Câu chuyện thể thao: Chuyện lạ mà không lạ…

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 10 năm, ĐT U23 Việt Nam đã được VFF đăng ký tham dự vòng loại Asian Cup 2004, và dù không thể giành vé vào vòng chung kết vì chỉ xếp hạng 3 chung cuộc ở bảng E, sau Oman và Hàn Quốc, nhưng vòng loại Asian Cup 2004 vẫn ghi lại một dấu ấn tuyệt vời của bóng đá Việt Nam, khi ĐT Việt Nam, thực chất là U23 Việt Nam, đã giành chiến thắng 1-0 trước ĐT Hàn Quốc trong trận đấu lượt về diễn ra vào ngày 19/10/2003 trên sân Sultan Qaboos Sports Complex ở Muscat (Oman).

Nếu không có bất ngờ đột biến xảy ra thì ĐT Việt Nam khó lòng có vé tới Asian Cup 2015 với thành phần nhân sự như vừa công bố. Ảnh: Kim Ngọc

2 tháng sau khi kết thúc vòng loại Asian Cup 2004, ĐT U23 Việt Nam trở về Hà Nội thi đấu tại SEA Games 22 năm 2003, và tuy không giành được chức vô địch do để thua 1-2 trước ĐT U23 Thái Lan ở trận chung kết, nhưng ĐT U23 Việt Nam cũng đã chơi rất tốt. Màn trình diễn ấn tượng của ĐT U23 Việt Nam ở SEA Games 2003 được xem là có phần đóng góp rất lớn của vòng loại Asian Cup 2004, vì nhờ được cọ xát với những đối thủ đẳng cấp ở sân chơi này mà ĐT U23 Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn.

Sau một thập kỷ, lại một ĐT U23 khác được VFF đăng ký tham dự vòng loại Asian Cup 2015 trên danh nghĩa là ĐT Việt Nam, và phải chăng điều đó có nghĩa là sẽ có một kỳ SEA Games ấn tượng nữa đang chờ đợi ĐT U23 Việt Nam vào cuối năm nay? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi 2 lý do. Thứ nhất, bóng đá không có chỗ cho những phép tính suy diễn hay bắc cầu. Thứ hai, bối cảnh của bóng đá Việt Nam hiện tại khác hẳn với thời điểm năm 2003.

Sau 2 thất bại liên tiếp ở Tiger Cup 2000 (với ĐT Việt Nam) và SEA Games 2001 (với ĐT U23 Việt Nam), bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG phải làm lại từ đầu với một thế hệ cầu thủ hoàn toàn mới. Lứa cầu thủ này đã được VFF đưa sang Hàn Quốc tham dự Asian Games năm 2002 ở Busan, và một năm sau họ lại được thi đấu ở vòng loại Asian Cup 2004 nên kinh nghiệm thi đấu và bản lĩnh trận mạc của ĐT U23 Việt Nam đã được trui rèn ở mức độ có thể nói là hoàn hảo.

Với những cái tên như Thế Anh, Huy Hoàng, Như Thành, Minh Phương, Hữu Thắng, Tài Em, Văn Quyến, ĐT U23 Việt Nam lúc ấy chẳng khác nào ĐT Việt Nam, và thực tế đây cũng là thế hệ U23 tốt nhất mà bóng đá Việt Nam từng có kể từ khi môn bóng đá nam ở SEA Games bị giới hạn độ tuổi tham dự xuống còn U23. Nói một cách khác, ĐT U23 Việt Nam ở thời điểm năm 2003 chỉ khác ĐT Việt Nam về tên gọi và độ tuổi, còn về năng lực chuyên môn thì gần như không có gì khác biệt.

Còn ĐT U23 Việt Nam được nâng cấp thành ĐT Việt Nam ở thời điểm hiện tại lại hoàn toàn khác, bởi dàn cầu thủ này vừa trẻ tuổi lại vừa non kinh nghiệm, và chắc chắn họ vẫn còn kém các tuyển thủ ở ĐT Việt Nam vừa tham dự AFF Cup 2012 một khoảng cách không nhỏ về chuyên môn.

Với 7 tuyển thủ đến từ giải hạng Nhất (6 người) và giải hạng Nhì (1 người), và lại mới chỉ được thử lửa ở những sân chơi khiêm tốn như vòng loại U22 châu Á và… Cúp Truyền hình Bình Dương 2012, thật khó tin rằng lứa U23 mang danh ĐTQG này sẽ tái lập được thành tích như các đàn anh đã làm được ở vòng loại Asian Cup 2004, dù tại bảng đấu của ĐT Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2015 sắp tới, năng lực chuyên môn của những Uzbekistan hay UAE đều kém xa so với Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup 2004.

Kể từ ngày bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường quốc tế, ĐT Việt Nam bắt đầu tham dự vòng loại Asian Cup từ năm kỳ giải năm 1996, nhưng ngoại trừ lần dự Asian Cup 2007 với tư cách đồng chủ nhà, chưa bao giờ ĐT Việt Nam giành vé tới ngày hội lớn nhất của bóng đá châu lục thông qua vòng loại. Trong khi đó, 2 đội bóng khác ở Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia đã có 3 lần đoạt vé tham dự VCK Asian Cup trong vòng 20 năm qua (1996, 2000 và 2004), bên cạnh lần tham dự Asian Cup 2007 với tư cách đồng chủ nhà như Việt Nam.

Tuy thế, thành tích khiêm tốn của bóng đá Việt Nam ở vòng loại Asian Cup thực ra cũng chẳng làm cho ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi luôn coi đấu trường châu lục làm nơi “tập trận” cho sân chơi khu vực như chúng ta thì thành công mới là chuyện lạ, còn thất bại chỉ là điều phải đến đã đến mà thôi. Cứ nhìn vào cung cách lấy vòng loại Asian Cup 2015 để rèn quân cho SEA Games 27 năm 2013 mà người ta đang sắp sửa tiến hành thì cũng dự đoán được rằng sẽ lại một kỳ giải nữa bóng đá Việt Nam vắng mặt ở VCK Asian Cup.

Mai An
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-trong-nuoc/cau-chuyen-the-thao-chuyen-la-ma-khong-la-n20130121023258691.htm