Cầu Thanh Trì lại lún: Có thật vô phương cứu chữa?

Mặt cầu xuống cấp đã lâu mà chưa được sửa chữa. Một số khe co giãn, vào mùa nắng cong bật lên, có chỗ nhô cao đến 10-30cm''

Cầu Thanh Trì được thông xe từ năm 2007 đã giải quyết được phần nào lượng phương tiện tham gia lưu thông trên các tuyến đường của thủ đô Hà Nội, đặc biệt là các xe có trọng tải lớn.

Tuy nhiên, trải qua vài lần sửa chữa các hư hỏng, mặt cầu Thanh Trì có hiện tượng sụt lún và biến dạng bề mặt bê tông nhựa, tạo thành vệt rãnh dài kèm theo là những ổ gà ở nhiều đoạn trên cầu.

Bề mặt cầu Thanh Trì lại bị hằn lú, hư hỏng nặng nề. Ảnh: TTXVN

Hiện tại, trên bề mặt cầu có những đoạn sâu hoắm xuống, ép phần mặt đường phần còn lại dồn lên, tạo thành những đoạn gồ nhô cao lên so với mặt đường (đường sống trâu). Đặc biệt, đoạn mặt cầu về phía quận Long Biên đang tồn tại những vệt hằn lún, sống trâu, có vệt dài hàng trăm mét, chia đôi nền đường.

Lâu ngày, khi các phương tiện xe tải đi qua bề mặt đường, bánh xe như bị lọt thỏm xuống theo luồng lạch tạo thành rãnh hai bên đường. Một số bề mặt đường bị cào bóc vẫn còn nham nhở.

Bên cạnh đó, trong tổng số 10 khe co giãn trên cầu Thanh Trì, đã có tới 7 khe đã bị bong tróc các lớp lót cao su. Một vài vị trí còn xuất hiện ổ gà hay khe co giãn bị sụt hẳn xuống. Mỗi khi phương tiện chạy qua tạo thành tiếng ma sát rất lớn giữa bánh xe và bản mặt khe co giãn, rung lên dữ dội.

Theo một số tài xế lưu thông trên cầu Thanh Trì, ngày tạnh ráo bằng mắt thường có thể quan sát được các hư hỏng hay bong tróc của bề mặt cầu. Vào trời mưa, rất khó để phân biệt đâu là rãnh sâu nên một số đoạn lái xe phải giảm tốc độ nhằm tránh các ổ gà để không bị mất lái.

Nguy cơ tiềm ẩn

Là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, phân làn các phương tiện lưu thông trên cầu Thanh Trì, Thượng úy Trịnh Minh Thanh, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết:

''Mặt cầu xuống cấp đã lâu mà chưa được sửa chữa. Một số khe co giãn, vào mùa nắng cong bật lên, có chỗ nhô cao đến 10-30cm; những đầu sắt, thép nhô lên này, nếu xe chạy với tốc độ cao va phải có thể nổ lốp, mất lái, cực kỳ nguy hiểm đối với phương tiện lưu thông trên cầu''

Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông số 14, ngày 18/3 vừa qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp trên cầu Thanh Trì do các xe ôtô lưu thông với tốc độ cao, không làm chủ tốc độ, mất lái, đâm lao lên dải phân cách.

Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14 cho rằng, với bề mặt cầu bị xuống cấp, lượng phương tiện lưu thông trên cầu đã mãn tải, cơ quan quản lý Nhà nước cho phép lưu thông với vận tốc tối đa 90km/giờ là không hợp lý, thậm chí rất nguy hiểm.

''Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã nhiều lần kiến nghị lên Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội thay thế biển báo hạn chế tốc độ tối đa trên làn đường dành cho xe ôtô từ 90km/giờ xuống 60km/giờ đồng thời bổ sung biển báo cự ly tối thiểu giữa 2 xe nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra do các xe chạy với tốc độ cao, không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước'', Trung tá Tuân khẳng định với TTXVN.

Căn bệnh kinh niên

Sau khi khánh thành năm 2007, chỉ sau 3 năm (tháng 7/2010), báo chí Việt Nam đã phải tốn bao giấy mực để phản ánh về hiện trạng lún nghiêm trọng tại mặt cây cầu này. Những vết lún kéo dài hàng trăm mét đã trở thành quen thuộc trên cây cầu nghìn tỷ.

Kể từ đó đến nay, cầu Thanh Trì liên tiếp được ''lên báo'' cũng với căn bệnh tương tự những năm 2010 dù được nâng cấp, bảo trì thường xuyên. Từng lý giải về nguyên nhân gây ra ''bệnh'' trên cầu Thanh Trì, như Ông Phạm Thanh Bình, phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long (Bộ GTVT) giãi bày rằng: ''do xe quá tải trọng gây nên''.

Năm tháng cứ qua đi, cho đến nay, khi người dân tham gia giao thông trên cây cầu này vẫn phải đối mặt với những mối nguy hiểm rình rập từ những sống trâu, khe nứt, ổ gà lỗ chỗ.

Hiện trạng là thế, phương pháp giải quyết, khắc phục không mang lại hiệu quả. Mặt cầu cứ lún, trụ cầu cứ nứt, nhưng cây cầu Thanh Trì của Hà Nội vẫn đứng đó, hiên ngang minh chứng cho việc lún sụt hay nứt nẻ đều không...vấn đề gì!

Cầu Thanh Trì có tổng chiều dài 3.120m; tổng mức đầu tư gói thầu là hơn 1.395 tỷ đồng. Trong đó phần xây lắp hơn 1.268 tỷ đồng, dự phòng hơn 126 tỷ đồng. Cầu được khởi công từ ngày 28/11/2002 và hoàn thành bàn giao sử dụng ngày 6/2/2007.

Ngọc An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cau-thanh-tri-lai-lun-co-that-vo-phuong-cuu-chua-3331773/