Câu chuyện về suy thoái

Như thường lệ, sau buổi họp chi bộ, một số đảng viên am hiểu thời sự vẫn nán lại để đàm luận những đề tài 'nóng' mà dư luận quan tâm. Vấn đề hôm nay mọi người tranh luận sôi nổi là việc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII quyết định ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ.

Sinh hoạt tư tưởng

Ai cũng hào hứng khẳng định, Trung ương ban hành nghị quyết này rất đúng, rất cấp thiết, bởi tình trạng tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án,… có những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều cán bộ hư hỏng làm giảm lòng tin của nhân dân, thật đáng lo ngại. Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi các vấn nạn nêu trên thì nguy cơ khôn lường.

Giữa lúc bao nhiêu người đang phấn chấn hy vọng lần này sẽ làm đến nơi, đến chốn, chỉ rõ và xử lý nghiêm những đối tượng suy thoái, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì một đảng viên buông giọng hoài nghi:

- Nói vậy chứ khó đấy các ông ạ. Ai suy thoái ? Cán bộ có chức, có quyền mới có điều kiện tham nhũng, mới dẫn đến suy thoái, hư hỏng. Ai chống được cái suy thoái trong các ông ấy? Cán bộ, đảng viên như chúng ta ngồi đây có gì mà suy thoái!

Ý kiến đó được nhiều người đồng tình. Có người còn liệt kê hàng loạt vụ việc mà báo chí phản ánh, nào là làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vẫn được bổ nhiệm, đề bạt chức vụ cao hơn; nào là bổ nhiệm cán bộ tràn lan vẫn được giới thiệu bầu vào cấp ủy, được luân chuyển để có thể bố trí cương vị công tác cao hơn, v.v.

Thấy mọi người tán thưởng, một đảng viên lên tiếng:

- Tôi đồng ý với các ông một nửa thôi. Đành rằng cán bộ có chức, có quyền dễ bị cám dỗ, vụ lợi, chạy theo lợi ích cá nhân, thực dụng. Nhưng ngay chúng ta ngồi đây, đừng nhầm tưởng là không bị suy thoái.

- Có gì mà suy thoái. Ông chỉ ra xem trong chúng ta ai suy thoái, suy thoái như thế nào ? - Chính người có ý kiến hoài nghi vặn lại.

- Tôi hỏi ông nhé, lười học nghị quyết của Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật kém, thiếu gương mẫu, gây mất đoàn kết nội bộ, bè phái, sa vào rượu chè, cờ bạc, v.v. có phải là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không ? Chính chi bộ ta vừa phải kỷ luật một đảng viên vì tham gia đánh bạc, một đảng viên do say rượu gây rối trong khu dân cư đó thôi.

- Nói như ông thì ở đâu chả có suy thoái.

- Cơ bản là như vậy đấy và chính ông cũng có biểu hiện suy thoái vì thiếu niềm tin vào các nghị quyết của Đảng.

Chưa thật hài lòng với cách lập luận ấy, nhưng một số đảng viên còn tư tưởng hoài nghi bỗng thấy đuối lý. Thế mới thấy, nhận thức cho đúng sự suy thoái không đơn giản, dù nó có thể diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong mỗi con người cụ thể. Thiết nghĩ, muốn chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trước hết phải nhận rõ sự suy thoái trong chính mình. Trước hết, cán bộ có chức, có quyền, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị càng phải gương mẫu mới chống được suy thoái.

NGUYỄN VĂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31154802-cau-chuyen-ve-suy-thoai.html