Cây đa 13 gốc và những chuyện huyền bí

(PL&XH) - Người dân Việt Nam quen với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Nhưng có lẽ cây đa có tán lá rộng như cây bàng, có tới 13 gốc thì không ở đâu có được.

Người dân phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng vẫn gọi là “di sản thiên nhiên có một không hai”.

Cây đa với sức sống mãnh liệt

Cây đa 13 gốc nổi tiếng với người dân Hải Phòng từ nhiều năm nay. Cây đa ngự ở vị trí xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ngày trước, xã Đằng Giang là nông thôn. Người dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn. Xóm Trại được đặt tên như thế vì khu đất này là người dân ra khai hoang xây nhà, lập trại. Qua quá trình đô thị hóa, Đằng Giang giờ đã lên phường và xóm Trại thưa thớt dân cư giờ đông đúc. Nhưng khi đến đây, người ta vẫn cảm nhận được cảm giác mát mẻ, yên bình của làng quê bởi hình ảnh cây đa ở ngay đầu làng.

Theo lời các cụ cao niên, từ khi còn nhỏ, cây đa này đã có 13 gốc. Ngay thời những năm kháng chiến chống Pháp, các cụ cao tuổi cũng không biết chính xác tuổi của cây. Sau này, một số nhà khoa học đến thăm đã đo đạc, đánh giá cây có thể gần 1.000 tuổi.

Cụ Thiết gần 80 tuổi người có nhiều năm gắn bó với cây đa này kể, dưới gốc đa trước kia có một am nhỏ thờ thổ địa. Gần đây, ngày càng nhiều người đến lễ bái, nhất là ngày rằm, mùng một âm lịch, mỗi ngày có hàng nghìn người. Không chỉ có khách từ Hải Phòng mà còn từ Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội... cũng về chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ lùng của cây đa. Tương truyền khi xưa Chúa năm phương cùng 2 cô hầu cận hay đi xe kéo lúc nửa đêm dạo quanh vùng đất Hải Phòng, cây đa 13 gốc là nơi chúa bà dừng chân cuối cùng. Người dân thấy sự linh thiêng nên dưới gốc đa nên lập 1 ngôi miếu nhỏ thờ Chúa Bà, quanh năm hương khói. Chân tượng Chúa trong miếu phủ áo trắng và tiệc Chúa ngày 16-6.

Cụ Phạm Thị Dịu người thường ra gốc đa quét dọn kể rằng, ngày xưa có một vị tướng quân trên đường đi đánh giặc dừng chân ở đây và buộc ngựa vào cây đa khiến ngọn cây bị gãy. Sau, tán cây mọc ra và cây đa có hình dáng như ngày nay. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cây đa có tán lá rậm rạp, sum sê, từ xa nhìn lại cây đa trông giống như mâm xôi khổng lồ.

Đến nay, cây đa được UBND phường Đằng Giang đặc biệt quan tâm nên đã có nhiều biện pháp bảo vệ di sản thiên nhiên. Khu vực quanh cây đa được xây dựng lát sân sạch sẽ và đặt ghế đá như một khu tham quan thắng cảnh để người dân và khách thập phương ghé chân qua.

Cây đa 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ảnh: Phương Linh

Những câu chuyện đồn thổi

Người dân ở xóm Trại thường kể nhau rằng vào thời Pháp thuộc, phố Cầu Đất bây giờ còn được gọi là phố Cô Đầu, bởi có nhiều nhà hát cô đầu (còn được gọi là hát ả đào hay ca trù). Có một ca nương chẳng may yểu mệnh mất đúng vào giờ thiêng, nên rất linh thiêng. Có người thương cảm dựng đền thờ gần đó. Sau do biến cố của lịch sử, đền cũ không còn. Có người phu xe đứng chờ khách ở gần đền cũ vào lúc nửa đêm, bỗng thấy có người con gái mặc quần áo trắng gọi xe về khu vực xóm Trại. Khi người phu xe chở đến cây cầu nhỏ bắc qua mương gần cây đa 13 gốc, bỗng người con gái biến mất, trên xe chỉ còn lại tiền âm phủ. Người dân trong vùng tin rằng, người con gái kia hiển linh về cây đa 13 gốc ngự.

Sau này, nhiều người dân còn đồn thổi những câu chuyện kinh hoàng hơn nhiều. Chị Nguyễn Thị Hè, quê ở Thái Bình làm thợ cắt tóc ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng ở trọ trong phường Đằng Giang hơn 5 năm nay. Chị Hè kể lại câu chuyện mà chính chị chứng kiến. Năm 2009, một người bạn cùng quê của chị Hè làm công nhân ở khu vực chợ Sắt, Hải Phòng. Người bạn đó cũng ở trọ tại phường Đằng Giang. Khi đi làm tan ca về khuya, cô gái đạp xe đi qua gốc đa thấy một bà già ngồi cạnh đó. Người con gái nghĩ rằng bà cụ nào đi lang thang về đó nghỉ chân. Trong giây phút cô gái còn bối rối vì thấy sợ sợ, bà cụ hỏi cô gái xin đi nhờ xe.

Cô gái mệt mỏi, bánh xe lại non hơi nên từ chối “cháu không cho cụ đi đâu vì cháu mệt. Xe cháu lại non hơi, chở bà cháu sợ làm ngã”. Nói rồi cô gái đi xe về phía trước, trong lòng vẫn có chút gì đó day dứt vì không cho bà cụ đi nhờ. Nhưng lại thấy hai tay lạnh toát và tim đập loạn xạ.

Cô đi được một đoạn cách gốc đa vài trăm mét thì xuất hiện một đứa trẻ nhỏ khoảng 8 tuổi, người gầy đen. Cô gái thấy lạ vì hôm nay đi làm tăng ca về khuya mà sao gặp nhiều người đi chơi muộn. Nhìn đồng hồ trên tay đã gần 12g khuya mà vẫn còn trẻ con lang thang ở đường. Đứa trẻ gọi thất thanh trong đêm khuya vẳng lặng “chị ơi cho em đi nhờ với”. Cô gái giật mình định từ chối nhưng nghĩ lại thương hại nên cho đứa trẻ ngồi lên xe đi nhờ. Đứa trẻ gầy vậy nhưng bánh xe nặng trĩu. Cô nghĩ có thể là do bánh xe non hơi. Đi được một đoạn cô quay lại không thấy đứa trẻ đâu. Cô gái sợ phát khóc và đạp xe một mạch về nhà trọ cách đó 1km. Khi về đến nhà, người cô gái lạnh toát, gương mặt tái xanh, giọng nói run rẩy vì chưa hết sợ. Cả đêm, cô gái trùm chặt chăn trong khi thời tiết mua thu vào khoảng 280C. Đến hai ngày sau, cô gái đó nằm ốm li bì phải đi viện truyền nước. Đến BV, cô gái chỉ kịp kể cho mẹ mình nghe lại câu chuyện cô chở đứa trẻ kia và lại nằm vật ra không biết gì. Từ sau hôm đó, cô sống trong trạng thái lơ mơ.

Về sau, chị Hè kể bố mẹ đưa cô về quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình nhưng cô gái đó tâm thần không ổn định. Nhìn thấy bất cứ đứa trẻ nào cô gái cũng khóc lóc van xin không lại gần. Bố mẹ cô bé đi xem thì thầy bói phán cô hợp tuổi với người âm nên bị người âm theo. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa lý giải được người âm theo từ đâu và bệnh tình của cô gái như thế nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thắng Lợi - Chủ tịch UBND phường Đằng Giang quận Ngô Quyền cho biết, cây đa 13 gốc, thuộc xóm Trại của phường xưa kia có một am nhỏ thờ thần lập ra xóm. Hiện nay, phường đã gửi các hồ sơ để gửi lên các cấp xin Unesco công nhận cây đa 13 gốc là di sản thiên nhiên. Đến nay, phường đã lập cả một chương trình thúc đẩy du lịch từ cây đa 13 gốc. Phường lập ban quản lý để chăm sóc cây đa.

Nói về những câu chuyện như bà Chúa năm phương, chuyện oan hồn cô nữ hát ả đào hay chuyện gặp người âm ở cây đa, ông Lợi khẳng định không có chuyện ấy. Mọi thứ đều là tương truyền và mọi người đồn thổi nhưng không ai biết đó là thật hay không và không được sách vở nào ghi lại.

Vào mùa xuân, khi vạn vật tươi tốt, nếu đứng dưới gốc cây nhìn lên, chẳng thấy khe hở nào. Chim chóc đua nhau kéo về làm tổ, tiếng chim hót líu lo rộn rã bốn mùa. Người dân nơi đây thường xuyên quét lá đa khô về đun. Trẻ chăn trâu rất thích hái quả đa chấm với muối trắng ăn bùi bùi. Sau mỗi buổi làm đồng vất vả, dân làng có thói quen dừng chân nơi bến nước rửa tay, rửa chân, đến giếng làng vốc từng vốc nước trong xanh, mát lạnh rửa mặt rồi đến ngồi nghỉ dưới tán đa. Bao nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả dường như tan biến.

Phương Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140118104736538p1001c1049/cay-da-13-goc-va-nhung-chuyen-huyen-bi.htm