Cây Chu đá, lá Chu đồng và cuộc viễn chinh đến ngọn đồi bên sông Mã

Hình tượng cây Chu đá, lá Chu đồng là biểu trưng của công cụ kim loại đồng do con người mới phát hiện ra. Đó là tiếng reo vui hồn nhiên, sự ngưỡng mộ tôn sùng của con người khi có một khí cụ mới.

Cây Chu trong con mắt nhà thơ

Nhà thơ Cao Sơn Hải (SN 1937), chuyên gia về văn hóa Mường, có cái nhìn trực diện hơn về cây Chu đá. Theo ông, “cây Chu đá, lá Chu đồng” hay “cây Chu đồng” cần phải hiểu về mặt ngôn ngữ học, rằng “chu” là to lớn, chủ, chúa; “đá/tà/đà” là già cả, lâu đời, tôn trọng; “đồng” là chỉ chất liệu kim loại. Như vậy, theo tiếng Mường nghĩa là “Cây chúa tể của đồng”.

Ông Cao Sơn Hải nhấn mạnh: “Hình tượng cây Chu đá, lá Chu đồng là biểu trưng của công cụ kim loại đồng do con người mới phát hiện ra. Đó là tiếng reo vui hồn nhiên sảng khoái, sự ngưỡng mộ tôn sùng của con người khi có một khí cụ mới. Một khí cụ mà ai có nó cũng trở nên khác trước đến ngạc nhiên, sự thay đổi cuộc đời đến kỳ lạ và mầu nhiệm. Vai trò của đồng đã đưa con người từ mông muội sang văn minh. Do có công cụ sản xuất mới con người đã thay đổi chính mình bởi năng suất lao động, bởi hiệu quả của công cụ sản xuất. Từ đồ đá đến đồ đồng là một bước tiến hết sức quan trọng và rất cơ bản của lịch sử loài người”.

Dấu tích bãi khai thác vàng từ xa xưa

Trong ký ức của người dân sống ở khu vực đồi Lai Li Lai Láng hiện nay, nơi làng Cha có vũng nước cây Chu đổ xuống, người Pháp đã xây dựng một cơ sở khai thác gang lớn tên là Mỏ Gang. Điều đó chứng tỏ, khu vực này có nhiều khoáng sản là các kim loại, từ xưa đến nay đã được chú ý.

Ông Hà Nam Ninh giới thiệu về khu đất Hu Khăm.

Ông Hà Nam Ninh giới thiệu về khu đất Hu Khăm.

Ông Hà Nam Ninh sinh ra và lớn lên tại làng Hiềng, dưới chân đồi Lai Li Lai Láng. Ông Ninh từng khoát một vòng tay rộng, chỉ vào thung lũng rộng lớn của làng Hiềng, nói với tôi: “Từ thời xa xưa, những mảnh đất này đều có các tên gọi liên quan đến quá trình khai thác kim loại quý, đặc biệt là vàng. Cha ông chúng tôi cũng chỉ biết đó là các địa danh cổ, không biết có từ bao giờ.

Phía kia gọi là khu đất Hu Khăm, nghĩa là Hố đào vàng. Khoảng đồng rộng bên cạnh đó gọi là Hang Khăm (nơi cô vàng). Gò đất cao bên cạnh, nơi có sức chứa hàng trăm người, gọi là Đon Cơm (Gò ăn cơm). Khu làng kia vốn tên là Đon Mặn (Kho chứa muối), quanh đó là bãi chợ. Đặc biệt, có một khu đất gọi là Hới Hi (nơi chứa gái điếm) dành cho dân tứ xứ. Nghĩa là vùng đất này vốn là một bãi khai thác vàng xa xưa, từng tập trung rất đông người và hoạt động trong một thời gian dài. Vàng sa khoáng hiện vẫn còn rất nhiều ở vùng này, trước đây có người vẫn lén lút đến tìm kiếm”.

Viên đá dưới chân đồi Pù Đền có màu vàng xỉn, đen đúa.

Dưới chân cụm đồi Pù Đền, nơi các anh em kiểm lâm và cán bộ xã Kỹ Tân (huyện Bá Thước- Thanh Hóa) đưa tôi đi tìm gốc cây Chu đá có một hiện tượng khá đặc biệt. Vô số những viên đá lộ thiên nằm lổn nhổn, lăn lóc bên đường hầu hết có màu vàng xỉn, đen đúa.

Bằng mắt thường cũng có thể nhận ra đó là quặng sắt. Nhiều viên đá vỡ còn lộ ra lượng sắt đen sì. Chúng cấu tạo nên phần lớn ngọn đồi đó, nên nơi đây cây cỏ không mọc nổi, sét đánh vào thường xuyên là dễ hiểu. Tôi có nhặt về một số mảnh tước nhỏ. Buộc cán gỗ vào, chúng trở thành chiếc rìu sắc nhọn tự nhiên. So với công cụ sản xuất đồ đá sơ khai, thậm chí là đồ đồng, đây thực sự là một vũ khí tuyệt vời, dùng để săn bắt hoặc chặt thái. Trong tôi chợt lóe lên ý nghĩ, việc đi tìm cây Chu của người xưa có thể là hành trình đi tìm quặng sắt, thứ kim loại đã thay đổi một cách toàn diện đời sống, văn minh của cộng đồng Việt cổ?

(Còn nữa)

Lê Quân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cay-chu-da-la-chu-dong-va-cuoc-vien-chinh-den-ngon-doi-ben-song-ma-a320598.html