Câu chuyện "thầy đồ rởm" cho chữ "chí" thành chữ "chó" và những lời đe dọa chết chóc

Xahoi - Việc ông Lý bị dọa giết được cho là có nguyên nhân từ chuyện xì xằng, bát nháo trong việc cho chữ ở khu đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ông Lê Thiên Lý cho chữ ở đền Trạng Trình

Người yêu thư pháp Việt Nam có lẽ không ai là không biết đến nhà thư pháp tài hoa Lê Thiên Lý, 70 tuổi hiện là Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán- Nôm học; kiêm Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hải Phòng. Ông nổi tiếng bởi là người đã tạo ra một thay đổi lớn trong nền thư pháp Việt Nam khi sáng tạo ra 2 lối viết thư pháp mới là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, nhà thư pháp này đang ăn không ngon, ngủ không yên vì bị côn đồ dọa chặt chân, chặt tay và cả gây tai nạn để giết chết.

Nói với báo chí làm lộ bí mật?

Liên tiếp nhiều ngày gần đây, ông Lê Thiên Lý, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng, đã gửi đơn đến lãnh đạo TP Hải Phòng, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và các đơn vị công an, cơ quan báo chí kêu cứu về việc thường xuyên bị đe dọa “giết chết, chặt chân, gây tai nạn”. Trong nội dung đơn kêu cứu của ông Lý gửi các cơ quan chức năng và báo chí, trong các ngày 15, 16/5, ông liên tiếp nhận được hàng chục cuộc gọi đến từ số điện thoại 01257860178, đối tượng đã lăng mạ, đe dọa nếu ông Lý còn ngồi viết chữ ở đền Trạng Trình (thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo - TP Hải Phòng) thì sẽ chặt chân, gây tai nạn giao thông… Tất cả nội dung các cuộc điện thoại đều được ông Lý ghi âm lại và gửi kèm đơn kêu cứu.

Ông Lý khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm để cá nhân ông và gia đình yên ổn sinh sống. Cũng vì những tin nhắn với nội dung đe dọa ngày càng nhiều, tính chất nghiêm trọng nên ông Lý luôn luôn thấp thỏm, lo lắng sợ mình bị giết hại.

Mới đây, trong đoạn băng ghi âm mà một người đàn ông đã gọi đến cho ông Lý và ông đã cung cấp cho phóng viên có nội dung: “Tại sao mày lại trả lời báo chí, làm lộ hết bí mật của đền. Mấy đứa nó ngồi viết thư pháp ở đấy toàn là đàn em của tao. Ông Đốc đã nói rõ hết với tao rồi, mày muốn gì?”.

Không những thế người này còn tự nhận mình tên là Thiện và đe dọa: “Anh cứ về cái xã Lý Học này tôi sẽ chửi bố anh, sẽ giết anh, còn anh ở Hải Phòng sẽ có người đến giết anh”.

Nhận định về việc này, ông Lý cho rằng, nguyên nhân có thể liên quan đến một bài báo vừa đăng tải, phản ánh về tình trạng lộn xộn xảy ra tại khu vực đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước đó, do có thông tin một số người cho chữ nho tại khu vực đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho chữ sai, phóng viên của một số cơ quan báo chí đã tới tìm hiểu, tham vấn ý kiến của nhà thư pháp Lê Thiên Lý.

Nhiều năm nay, ông Lý cũng là một người cho chữ tại khu đền Trạng Trình nên ông biết rất rõ sự việc nói trên. Nhưng khi ông cùng một số người cung cấp thông tin cho báo chí thì lại bị một số người tỏ ra không đồng tình và thường xuyên gây khó dễ. Thậm chí, gian bày thư pháp của ông Lý liên tục bị lấy cắp và đập phá.

Và chuyện chữ “Chí” thành chữ “Chó”

Việc ông Lý bị dọa giết được cho là có nguyên nhân từ chuyện xì xằng, bát nháo trong việc cho chữ ở khu đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất có thể là một lý do xác đáng. Chuyện nhiều kẻ mù mờ về chữ Hán- Nôm lại bày nghiên bút bán chữ ở đền Trạng Trình được báo chí phản ảnh nhiều lần. Cũng chính tại nơi này đã từng xảy ra nhiều vụ việc bi hài giữa thầy đồ và người xin chữ.

Xin chữ “phát” được chữ “phạt”

Chính ông Lê Thiên Lý cũng suýt bị đánh oan khi một người phát hiện ra chữ mình xin một đằng, thầy đồ khoắng bút một nẻo. Ông Lý kể rằng, trước đây có một ông tên là Tản, ở thành phố Nam Định được Ban quản lý đền Trạng Trình cho giăng khẩu hiệu bán chữ. Khi đó, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tên Tiến đã lặn lội cả trăm cây số về đền Trạng Trình mua chữ “Phát”, rồi làm lễ xin Cụ Trạng phù hộ, đem về treo ở từ đường nhà mình. Không lâu sau đó, một người am tường chữ Nho ghé chơi, ông Tiến mới té ngửa vì chữ mình xin lâu nay không phải chữ “Phát” mà là chữ... “Phạt”. Bức xúc, ông Tiến đã làm đơn kiện gửi đến Ban quản lý khu đền Trạng Trình nhưng vụ việc chưa được giải quyết thì thầy đồ đã lặn mất tăm.

Ở đền Trạng Trình nhiều kẻ “học mót” được vài ba chữ quen thuộc ra giăng khẩu hiệu đỏ chót, quần dài, áo ngắn khua khoắng bút lông như thật. Trong khi đó, người mua không biết đâu là thầy thật, đâu là thầy giả cứ thấy chữ ngoằn ngoằn, ngèo ngèo thì chữ ai viết cũng như ai. Thậm chí, họ còn cho rằng chính nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý không biết viết chữ. Thế nên mới có chuyện oái oăm là chữ cho sai be bét, ngược nghĩa hoàn toàn. Khách xin chữ đại kỵ mang về treo trong nhà mà cũng chẳng hay!

Đền Trạng nổi tiếng với sự linh thiêng trong ứng thí, học hành, công danh, chức vị... nên ai đến cũng muốn có cho bằng được một chữ mang về. Ông Lý cho biết, những năm về trước đền Trạng Trình rất đông người đến xin chữ. Tại đây, cũng chưa từng xảy ra những chuyện oái oăm, bát nháo, mất uy tín như bây giờ. Năm 2010, khuôn viên đền Trạng có thêm vài người từ tỉnh ngoài đến viết chữ, nhưng bị khách bắt lỗi viết sai chữ, sai nghĩa; chữ lại viết xấu nên khách cứ thưa thớt dần. Thế mà, sang tới năm nay, hàng chục người tứ xứ vẫn đổ về lập gian hàng cho chữ. Nhưng chất lượng không cải thiện mà chữ viết thì ngày càng tệ hại. Thêm vào đó là nạn trộm cắp, lừa đảo gia tăng.

Có nhiều thầy đồ mặt búng ra sữa, dáng vẻ tỏ ra đạo mạo, mở nhạc sàn ngồi viết chữ. Thay vì mực đen giấy đỏ mà các nhà thư pháp vẫn dùng, họ dùng giấy đủ màu xanh, đỏ, tím vàng. Điều khiến nhiều vị khách ngạc nhiên là có nhiều “thầy đồ” không thể viết được những chữ do khách đề nghị, dù là những chữ không hề khó viết. Nhiều người sinh nghi, phải chăng một số “thầy đồ” ở đây chỉ viết được những chữ mà họ đã luyện viết thuộc lòng?

Giá thấp nhất cho một bộ thư pháp là 40.000 đồng, còn lại tùy theo kích cỡ mà có giá lên tới vài trăm nghìn đồng. Để kiếm được nhiều khách các “thầy” ngoài việc viết chữ thì còn tranh thủ hạ bệ, xỉa xói và nói xấu nhau. Dịp đầu năm vừa qua, hai “thầy đồ” còn rất trẻ nghe nói một ở Hà Nội, một ở Hải Dương vì tranh giành khách mà đấm nhau sưng cả mặt. Người xin chữ thấy hãi chạy mất dép. Đó là chưa kể vào hỏi chữ mà không mua khách còn bị mắng té tát.

Một câu chuyện mà người dân ở quận Lê Chân kể khiến nhiều người cười ra nước mắt: “Tôi mua chữ “Chí” là chữ quốc ngữ làm lễ trân trọng xin cụ Trạng chứng giám rồi đưa về nhà cho chồng treo. Chồng tôi không kìm được tức giận khi phát hiện ra họ viết “bay” quá, đưa quá tay nên chữ “Chí” nhìn ra như chữ “Chó”. Vì chuyện này mà nhiều lần ông Lý đã đứng ra cung cấp thông tin cho báo chí.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Đốc, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trạng lại không hề bất ngờ về những câu chuyện bát nháo xảy ra như cơm bữa ở nơi ông quản lý. Về việc một số “thầy đồ” viết chữ sai nghĩa khiến khách bức xúc, hay tình trạng bát nháo, lộn xộn ở nơi tôn nghiêm như đền Trạng Trình thì ông Đốc bảo: “Chuyện như thế thì ở đâu chả có”.

Liên quan đến những lời đe dọa chặt chân tay, dọa giết ông Lê Thiên Lý có thể do chính những người đang hoạt động cho chữ ở đền Trạng, ông Đốc không đưa ra bình luận gì. Ông Đốc nói đó là việc của cơ quan công an và của cá nhân ông Lý.

Chưa thể đưa ra khẳng định nào về việc ông Lê Thiên Lý bị dọa giết có liên quan đến những lùm xùm, bát nháo ở đền Trạng hay không. Nhưng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc trên và đồng thời chấn chỉnh lại nét đẹp cho chữ ở đền Trạng trở lại với vẻ tôn nghiêm vốn có của di tích này.

Nguồn Xã Hội: http://xahoi.com.vn/an-ninh-hinh-su/tin-113/cau-chuyen-thay-do-rom-cho-chu-chi-thanh-chu-cho-va-nhung-loi-de-doa-chet-choc-135865.html