Câu mực đêm

Bốn giờ chiều. Những đọt nắng sà xuống gặp hơi muối từ mặt biển phả lên làm cho không gian như bảng lảng, làm cho tầm nhìn không vượt quá những Hòn Đá, đảo Cát Ông, Vạ Chùa... Chúng tôi hướng ra vịnh Lan Hạ, với đồ nghề câu mực, cùng những câu chuyện về cuộc mưu sinh của dân chài trên quần đảo dự trữ sinh quyển thế giới-Cát Bà.

Người đàn ông lái đò tên Hải, trú tại tổ dân phố 11, thị trấn Cát Hải. Hơn 50 tuổi, cũng gần bằng ấy thời gian ông lênh đênh trên biển, gắn cuộc đời vào từng mẻ cá tôm, từng chao lưới. Vài năm trở lại đây, cá tôm ngoài khơi cũng khan hiếm, chi phí mỗi chuyến đi có khi không đủ vốn nên ông chỉ chạy thuyền đánh cá, mực quanh gần bờ. Tiếng động cơ âm âm lên mặt biển, những đọt sóng trắng xóa rẽ hàng dọc theo chân vịt của con thuyền. Đến quãng vịnh Lan Hạ, ông tấp vào chân một hòn đảo, tắt máy rồi gọi tôi cùng vần một bao dù chứa tảng bê tông cỡ 1 tạ xuống biển. Ông bảo để neo tàu không bị dạt. Xong việc, ngồi thảnh thơi ngắm nhìn một vùng biển thanh bình với những làng chài nhỏ sống như tách biệt với phần còn lại của thế giới. Ông Hải đưa tay chỉ ra xa, ông bảo, thấp thoáng dưới những hòn đảo kia là mấy làng bè nuôi các loại đặc sản của vùng như: Vẹm xanh, tu hài, cá giò, cua, ghẹ, bào ngư, cá mú… để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Minh họa: Phùng Minh.

Sáu giờ chiều, nắng vẫn chưa tắt. Ông cùng tôi ngồi thư thả châm thuốc, những vòng khói nhỏ lan man bay lên rồi tan giữa một màu biển biếc, núi xanh. Ông khề khà: Có nhiều truyền thuyết đẹp như mơ về cái tên Cát Bà. Theo lời kể của các bậc cao niên, ngày xưa, các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận (có tên là đảo Các Ông). Đảo Cát Bà xuất phát từ đọc chệch cái tên đảo Các Bà mà thành. Đảo Cát Bà khi xưa vốn là “hậu cung” của một vị quân vương nổi tiếng dũng mãnh nhưng cũng đầy nhân hậu. Khi đến đây khai hoang lấn biển, vì thương cảm, ông cưu mang nhiều người phụ nữ mà chồng của họ vĩnh viễn không trở về sau những chuyến đi biển. Sau, trước khi đi khai phá tiếp vùng Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), ông tập hợp các bà ra sống tại hòn đảo nằm trong vịnh Lan Hạ. Vì thế, sau này vùng đất Bãi Cháy, Hòn Gai có tên là đất Cửa Ông, còn hòn đảo kia thì có tên là đảo Các Bà.

Còn có một truyền thuyết khác gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc. Trong cuộc chiến chống giặc xâm lược Nguyên Mông, Hưng Ðạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn vùng biển Ðông Bắc làm nơi tập kết, luyện quân và tích trữ lương thảo. Những hang động trong vùng biển này đều được huy động vào việc cất giấu quân lương, che ém tàu thuyền. Còn vùng biển phía vịnh Lan Hạ này là nơi tích trữ lương thảo, chăm sóc y tế, là khu vực do các bà cai quản. Vì thế mà có tên là cửa Ðức Ông, đảo Các Bà, sau gọi chệch thành Cửa Ông, Cát Bà.

Nhìn đồng hồ đã bảy giờ tối, trăng non treo lên cao làm không gian xung quanh mờ mờ, ảo ảo. Ông bật dậy, đi về phía cuối thuyền bật bình ắc quy, ba bóng điện có công suất lớn bố trí xung quanh mạn tàu bật sáng. Ông lại nhờ tôi cho thêm một cái lồng được vây lưới xung quanh, có cửa hình vuông ở trên. Cái lồng cứ nổi là là trên mặt nước theo từng nhịp sóng. Ông bảo lồng nhốt mực để nó không bị chết. Mọi công việc đã chuẩn bị xong, ông lẳng lặng đưa tôi cái cần rồi chỉ vị trí mạn tàu để chúng tôi ngồi.

Đồ nghề câu mực khá đơn giản, chỉ gồm cần câu bằng tre, bộ lưỡi chùm, dây gân và miếng mồi làm con tôm cao su phản quang có màu sặc sỡ để dụ mực cắn câu. Loại câu chùm chuyên dùng này có 8 lưỡi. Hóa ra, mọi việc đều diễn ra ngay trên mặt nước, ta có thể trực tiếp chiêm ngưỡng thành quả của mình. Trong tôi trào lên một cảm giác hồi hộp khi ông Hải đập đập vào vai tôi: Có mực về đấy, giữ con mồi xuống thấp dưới mặt nước… Chùm lưỡi trên tay tôi khi rờ sát mặt nước, được ánh đèn chiếu vào, màu sắc của nó càng sặc sỡ. Bám theo nó là những con mực có màu hồng sáng, chúng chỉ cách mạn thuyền hơn một sải tay. Tôi nghe thấy giọng ông Hải: Khéo, phải rờ rờ chùm lưỡi kéo con mực “quây quần” bên con mồi. Mắt quan sát rõ con mực đã bám vào lưỡi câu, tôi định giật lên, nhưng rất nhanh ông Hải kìm tay tôi lại: Chờ chút! Nhẹ nhàng thôi không đánh động cả lũ mực đấy!

Khi giật lên, phải khéo léo gỡ con mực ra khỏi lưỡi câu rồi nhanh tay thả vào lồng sắt. Khi lưng, tay đã bắt đầu ê ẩm, tôi xem đã hơn mười giờ đêm. Thấp thoáng trong lồng sắt những thân mực đã khá nhiều, ông Hải nói: Chắc chú mệt, chú nghỉ đi để tôi câu lúc nữa rồi quay thuyền về! Tôi vừa dựa lưng lên mạn thuyền, vừa hỏi chuyện. Ông Hải bảo, lợi thế của nghề câu mực là đánh bắt được quanh năm và cả ngày lẫn đêm. Ban ngày, các ngư dân câu mực bầu, mực lá, còn ban đêm thì đánh mực ống, mực thước, mực nang. Có đêm ông với con trai còn câu được 30-40kg mực tươi, bán với giá 90.000-120.000 đồng/kg tùy kích thước. Từ tháng 4 đến 7 câu mực sẽ được nhiều hơn cả. Vào những tháng này, ông có thể kiếm được tới 1 triệu đồng mỗi đêm. Những tháng khác, mực ít hơn song tiền thu về cũng khoảng 400.000-500.000 đồng/đêm.

Cá, mực là đặc sản của biển. Mực có thể chế biến tươi sống hoặc phơi khô. Ai đi nghỉ biển hay đi qua vùng biển đều thưởng thức món mực tươi tại chỗ và mua về dùng dần hoặc làm quà. Mực có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là mực nang, mực ống. Vừa nhìn ông Hải câu, tôi vừa lần thông tin trên mạng rồi đọc cho ông nghe về giá trị của loài mực. Theo một báo cáo khác, sản lượng khai thác mực ống trên toàn vùng biển Việt Nam hằng năm khoảng 24.000 tấn, trong đó vùng biển miền Nam có sản lượng cao nhất là hơn 16.000 tấn (chiếm 70%), vịnh Bắc Bộ chiếm sản lượng lớn thứ nhì, khoảng 5.000 tấn (20%), còn biển miền Trung có sản lượng thấp nhất khoảng 2.500 tấn. Mực được xuất khẩu sang hơn 30 thị trường nước ngoài, với doanh thu hằng năm đạt hơn 50-60 triệu USD tính trên cả sản phẩm đông lạnh và sản phẩm khô...

Càng về đêm, biển càng yên tĩnh. Chỉ còn tiếng động cơ âm âm vào vách đá. Chúng tôi quay về. Đằng mũi thuyền còn những vệt loang sáng hồng chập chờn của loài mực chưa kịp thu hoạch, còn phía sau ấy là dáng hình cằn cụi của ông Hải, người ngư dân gắn với biển, như cha ông họ, ơn biển và quý trọng giá trị từ biển. Dưới trăng mờ, tôi thấy miệng ông sang sáng. Tôi nghĩ ấy là nụ cười. Nụ cười một vụ mùa bội thu…

Ghi chép của LÝ HỮU LƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cau-muc-dem-514286