Cầu Trung Quốc xây ở Kenya sập do quan chức lo thu vén cá nhân

CNN ngày 4.7 dẫn lời thủ lĩnh đối lập Raila Odinga cho biết, cầu Trung Quốc xây ở Kenya sập ngày 26.6 là do quan chức Kenya muốn tư lợi nên vội giao công trình cho nhà thầu Trung Quốc mà không kiểm tra năng lực của họ.

Cây cầu Sigiri bị sập nhịp giữa - Ảnh: CNN

Ông Odinga còn nói chính phủ Kenya thúc đẩy nhanh tiến độ xây cầu chỉ vì những mục tiêu chính trị, cụ thể là "lập thành tích chào mừng" khả năng tái trúng cử của Tổng thống Uhuru Kenyatta.

Ngày 8.8 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Kenya, ông Odinga là đối thủ chính của đương kim tổng thống.

Ông Odinga nói với CNN: “Trong quá khứ, chúng tôi có những công trình không đạt tiêu chuẩn trong những dự án công ích, thường là cầu đường, gây hại đến tuổi thọ các công trình và làm đất nước lãng phí nhiều tiền của”.

Dang dở “nhịp cầu nối những bờ vui”, chính phủ bị bẽ mặt

Thực tế thì cây cầu Sirigi trị giá 12 triệu bị sập ở phía tây Kenya ngay khi chưa xây xong đã làm bẽ mặt chính phủ Tổng thống Kenyatta. Cây cầu do Công ty xây dựng - kỹ sư hải ngoại Trung Quốc nhận thầu.

Sirigi được kỳ vọng sẽ là “chiếc cầu kết nối hai bờ vui” tại một khu vực có “truyền thống” là bị nhiều chính phủ liên tiếp quên lãng, không đầu tư và phát triển. Năm 2014, một chiếc tàu bị lật trong lúc cố gắng vượt sông, khiến hàng chục người chết.

Đảng Liên minh 50 năm của Tổng thống Kenyatta đã đặt nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng làm cốt lõi trong chiến dịch tái tranh cử trước cuộc bầu cử tổng thống.

Theo đó, cầu Sigiri khi xây xong sẽ kéo giảm số người chết nếu xảy ra tai nạn tàu lật trên sông và giúp dân địa phương dễ tiếp cận chợ búa, trường học, bệnh viện. Một khi xây xong, cây cầu sẽ chuyển hóa đời sống xã hội - kinh tế của người dân trong khu vực.

Ngày 14.6, trên đường vận động tranh cử, Tổng thống Kenyatta dừng lại bên công trình xây cầu Sigiri và giao lưu với người dân sống dọc sông. Ông hứa cây cầu sẽ đem lại sự phát triển cho khu vực bị các chính phủ trước lãng quên suốt hàng chục năm sau khi được xây dựng xong trong tháng 7 tới.

Trang web chính phủ dẫn tuyên bố của Tổng thống Kenya: “Sẽ có một sự khác biệt lớn lao giữa những người chỉ tuyên truyền với đồng bào với những người sẽ gửi đến đồng bào những cương lĩnh để thay đổi”.

Nhưng 12 ngày sau, vào ngày 26.6, một đoạn giữa cầu dài 50m bị gãy và rơi xuống đất. Vụ việc làm 20 công nhân bị thương.

Tuyến đường sắt trị giá 3,8 tỉ USD, Kenya hy vọng trả vốn và lãi vay Trung Quốc trong chỉ 4 năm

Theo thủ lĩnh đối lập Odinga, sự cố cầu sập là do chính phủ Kenya vội vã thúc đẩy dự án Sirigi vì những mục đích chính trị, “lập thành tích chào mừng” khả năng Tổng thống Kenyatta tái trúng cử. Và chính phủ Kenya quá chủ quan vào những dự án do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, để chuyển những lời hứa phát triển cơ sở hạ tầng của Tổng thống Kenyatta thành hiện thực.

Ngày 29.5, Tổng thống Kenya khánh thành công trình đầu tư lớn nhất là tuyến đường sắt Madaraka Express trị giá 3,8 tỉ USD do Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay 90% tổng kinh phí xây dựng. Công trình này khởi công hồi năm 2015 và lẽ ra đến cuối năm 2017 mới hoàn tất, nhưng các nhà quan sát nói chính phủ Tổng thống Kenya thúc đẩy tốc độ để lập thành tích trước ngày bầu cử tổng thống.

Giá trị công trình cũng khiến nhiều người ngạc nhiên: Mỗi km có giá cao gấp đôi so với tuyến đường sắt nối với thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) đến Djibouti, nơi mà Trung Quốc đã có một căn cứ quân sự.

Bộ trưởng Giao thông James Macharia nói tuyến đường sắt xây hơn 100 năm qua không được nâng cấp khiến Kenya bị tụt hậu, kém phát triển nên cần xây tuyến đường sắt mới.

Công ty đường sắt Kenya nói rằng tuyến đường mới sẽ giảm hành trình xe lửa chở khách từ thủ đô Nairobi đến Mombasa từ 10 giờ xuống còn 4 giờ đồng hồ. Công ty cũng giải thích kinh phí xây tuyến mới quá cao do địa lý phức tạp.

Tuyến đường sắt mới do Trung Quốc xây dựng

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo việc xây một tuyến đường sắt mới thay vì nâng cấp tuyến cũ, sẽ là một giải pháp rất tốn kém. Nhưng chính phủ Tổng thống Kenyatta quyết thực hiện dự án này và không mở tranh thầu mà thỏa thuận trực tiếp với Trung Quốc.

Kwame Owino, lãnh đạo Viện các vấn đề kinh tế Kenya, nói: “Chúng tôi phải hỏi tại sao các ông thương lượng vụ này quá tệ?”.

Ông chỉ ra những tuyến đường sắt do Trung Quốc xây ở Ethiopia, Tanzania và những nước châu Phi khác đều có giá rẻ hơn ở từng km.

Bộ trưởng Giao thông Macharia bác bỏ quan điểm trên, nói rằng tuyến đường sắt cao tốc có thể chở theo nhiều hàng hóa và phải chạy qua địa hình phức tạp. Ông nói chính phủ kỳ vọng tuyến đường sắt sẽ giúp tăng 1,5% GDP, cho phép chính phủ hoàn trả vốn vay của Trung Quốc “trong khoảng 4 năm”.

Người dân Kenya sẽ è cổ nộp thuế để trả nợ vay?

Ông Owino nói: “Tôi cho rằng đó chỉ là một mong ước nhỏ nhoi”, và đặt dấu hỏi về khả năng vận chuyển hàng hóa của tuyến đường sắt; đồng thời cảnh báo giá cước vận tải từng cao ngất ở đông châu Phi đang bắt đầu giảm. Ông Owino còn khẳng định chính phủ Kenya có món nợ công tăng gấp đôi trong 3 năm qua, buộc chính phủ sẽ phải tích cực đánh thuế lên dân để có tiền trả vốn và lãi vay cho Trung Quốc.

Ông nói: “Cảm tưởng của tôi ở vai trò một nhà kinh tế là dự án này rất lãng phí, nhưng ở vai trò một người dân nộp thuế thì tôi hy vọng nó sẽ có hiệu quả thật sự”.

Tuyến đường sắt mới dài 472km nối thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mombasa và chỉ mới là giai đoạn 1. Kenya còn có tham vọng kết nối với nhiều nước miền đông châu Phi như Uganda, Rwanda, Nam Sudan, Burundi và Ethiopia.

Nó được cho là giúp hành khách không phải sởn gai ốc khi lái xe trên một trong những xa lộ nguy hiểm nhất Kenya. Nó cũng thay thế cho một tuyến đường sắt có tuổi đời 100 năm và dài 1.062km do thực dân Anh xây dựng, nối hồ Victoria với Mombasa.

Hiện xe tải chở hàng hóa phải mất 2 ngày từ thành phố cảng Mombasa về thủ đô Nairobi, trong khi đoàn tàu chở hàng sẽ mất 8 giờ.

Tuyến đường sắt mới sẽ do nhà thầu Trung Quốc điều hành trong 5 năm với 610 công nhân Trung Quốc, trong khi người Kenya đang được đào tạo để dần đảm nhận công việc.

Kim Hương (theo CNN, AP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/cau-trung-quoc-xay-o-kenya-sap-do-quan-chuc-lo-thu-ven-ca-nhan-66439.html