe thì chị bắt đầu bấm ngọn từ ngọn xuống nách lá thứ 6 và tiếp tục bón phân đều cây sẽ đẻ chồi hai bên thân mỗi nhánh chồi sẽ cho 2 đến 4 cặp hoa. Khi cây có chồi non là lúc rễ bị các loại rệp phá hoại thì chị phun thuốc phòng rệp trước khi chồi ra hoa. Như thế thì cây sẽ không bị rệp tấn công mà khỏe và hoa quả phát triển tốt. Chị Thủy cho biết, ngày chưa trồng rau, chị cũng sợ sâu bọ lắm: “Từ ngày trồng rau tự nhiên tôi trở nên dũng cảm mới lạ chứ. Nhìn thấy con nào là tiêu diệt luôn, mặc dù vừa giết mà tim vừa đập nhanh hơn bình thường.”

Khi cây bắt đầu đậu quả

Cây bắt đầu ra quả thì chị không bón NPK nữa mà chỉ bón phân tự ủ và tưới nước đều đặn. Nếu thiếu nước, hoa và quả non sẽ rụng và không đậu được quả. Thỉnh thoảng, chị pha kali bón cho cây, làm thế quả sẽ ngọt hơn, nhưng cách thời gian thu hoạch khoảng 15 ngày thì ngừng bón kali.

Lúc quả ổi vẫn còn xanh

Hết lứa quả đầu tiên thì đến tháng 3, chị lại bắt đầu bấm ngọn và chăm sóc như trên và giờ là vụ thứ hai sai trĩu quả, cây to gấp 3 lần. "Vụ đầu, cây ra bói cũng được khoảng trăm quả, vụ này quả sai hơn nhiều, hầu như ngày nào ra vườn tôi cũng thu được chiến lợi phẩm là những trái ổi tươi ngon cho cả nhà thưởng thức. Ai nấy đều rất vui!"

Chị Thủy khoe cây ổi với bạn bè

Ngoài ổi, trong vườn thượng, chị Thủy còn trồng rất nhiều loại rau phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Một góc trồng rau của chị Thủy

Linh San

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/doi-song/vuon-oi-trong-thung-xop-sai-triu-qua-vua-thom-vua-ngot-cua-ba-me-tre-81732/