Đạo diễn Việt kiều thống trị thị trường phim đầu năm 2016

40 phim Việt ra mắt năm 2015, doanh thu lần đầu cán mốc 100 triệu USD trong đó hơn 30 triệu USD đến từ phim nội địa. Thành công ấy, có sự góp sức của các đạo diễn Việt kiều.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các đạo diễn Việt kiều đã và đang góp phần tạo nên những ngương mặt mới, làn gió mới cho thị trường điện ảnh Việt.Tính đến hết tháng 5 năm 2016, hàng loạt phim của các đạo diễn Việt Kiều đang chiếm lĩnh thị trường phim nội địa, có thể kể đến: Bao giờ có yêu nhau (Dustin Nguyễn), Truy sát (Cường Ngô), Nữ đại gia (Lê Văn Kiệt)... Và sắp tới có Fan cuồng của đạo diễn Charlie Nguyễn.

Victor Vũ

Victor Vũ

Mỗi người một vẻ...

Cái tên đầu tiên được nhắc đến, chắc chắn là Charlie Nguyễn với Dòng máu anh hùng (2007) – tác phẩm hành động mẫu mực của điện ảnh Việt. Thành công của bộ phim còn được minh chứng khi nó được phát hành chính thức tại Bắc Mỹ và bán đi hơn 100 quốc gia khác nhau. Và thế là, Charlie bắt đầu dần trở thành cái tên của mọi nhà, đặc biệt sau Để mai tính (2010) - làn gió mới của phim Việt ở thể loại hài, lãng mạn, tình cảm.

Nhưng, khi đang ở trên đỉnh cao nghệ thuật, Charlie bất ngờ rẽ hướng sang các bộ phim nghiêng về tính thương mại nhiều hơn: Cưới ngay kẻo lỡ, Để mai tính 2, Tèo em... và sắp tới là Fan cuồng (chưa kể Bụi đời chợ lớn không thể ra mắt). Nhiều người vẫn chờ đợi những đỉnh cao của Charlie thay vì những bộ phim chỉ chăm chăm “kiếm tiền”.

Khác với Charlie, sự nghiệp của Victor Vũ lên như diều gặp gió. Từ tác phẩm đầu tay Giao lộ định mệnh dính nghi án đạo nhái, Victor dường như có thừa sự khôn khéo khi ngày càng biết cách nắm bắt gu thưởng thức và thị hiếu của khán giả mà vẫn giữ được cái chất của riêng mình.

Cứ nhìn vào: Cô dâu đại chiến 1 và 2, Thiên mệnh anh hùng , Scandal 1 và 2, Quả tim máu... sẽ thấy anh luôn biết cách để đa dạng hóa chính bản thân mình mà không khiến khán giả nhàm chán. Thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cả về mặt nghệ thuật và thương mại đã nói lên tất cả điều đó. Và đương nhiên sự kỳ vọng của khán giả vào đạo diễn sinh năm 1975 chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó.

Gần 6 năm về Việt Nam, có trong tay 4 bộ phim đáng chú ý: Ngọc Viễn Đông, Hương Ga, Ngày nảy ngày nayTruy sát, Cường Ngô thuộc tuýp đạo diễn đề cao tính duy mỹ trong các tác phẩm điện ảnh của mình. Đó là lý do, khán giả xem phim của anh luôn bị choáng ngợp bởi những khung hình đầy lôi cuốn, sự chăm chút tỉ mỉ và cả sự cầu toàn gần như tuyệt đối.

Kể từ tác phẩm đầu tay Ngọc Viễn Đông đầy mới lạ cho đến hai dự án hành động gần đây nhất, khó có thể nói phim của Cường Ngô dở, nhưng để cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại vẫn còn là một bài toán khó. Cường Ngô chưa đủ tinh tế và nhạy bén như Victor Vũ để biết “gãi đúng chỗ ngứa” cho khán giả yêu phim Việt.

Bộ tứ “anh tài” không thể bỏ qua Dustin Nguyễn – người thành công trong vai trò diễn viên trước khi khẳng định mình là một đạo diễn có nghề. Dustin mang màu sắc không giống như 3 trường hợp kể trên. Anh luôn đeo đuổi những đề tài mới lạ, thậm chí biết trước nó có thể kén khán giả bởi với anh, làm một bộ phim tử tế và chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.

Không nhụt chí khi Lửa phật không thành công như mong muốn, Dustin ngay lập tức sau đó ghi điểm bằng Trúng số bởi sự dung dị, nhẹ nhàng nhưng tinh tế và giàu chất nhân văn. Trong tác phẩm vừa ra mắt, Bao giờ có yêu nhau lại là một Dustin hoàn toàn khác khi mang đến câu chuyện đầy mới lạ, hấp dẫn, chỉn chu trong từng khung hình, góc máy, sự kết hợp tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng và diễn xuất của dàn diễn viên.

Dustin vừa thỏa “chí tang bồng” của cá nhân anh nhưng đồng thời, đang tự định hướng riêng cho mình một lớp khán giả dù có thể nó không đình đám, ồn ào hay tạo nên cơn sốt phòng vé.

Charlie Nguyễn

Một trường hợp không thể không nhắc đến là Lê Văn Kiệt – đạo diễn sinh năm 1978 với 5 tác phẩm đã trình làng. Lê Văn Kiệt cũng là một trường hợp lạ của điện ảnh Việt bởi các tác phẩm của anh, từ Ngôi nhà trong hẻm cho đến Dịu dàng hay vừa ra mắt là Nữ đại gia (không kể đến 2 phim bị cấm chiếu là Rừng xác sốngBẫy cấp 3) đều mang màu sắc lạ. Trong đó, Nữ đại gia bị xem là một bước lùi của Lê Văn Kiệt.

Sự thống trị của đạo diễn Việt Kiều ở thị trường nội địa

Sự thống trị của các đạo diễn gốc Việt tại thị trường điện ảnh trong nước được cộng hưởng từ nhiều yếu tố.

Trước hết, không thể phủ nhận việc được học tập, trải nghiệm và làm phim ở những kinh đô điện ảnh lớn như Hollywood luôn mang đến sự tươi mới, tính văn minh trong những tác phẩm điện ảnh. Chất hiện đại ấy được bộc lộc từ cách tiếp cận, giải quyết vấn đề; việc xây dựng ekip chuyên nghiệp từ khâu tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ; áp dụng cách làm phim mới với nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ quá trình sản xuất...

Ngày càng có nhiều chuyên gia nước ngoài về âm thanh, ánh sáng, hiện trường, đạo diễn hành động... tham gia vào quá trình sản xuất phim Việt. Khi từng yếu tố trong quá trình làm phim được chăm chút kỹ lưỡng sẽ là tiền đề của một tác phẩm tử tế.

“Vì họ được học tập, trải nghiệm các môi trường nước ngoài nên khi làm phim tất cả các khâu từ kịch bản, âm thanh, ánh sáng... đều hướng theo những tiêu chuẩn như thế. Với những người ham học hỏi và cầu tiến thì được làm việc với các đạo diễn như thế là điều tuyệt vời” – đạo diễn Cường Ngô từng chia sẻ về các thế hệ đi trước như Charlie Nguyễn, Hàm Trần...

Đó cũng là lý do, từ năm 2012 vị đạo diễn này luôn tâm niệm: “Sẽ đem tất cả những gì mình đã được học, được trải nghiệm ở nước ngoài về Việt Nam kết hợp với những câu chuyện thuần Việt để đem đến những tác phẩm được coi là chuẩn mực của điện ảnh đúng nghĩa”. Victor Vũ, Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn... cũng đã và đang làm những điều như thế.

Dustin Nguyễn

Phong cách và thương hiệu cá nhân cũng là một điều đáng bàn trên hành trình khẳng định mình của các đạo diễn gốc Việt. Khi khán giả Việt với gu thưởng thức ngày càng văn minh, hiện đại làm thế nào để thuyết phục họ là không hề đơn giản.

Đạo diễn Victor Vũ cho rằng điều quan trọng nhất với anh là được làm những điều mình cảm thấy thích thú nhất, hài lòng nhất với chính bản thân. “Tất cả đều bắt nguồn từ cảm hứng vì tôi quan niệm nếu không thích sẽ không làm. Điều quan trọng là tìm được nhà sản xuất đi cùng hướng với mình và hiểu được thông điệp mình muốn đưa ra.

Tôi chưa bao giờ đặt ra mình sẽ đi theo thể loại nào. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là một câu chuyện hay và tôi mong khán giả khi xem phim của mình sẽ để lại những thông điệp ý nghĩa và thỏa mãn với một câu chuyện thật sự hấp dẫn”. Một tác phẩm xứng đáng và mang đến cảm xúc cho khán giả cũng là tiêu chí đầu tiên Dustin Nguyễn đặt ra cho chính mình.

Cứ nhìn vào thực tế hiện nay, xu hướng các đạo diễn gốc Việt tiếp tục thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt trong các năm tiếp theo là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, cũng như nhiều đạo diễn trong nước cuộc chơi điện ảnh luôn đầy mạo hiểm. “Không ai biết trước phim nào sẽ thành công dù khi làm phim ai cũng tính đến bài toán kinh tế. Khi làm phim, tôi không nghĩ quá nhiều về doanh thu, điều quan trọng nhất là đi theo linh cảm và bản năng để thuyết phục mọi người có niềm tin và đam mê vào dự án của mình” – đạo diễn Dustin Nguyễn từng chia sẻ khi thực hiện dự án Bao giờ có yêu nhau.

Trong khi những rắc rối kiểu "hãng phim truyện Việt Nam bị bán" khiến các đạo diễn trong nước tê liệt, thị trường phim nội địa - trong tương lai gần, vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các đạo diễn Việt kiều. Hy vọng, các đạo diễn sẽ mang đến nhiều bất ngờ hơn nữa, trong mỗi lần xuất hiện.

Thùy Vân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dao-dien-viet-kieu-thong-tri-thi-truong-phim-dau-nam-2016-post651846.html