Câu hát cuối cùng

Nó lặng lẽ cúi xuống xỏ đôi tất chân. Không biết ai đã mách nó phải làm điều ấy để khi cải khỏi mất xương. Hội đồng thi hành án im lặng, tôn trọng cử chỉ yêu mình cuối cùng nó có thể làm.

Nó lặng lẽ cúi xuống xỏ đôi tất chân. Không biết ai đã mách nó phải làm điều ấy để khi cải khỏi mất xương. Hội đồng thi hành án im lặng, tôn trọng cử chỉ yêu mình cuối cùng nó có thể làm. Đêm qua, đêm trước hôm qua, rồi nhiều đêm về trước, nó và những người cùng dãy thao thức đợi tiếng rít nơi cổng sắt, tiếng xâu chìa khóa phòng biệt giam khua lách cách, rồi kết thúc bằng một tiếng gọi... Chờ mãi, chờ mãi cho tới hôm nay. Khi nghe những tiếng động đầu tiên, nó đã vùng dậy, hất tung tấm mền mỏng xuống khỏi bệ xi măng, dỏng tai nghe. Thời gian đông cứng lại trong nỗi sợ hãi, ai sẽ được chọn cho đêm nay? Tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi nghe rõ dần, hình như đang tiến về cuối dãy, nơi có phòng của nó… Nó thảng thốt, toan đứng lên nhưng đôi chân nhũn ra rồi, nó lại sụp xuống, mồ hôi tứa ra từ chân, từ tay, từ tóc, loáng cái đã đầm đìa, nhớp nhúa bên trong bộ áo quần kẻ sọc. “Bu ơi, thầy ơi, con đi chết đây”, nó gào những tiếng rất khan, lồng ngực thắt lại rồi bị xé rách bởi ý nghĩ về sự khủng khiếp đang chờ nó trong ít phút nữa. Ảnh: Lê Anh Bỗng nó sững lại, từ vô thức văng vẳng lời thầy Thành nói chiều qua: “Đời người hữu sinh hữu tử, sống là gửi, thác là về với nơi khởi đầu, không tội lỗi, chẳng thị phi, bạn cùng cát bụi, mây gió, cỏ cây...”. Từ ngày nó vào đây, hàng ngày thầy vẫn vào tận buồng thăm nó. Hôm tóc nó dài, thầy cầm kéo bảo nó ngồi thầy cắt cho. Nó cười buồn: “Con ở đây đợi chết thì làm đẹp cho ma ngắm hả thầy?”. Thầy phát vào vai nó khẽ gắt: “Cái thằng ăn nói linh tinh, lúc sống làm người đã không biết giữ cho đẹp, thì khi về với đất cố mà đàng hoàng”. Không biết tự bao giờ, thầy đã là chỗ dựa cứu rỗi cái linh hồn đang bấn loạn của nó, dẫu chẳng phải linh mục, tu sĩ, dẫu hàng ngày ông vẫn khoác trên người bộ quần áo mà tử tù như nó rất sợ. Trong thời khắc cuối, những lời ấy giúp nó thở được, nó từ từ mở mắt, chậm rãi nhìn bốn góc buồng tối mò, nơi mà nó hay ví là nhà chờ. Vậy là chỉ lát nữa thôi, nó sẽ ra khỏi nơi này. Vĩnh viễn. Nó thấy mình được giải thoát, nhưng không phải là cảm giác sổ lồng. Thấy đã khá hơn, nó đứng dậy gập tấm chăn lại cho phẳng phiu, đặt ngay ngắn dưới gối rồi ra sau cánh cửa đợi mở. Phía ngoài có mấy người đang đứng chờ. Bước ra đến hè, nó hỏi khẽ: “Đêm nay cháu đi à?”, câu trả lời cũng thật khẽ, gần như là một tiếng “ừ”, phát ra từ nơi cuống họng. Nó ngoái lại chào rất to: “ở lại khỏe mạnh nhá, tao đi!”. Dãy buồng dài hun hút đáp lại nó bằng tiếng xì xầm khe khẽ. Nó bước lầm lũi bên họ, con đường sỏi từ khu giam ra phòng làm thủ tục khá dài, cỏ gà bên đường vương chân nó ran rát. Câm lặng, bỗng có tiếng ai: “Thôi cháu ạ, cuộc đời có vay có trả, cố gắng lên!”. Nó biết, việc đưa nó đi đêm nay với họ cũng là “cực chẳng đã”. Dẫu rằng nó đã nợ cuộc đời mấy mạng sống, hẳn là phải trả lại bằng chính cuộc sống của mình. Nhưng là đồng loại, dẫn nhau đi chết, ai vui được đây? Cái ao gần cổng khu giam bì bõm tiếng ếch, thảng hoặc cá đuổi nhau quẫy đuôi tóe nước, mặt ao tạo lớp lớp hình tròn lan tỏa theo giọt mưa đêm hè. Nó bỗng nhớ đến ao làng. Ngày trước ao làng nó rất rộng và trong. Bóng đa già phủ râm một góc. Đám trẻ trâu hè nhau trèo lên cành vươn ra rồi nhảy ùm xuống. Tiếng cười giòn tan trong làn nước xanh bắn tung tóe ấy đã theo nó suốt tuổi học trò. Mắt nó nhòe đi, quê xa chợt vụt hiện về với mái nhà cọ liêu xiêu, bu nó lụi cụi dưới chân đụn rơm cao, thầy thì xoay trần sao chè trong bếp. Khói rơm rạ, hương chè sao vừa lửa, mùi mồ hôi, thuốc lào của thầy quyện thành mùi quê. Cái mùi ấy dẫu sắp chết ngửi lại nó vẫn nhận ra quê. Trời ơi! Quê. Nó thầm gào trong óc. Quê nghèo trong miền ký ức sâu thẳm bỗng chốc dội về. Mấy năm xiêu bạt, chưa khi nào quê hương ám ảnh nó như thế. Ngày đỗ đại học, nó đã chạy ra ao làng, để nguyên quần áo nhảy ùm xuống mà bơi. Rồi hôm nó xách cái hòm gỗ rời cổng làng về Hà Nội học, bu nó tất tả chạy theo xe, đưa với theo túm cọ ỏm để đi đường ăn cho vui miệng. Vị chan chát, bùi bùi của cọ vẫn lẩn quất đâu đây. *** Có khéo tưởng tượng lắm cũng chẳng thể hình dung rồi một ngày số phận nó dừng lại rồi kết thúc phía trong những chấn song. Con tạo xoay vần đã lôi nó từ giảng đường đại học vào đây. Ngày ấy, cũng chưa xa xôi gì, nó miệt mài đèn sách, trong đầu chỉ có một tiếng trong veo: “Học đi, thành nghề rồi còn về quê đỡ đần thầy bu!”. Nó theo ngành toán, nhiều đêm học muộn, những hằng số, ma trận, tích phân… theo nó vào giấc ngủ gục. Biết phận mình quê ra, tiền chẳng có nên trong lớp nó sống khép kín, chỉ dám len lén nhìn bọn cùng lớp đi xe đẹp, xài tiền bố mẹ như nước. Rồi nó mê mẩn trong câm lặng đứa ngồi bàn trên có đôi bím tóc thật ngộ. Ôi chao cái cảm giác yêu! Trái tim non bấn đã đập loạn nhịp mỗi khi người ấy quay xuống hỏi bài. Chẳng biết từ khi nào, nó gán sự thánh thiện của cuộc đời này cho tình yêu ấy, con người ấy. Nhưng rồi một ngày, người ấy mang khuôn mặt bầm tím, bơ phờ đến lớp, cái tin cô ta bị vợ một đại gia túm tóc đánh ghen giữa phố loang ra. Với một thằng trai nhà quê mới ra còn đầy rụt rè, chân chất thì đây là cơn địa chấn. Nó thấy bị phản bội. Sau những vật vã trong câm lặng, nó biến thành người khác. Rượu, thuốc lá, và các trò game online ban đầu cho nó sự nguôi ngoai, nhưng cũng làm nó quên dần đi những tháng ngày ôn thi cuối cấp đến bạc mặt, quên từng luống khoai, quả cà bu bán đi, chắt bóp từng cắc để gửi cho nó, việc học thôi chẳng nói làm gì. Những tháng sau, tiền nợ quán ngày càng nhiều, nó phát hoảng, lại còn tiền ăn, học phí, mà thầy bu nó thì nào có dư dả gì. Quẫn trí, nó đã làm cái điều nó không bao giờ dám nghĩ đến - đột nhập phòng thực hành máy tính của nhà trường, vì nó biết ở đó, mỗi ổ CPU bán đi được khối tiền, thoải mái trang trải. Đêm mưa ấy, nó dắt theo con dao nhọn, rón rén cạy cửa phòng máy. Đang loay hoay tháo ổ cứng, chợt có bàn tay ai chộp vai nó ấn xuống. Nó lạnh người, ông bảo vệ già đã phát hiện bám theo nó từ lúc nào. ý nghĩ như con rắn độc vụt lướt qua óc nó. Nếu bị bắt, cầm chắc bị đuổi học, thậm chí đi tù. Không! Nó gồng người giật tay ra khỏi ông già, vùng dậy chạy. Ông bảo vệ nhào theo túm áo nó giữ lại. Thuận đà xoay người nó đưa con dao nhọn xỉa thẳng vào ngực trái ông. Cú đâm ngập cán, dòng máu phụt xối xả vào mặt nó. Thấy ông bảo vệ đã bất động, nó nán lại tháo bằng xong ổ cứng chiếc máy tính rồi mở cửa phòng đi ra… *** “Giết người - cướp tài sản”, đợi nó là một bản án nghiêm khắc. Phiên tòa đông nghẹt. ở một góc xa, bu nó nấc lên từng chặp bên bờ vai hom hem của thầy, chòm râu bạc thẫn thờ. Nó cũng đã hình dung được kết cục phải nhận cho một giây quá khích, nhưng khi lời tuyên án vang lên, chân nó nhũn ra. Vịn chặt vành gỗ níu cho thân khỏi sụp xuống, nó cố ngoái về phía thầy bu. ánh mắt tuyệt vọng như van vỉ: “Bu ơi cứu con!”. Ngày xưa mỗi khi bị bắt nạt, nó thường mách bu, nép sau bu nó thấy an toàn. Nhưng giờ, nó đã thành người lớn, đã trượt ra ngoài vòng tay bảo vệ của thầy bu, phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Nó chợt thấy thầy nó luống cuống nhìn con trong đôi mắt kèm nhèm ậng nước, còn bu chết lặng trên tay bà dì… Vậy là niềm hy vọng của cả dòng họ đã tan như bong bóng ngày mưa. Phiên tòa kết thúc, nó cúi đầu lặng lẽ bước lên xe bịt bùng về trại tạm giam. *** “Cháu vào còn có ngày ra, chung thân ông ở ngôi nhà… buồng giam”, chẳng hiểu câu vè ấy từ đâu ra, nhưng cánh quản giáo trẻ đã thuộc nằm lòng. Trong nghề, hãi nhất là phải “ôm” mấy chú chuẩn bị “đi tầu suốt”. Với thường phạm, cải tạo tốt sớm được ra, nên bảo ban còn dễ. Đằng này, tử tù còn gì để mất. Sống trong môi trường cách ly, luôn căng thẳng chờ ngày mãn số, phần lớn bị sang chấn tâm lý. Đêm, họ thức đợi một tiếng gọi cửa, đợi chán thì gào khóc, la hét, cười sằng sặc. Ngày thì ngủ vùi lấy sức đợi đêm sau. Chỉ cần nghĩ đến lúc người ta vắt chiếc khăn trắng lên vai trái tạo điểm ngắm, là nhiều anh chịu không thấu, thôi thì “đi” trước còn hơn. Số khác thì tìm cách đào tường, bẻ song, may ra còn có cơ sống… thành thử quản giáo luôn căng như dây đàn. Chống trốn, tự sát là nhiệm vụ thật nặng nề của họ. Đã gần 10 năm Thành nhận trông coi dãy K tử hình. Những đêm dãy K náo động tiếng la hét, anh chạy đôn chạy đáo kiểm tra. Ban đầu, tiếng nạt nộ ngoài cửa khiến phạm im chốc lát, nhưng chỉ được vài phút, những tiếng gào rú bản năng lại rộ lên. Về sau anh chợt hiểu, tử tù thiếu môi trường giao tiếp, quanh quẩn cả ngày chỉ nghĩ đến cái chết, khủng hoảng tâm lý là đương nhiên. Phải làm gì cho những linh hồn tội tình ấy? Dù cho bàn tay họ đã vấy máu đồng loại lúc ở ngoài, nhưng trước bức tường biệt giam xám xịt, họ vẫn hiện hữu là những con người, với đủ nét khắc khổ, cô đơn đến tột cùng. Nhưng đến với họ cũng không dễ, họ sẽ chẳng tin anh đâu, nếu điều anh nói giống như nghị quyết, hay lời hỏi han sáo mòn. Họ cần điều khó làm hơn nhiều - một sự chia sẻ, cảm thông, vỗ về đi ra từ trái tim người quản giáo. Anh đã bắt đầu điều mình nghĩ từ chiếc kéo cắt tóc… Tình đồng loại lớn hơn hết thảy mọi giáo lý, tín điều. Ngày lại ngày, những tâm hồn bất ổn dần yên tĩnh trở lại, thanh thản chờ đón nghiệp báo. Bình an cuối cùng đã về trong tâm hồn tử tội. *** Không gian đặc quánh lại, khi nó được phép nói lời cuối. Nó đã dành thanh âm cuối cùng của một kiếp người cho lời hát quê. Tiếng hát xoan trong trẻo của nó vút lên trong đêm thanh, kể về miền quê xa, nơi có những cánh cò chớp trắng tuổi thơ của nó, nơi có những mùa cọ ỏm, có thầy bu lụi cụi trên đồng… Khi ấy có những giọt nước mắt nuốt vội vào trong, nhưng nó không để ý. Ngoài kia trời đã tang tảng sáng… Theo Đào Trung Hiếu

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/thugian/399417/index.html