Câu hỏi cuối buổi phỏng vấn giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng

Ít nhất một lần bạn bối rối với câu hỏi: 'Có muốn hỏi chúng tôi điều gì không?' vào cuối buổi phỏng vấn. Vì sợ rằng sẽ lộ ra sơ hở không đáng có sau những phút 'cân não', bạn buột miệng hỏi một câu siêu ngớ ngẩn nào đấy.

Câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng vào cuối cuộc phỏng vấn cũng quan trọng không kém. - Ảnh: Shutterstock

Vậy câu hỏi như thế nào mới không ngớ ngẩn, lại vừa gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, nhằm tăng cơ hội được lựa chọn?

Các nhà tuyển dụng có kinh nghiêm lâu năm cho rằng câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng là cơ hội cuối cùng để ứng viên làm cho chất lượng của cuộc phỏng vấn được nâng cao trước khi nhà tuyển dụng đưa ra quyết định.

Nhiều ứng viên đã hỏi rất nhiều câu hỏi trong suốt quá trình phỏng vấn, do đó khi đến cuối cùng, họ chẳng còn gì để hỏi nữa. Việc này vô tình khiến cho cuộc phỏng vấn có vẻ kết thúc đột ngột, dễ gây hụt hẫng. Trong trường hợp này, bạn chỉ ghi nhớ duy nhất một câu hỏi đơn giản nhưng đủ sức gây ấn tượng với bất kì nhà tuyển dụng nào:

“Đâu là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của anh/chị tại công ty?”

Chỉ với một câu hỏi, bạn có thể nắm bắt được nhiều điều về công ty và vị trí mình đang ứng tuyển - Ảnh: Shutterstock

Câu hỏi đơn giản này, thoạt đầu có vẻ giống như một sự tò mò khá ngây ngô, nhưng có thể mang đến cho bạn một cái nhìn bao quát hơn, về những giá trị mà người phỏng vấn đã đóng góp cho công ty, về công ty và độ phù hợp của bạn với vị trí bạn đang ứng tuyển.

Thử nghĩ mà xem, hầu như không có câu hỏi nào đủ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn là hỏi về ký ức đáng tự hào của họ tại công ty. Hơn nữa, những chia sẻ của họ cũng sẽ mở ra cho bạn về một tương lai mà bạn có thể có được nếu cống hiến cho công ty.

Ngoài ra, từ câu trả lời của người phỏng vấn, bạn cũng sẽ hình dung ra được những gì mà đồng nghiệp tương lai của bạn mong đợi ở mình và văn hóa công ty. Trong trường hợp người phỏng vấn không đưa ra được một câu trả lời “ý nghĩa” như bạn mong muốn thì cũng đừng lo, vì điều đó sẽ giúp bạn cân nhắc lại về việc có nên làm cho công ty này hay không một khi bạn được nhận.

Thế nên, lần tới, thay vì ậm ờ để rồi bối rối đưa ra một câu hỏi vô thưởng vô phạt nào đấy thì hãy nhớ câu hỏi này và “tung chưởng” ra kịp thời nhé.

Ryan Lưu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/cau-hoi-cuoi-buoi-phong-van-giup-ban-tao-an-tuong-voi-nha-tuyen-dung-756786.html