Cây cầu nối những bờ vui

Nằm trong dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do, cầu treo Noh Prông hoàn thành đang mở ra vận hội mới cho đồng bào thôn Noh Prông và thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong (Krông Bông – Đắc Lắc) không chỉ thuận tiện đi lại, giao thương hàng hóa nông sản, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở vùng quê nghèo khó. Vào lập nghiệp tại xã Hòa Phong từ năm 1997 đến nay, thôn Noh Prông và thôn Ea Khiêm có 366 hộ, với 2.363 khẩu là đồng bào dân tộc Mông đến từ các tỉnh miền núi phía bắc, địa bàn nằm biệt lập bên kia suối Noh Prông cách xa trung tâm xã 9 km. Vì không có cầu, đường nên việc đi lại sản xuất, sinh hoạt và học tập của người dân và con em trong thôn gặp không ít khó khăn, mùa nắng thì lội bộ qua suối, mùa mưa lũ phải kết bè bằng tre nứa đi qua. Để tạo điều kiện đi lại, hàng chục năm qua người dân 2 thôn này đã đóng góp hàng ngàn ngày công và vật liệu làm chiếc cầu tạm bằng gỗ tạp, chông chênh cao hơn mặt nước gần chục mét, nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rơi xuống cầu, gây thiệt hại về người và phương tiện.

Ông Ngô Văn Dinh, người dân thôn Noh Prông bức xúc: “Do không có cầu, nhân dân chúng tôi đã góp sức cùng nhau làm chiếc cầu tạm, nhưng cứ mỗi mùa mưa lũ về, cầu lại bị cuốn trôi, gây tốn kém tiền bạc và công sức của bà con, điều gia đình tôi buồn nhất là năm 2008 khi trời mưa to nước lớn quá nhanh, em trai tôi là Ngô Văn Kinh đi qua suối đã bị nước cuốn trôi”.

Hay trường hợp của ông Lê Văn Hựu ở thôn 7 xã Hòa Lễ, khi đi qua cầu tạm Noh Prông làm rẫy, bị rơi cả người và phương tiện xuống suối dẫn đến chấn thương nặng, phải nằm điều trị hàng tháng trời... Chưa kể, chỉ vì giao thông cách trở mà nông sản làm ra của bà con phải bán thấp hơn so với giá thị trường, mỗi năm đến mùa mưa lũ nhiều học sinh ngại đến trường phải bỏ học giữa chừng. Trước những yêu cầu chính đáng của người dân, nhà nước đầu tư 15 tỷ 183 triệu đồng từ nguồn vốn “dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do” để xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó hạng mục cầu treo Noh Prông có giá trị xây lắp là 4 tỷ 600 triệu đồng. Kết cấu cầu treo Noh prông là cầu treo dây võng, dài 120 mét, rộng 2, 7 mét, mặt cầu lót gỗ, trọng tải 2,2 tấn. Do nhiều nguyên nhân khách quan, sau 5 năm thi công đến nay cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Hoàng Văn Bằng, Phó Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Noh Prông cho biết: “Thôn Noh Prông và thôn Ea Khiêm chúng tôi là thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 52%, nhiều năm qua bà con ao ước có một cây cầu bắc qua suối để thuận tiện đi lại và có điều kiện phát triển kinh tế. Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, 2 thôn đã có một chiếc cầu treo, bà con vui mừng, phấn khởi lắm, từ nay sẽ không phải lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến, việc có cầu và đường sá đi lại thuận tiện, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân 2 thôn chúng tôi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giao lưu hàng hóa”. Niềm vui đó không chỉ đối với người dân nơi đây, mà việc cầu treo và đường nhựa hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ giúp cho các thầy, cô giáo bớt gian nan hơn, từ nay sẽ không còn cảnh các thầy, cô giáo phải lội bộ hàng cây số trên những con đường ổ voi, ổ gà lầy lội, cũng như phải thấp thỏm lo âu mỗi khi đi qua cầu tạm để đem con chữ đến với các cháu nơi đây.

Vậy là sau 19 năm mong đợi, chiếc cầu treo mơ ước nối liền hai thôn Noh Prông và thôn Ea Khiêm với các thôn khác trong xã cũng đã trở thành hiện thực, viễn cảnh về một tương lai tươi sáng đang dần mở ra, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia “chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Mai Viết Tăng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_158434_cay-ca-u-no-i-nhu-ng-bo-vui.aspx