Cầu xây xong vẫn chưa có đường dẫn lên cầu

Đã hơn sáu tháng kể từ khi cầu thôn Hồ Lân, xã Tân Thắng (Hàm Tân, Bình Thuận) xây xong, người dân vẫn chưa thể đi lại qua cây cầu này, chỉ vì không có đường dẫn lên cầu. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư cũng không thể giải quyết được do vẫn chưa có giá đất cụ thể để áp giá đền bù cho dân, giải phóng mặt bằng để tiếp tục thi công.

Thôn Hồ Lân là thôn ven biển của xã Tân Thắng, có 238 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu chủ yếu làm nghề biển. Tuyến đường giao thông chính nối thôn này với bên ngoài phải qua cây cầu bắc qua sông Cô Kiều. Năm 1994, người dân địa phương tự góp kinh phí để lắp một cây cầu thô sơ bằng gỗ ván có chiều rộng khoảng 2 m để đi lại, các loại xe bốn bánh không thể đi qua cây cầu này. Hằng năm lũ về, nước tràn qua làm cầu xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho người qua lại, ảnh hưởng lớn đến giao thông và vận chuyển hàng hóa tại địa phương.

Năm 2015, cầu thôn Hồ Lân đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt cấp kinh phí xây dựng. Công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và vốn vay tín dụng trong ba năm với tổng mức đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng do Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Hàm Tân làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư xây dựng công trình gồm cầu bê-tông cốt thép vĩnh cửu, có chiều dài 37,2 m, chiều rộng mặt cầu 4 m, chiều rộng lan can, gờ chắn mỗi bên 0,5 m. Đường dẫn hai bên cầu với chiều dài gần 19 m, chiều rộng mặt đường 4 m với kết cấu bê-tông xi-măng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân Nguyễn Ngọc Nam, việc xây dựng cầu thôn Hồ Lân sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của thôn Hồ Lân nói riêng và khu vực xã Tân Thắng nói chung. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập, vận chuyển hàng hóa của người dân cũng như bảo đảm việc cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ.

Tháng 7-2015, công trình cầu thôn Hồ Lân được triển khai thi công, đến cuối tháng 4-2016 sau khi đạt 95% khối lượng thì công trình tạm ngừng thi công, hai đường dẫn lên cầu không thể triển khai do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và một số hộ dân chưa đồng ý với phương án thiết kế đường dẫn lên cầu.

Chủ tịch UBND xã Tân Thắng Đỗ Tấn Sĩ cho biết: "Theo thiết kế ban đầu, có 8 hộ dân thuộc hai thôn Gò Găng và Hồ Lân có đất và công trình nằm trong dự án cầu thôn Hồ Lân. Chúng tôi tập trung cả hệ thống chính trị của xã cùng với huyện tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ bà con để vận động, tuyên truyền, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận. Những hộ này không thống nhất nhận tiền đền bù tạm ứng và giá đất tạm tính theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh cũng như đơn giá bồi thường đối với các công trình kiến trúc phụ trợ, mà họ yêu cầu Nhà nước phải chi trả tiền đền bù một lần sau khi có giá đất cụ thể".

Trước thực tế cầu đã xây xong nhưng đường lên cầu không có, trong khi vào mùa mưa nước sông Cô Kiều dâng cao, người dân địa phương đã đổ đất hai bên đầu cầu làm đường dẫn tạm để người và xe máy đi qua. Tuy nhiên, do cầu cao hơn mặt đường khoảng 3 m, nên con đường tạm có độ dốc rất lớn, nhiều người vì thấy quá nguy hiểm đã không dám đi qua mà phải đi đường vòng rất xa để ra vào thôn. Hàng hóa đều không thể vận chuyển bằng ô-tô được, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ở đây.

Theo ông Trần Hưởng, Trưởng thôn Hồ Lân, bà con trong thôn đã kiến nghị với các cấp nhiều lần rồi, mong sớm có Hội đồng thẩm định giá đất tại công trình này, từ đó mới có quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng cho bà con để sớm làm đường dẫn lên cầu. Thời gian qua, nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hải sản ra ngoài; đồng thời việc xây cầu cũng ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hàm Tân Phạm Tuấn Phong, cho biết, theo Nghị định 44/2014/NĐ-CP Quy định về giá đất thì việc xác định giá đất cụ thể phải do Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh thực hiện. Cho nên, địa phương không thể quyết định được giá đất đối với công trình cầu thôn Hồ Lân mà chỉ có công văn đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh sớm thẩm định phương án giá đất để UBND tỉnh ra Quyết định về giá đất cụ thể tại công trình này, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Để hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến người dân, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã điều chỉnh thiết kế xây dựng công trình Cầu thôn Hồ Lân cho phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, phạm vi của công trình chỉ còn ảnh hưởng đến 4 hộ dân; diện tích đất, vật kiến trúc, cây cối bị ảnh hưởng, giảm hơn nhiều so với trước đây. Các hộ dân đã thống nhất và chấp thuận không cản trở việc thi công công trình trong khi chờ nhà nước đền bù. Tuy nhiên vẫn không chấp thuận về đơn giá đền bù, hỗ trợ đối với các công trình kiến trúc phụ trợ xây dựng trên đất nông nghiệp. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã có công văn xin ý kiến của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về đơn giá đền bù đối với các công trình kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng đến nay, huyện vẫn chờ ý kiến trả lời.

Việc chậm ban hành Quyết định về giá đất cụ thể đối với công trình cầu thôn Hồ Lân, cũng như đơn giá bồi thường đối với các công trình kiến trúc phụ trợ ảnh hưởng đến quá trình áp giá đền bù cho người dân, dẫn đến tiến độ thi công công trình cầu Hồ Lân và đường dẫn bị ách tắc. Từ đó ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương, cũng như việc tới trường của các em học sinh, nhất là trong mùa mưa lũ.

“Do trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm công trình đang đầu tư xây dựng, cho nên việc Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh họp để thông qua phương án thẩm định giá đất đối với từng công trình, trong đó có công trình Cầu thôn Hồ Lân cũng mất nhiều thời gian. Hiện nay, Sở TNMT đang đề xuất lên cấp trên về phân cấp cho cấp huyện thẩm định phương án giá đất cụ thể đối với công trình trên địa bàn được đầu tư từ ngân sách tỉnh để rút ngắn thời gian áp giá, đền bù cho dân”.

NGUYỄN THANH CHO Chi cục trưởng Quản lý đất đai, Sở TNMT tỉnh Bình Thuận

“Hồ sơ kiểm kê, xác định tính pháp lý diện tích đất thu hồi để xây dựng công trình cầu thôn Hồ Lân đã hoàn thành, chúng tôi chỉ chờ khi nào UBND tỉnh ban hành Quyết định về giá đất cụ thể cho công trình này thì chúng tôi sẽ tiến hành áp giá, đền bù cho người dân ngay, đồng thời sẽ yêu cầu đơn vị thi công sớm triển khai thi công để hoàn thành công trình đưa vào sử dụng”.

PHẠM TUẤN PHONG Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hàm Tân

“Việc cầu thôn Hồ Lân bị ách tắc do không có đường dẫn đã làm cho nhiều hộ dân địa phương muốn xây dựng nhà nhưng không được, bởi xe ô-tô không thể vận chuyển vật liệu xây dựng tới. Đồng thời còn làm cho việc xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

TRẦN HƯỞNG Trưởng thôn Hồ Lân, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/31313102-cau-xay-xong-van-chua-co-duong-dan-len-cau.html