Câu chuyện ngư dân Liên Xô liều mình cứu sống điệp viên Mỹ trong Chiến tranh lạnh

Dù Liên Xô và Mỹ căng thẳng với nhau thời Chiến tranh Lạnh, ngư dân Liên Xô liều mình giải cứu mạng sống điệp viên Mỹ khỏi cái chết khủng khiếp dưới Biển Bering lạnh ngắt, theo báo Russia beyond the headlines (RBTH)

Phi công sống sót Ed Caylor-Ảnh: Russia beyond the headlines

Ngày 26.10.1978, chiếc máy bay do thám Alfa Foxtrot 586 của hải quân Mỹ thực hiện một phi vụ do thám nguy hiểm và bí mật ở ngoài khơi Kamchatka, lúc Chiến tranh Lạnh tăng cao.

Rồi chiếc máy bay 4 động cơ đâm sầm xuống biển, chìm lập tức dưới những cơn sóng dữ trong một cơn bão ở Biển Bering. Chiếc AF 586 chìm sau 90 giây, cơ trưởng mất tích, 14/15 thành viên phi hành đoàn bám vào hai phao cấp cứu.

Cách cứu mạng an toàn và đơn giản

Lúc đó, mỗi tàu đánh cá lưới rà Mys Synyavin của Liên Xô đủ gần để cứu nhóm tình báo Mỹ. Tàu liền lao tới gần 2 phao, cứu được 10 người còn sống, thu hồi xác 3 người chết của chiếc AF 586.

Nhóm người Mỹ sống sót được chăm sóc sức khỏe tử tế, nhưng họ sợ bị đối xử như là tình báo thù địch. Tuy nhiên, họ được các ngư dân Liên Xô đối xử tốt và một tuần sau họ được trả về Mỹ.

Từ đó, giới truyền thông nước ngoài dành hết sự ngưỡng mộ cho nhóm ngư dân Liên Xô giàu tình người. Thậm chí cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gởi điện tín cá nhân để cảm ơn thuyền trưởng Liên Xô Alexander Arbuzov.

40 năm sau sự kiện, Ed Caylor là phi công phụ của chiếc máy bay do thám AF 586 gặp nạn, nói với báo RBTH: “Thật tốt khi chúng tôi được thủy thủ Liên Xô cứu thay vì người của chúng tôi. Nếu không chúng tôi đã chết”.

Ông giải thích lúc đó ở Mỹ, nếu ai đó bị lạnh khi vừa được cứu khỏi biển, thì sẽ bị đưa ngay vào bồn tắm nước nóng lập tức, khiến người đó chết ngay vì dòng máu lạnh dồn hết vào tim và gây ra đau tim.

Nhưng thủy thủ Liên Xô giỏi hơn, nên khi nhóm điệp viên Mỹ được đưa lên tàu đánh cá Liên Xô, họ được cho uống mật ong pha trà với nước nóng, và chính sự ấm, ngọt này giúp cơ thể nhóm người Mỹ ấm lại từ bên trong chứ không phải từ ngoài vào.

Sau gần 30 phút, các ngư dân Liên Xô ra hiệu bảo nhóm người Mỹ cởi quần áo và dẫn họ đi tắm nước nóng, khi cơ thể họ đã đủ ấm.

Caylor kể ông cùng đồng đội cảm thấy khỏe lại sau khi được uống trà nóng pha mật ong: “Ngày nay, tôi vẫn uống trà mật ong khi trời lạnh, và tôi luôn nhớ đã được cứu mạng bằng một cách an toàn và đơn giản. Từ không thể nhớ gì, tôi đã có thể gởi tin báo đến một máy bay Mỹ đang bay phía trên”.

Chiếc tàu đánh cá cứu mạng nhóm điệp viên Mỹ

‘Chúa từ thiên đàng xuống cứu’

Caylor cũng kể lại: Sau khi chiếc AF 586 rơi, 13 thành viên tổ bay phải bám vào hai phao cao su để chống chọi những cơn sóng cao 10 mét. Niềm hy vọng duy nhất của họ là một máy bay quân sự Mỹ bay qua khi tìm kiếm họ sẽ phát hiện và báo nhân viên cứu hộ đến cứu họ.

Ông cho biết: “Chúng tôi bị ngập đến eo, chịu lạnh khoảng 4 độ C. Tôi gần như chết rồi sau 12 giờ ngâm nước lạnh và 3 đồng đội đã chết. Nhưng bất chợt chúng tôi trông thấy một tàu đánh cá bật hết đèn. Ai đó trong phao của chúng tôi la lên “Tàu kìa!”, và tôi nghe tiếng còi tàu rúc. Thế là chúng tôi được cứu”.

Khi được hỏi lúc nào thì nhận ra người cứu mạng là ngư dân Liên Xô, Caylor cho biết: có một ánh đèn và nhóm điệp viên Mỹ nghe tiếng Nga cất lên. Trước khi máy bay bị rơi, họ cũng phát hiện một chiếc tàu trên radar của chiếc AF 586, nên đã ráng bám theo dấu vết chiếc tàu.

Caylor nói mãi đến 3 năm trước, ông mới biết Mỹ có nhờ Hàn Quốc cứu nhóm điệp viên Mỹ, nhưng phía Hàn Quốc nói đó là một công việc quá sức nguy hiểm. Nhưng người Nga đã liên lạc radio với thuyền trưởng Arbuzov, người tuyên bố “Dĩ nhiên tôi sẽ cứu họ!”.

Nhóm điệp viên Mỹ trên tàu

"Cảm ơn nhé, Alexander!"

Rất ngưỡng mộ cách hành động chuyên nghiệp của vị thuyền trưởng Liên Xô và các thủy thủ của ông, nhưng Arbuzov cho biết họ rất khó tiếp cận 2 phao cao su khi trời đang bão tố, sóng cao 10 mét chỉ muốn lật úp tàu ông: “Sau này, thủy thủ của tôi nói chỉ có Chúa từ thiên đàng xuống mới cứu được nhóm người Mỹ”.

Caylor khẳng định các ngư dân Liên Xô hành động rất nhân văn, nhưng nhóm người Mỹ không biết tiếng Nga nên không thể tiếp xúc tốt. Tàu đánh cá Liên Xô chỉ có mỗi người trực radio biết tiếng Anh, và tàu có những nơi cấm người lạ như cầu tàu hoặc phòng máy, nhóm điệp viên Mỹ chỉ có thể đi dạo ở khu vực được phép.

Phải mất 48 giờ, tàu đánh cá Mys Synyavin mới về đến cảng Petropavlovsk-Kamchatsky. Nhóm người Mỹ được đưa vào bệnh viện chăm sóc, rồi được đưa đến vùng Khabarovsk rồi họ sớm được trở về Mỹ.

Phải mất 25 năm sau, nhóm điệp viên Mỹ mới gặp lại các ân nhân. Nhóm người Mỹ đã gởi nhiều thư và quà cảm ơn đến các ngư dân tàu Mys Synyavin trong suốt nhiều năm nhưng không thành công.

Mãi đến năm 2003, nhóm người Mỹ mới biết tên thuyền trưởng Arbuzov. Hai bên liền tổ chức gặp nhau ở thành phố sòng bạc Las Vegas.

Nhóm điệp viên Mỹ gặp lại các ân nhân

Caylor kể khi gặp lại ân nhân, ông hỏi thuyền trưởng Arbuzov: “Alexander này, sao giữa lúc căng thẳng giữa lãnh tụ Liên Xô Brezhnev và Tổng thống Mỹ Carter, ông lại tìm và cứu bọn điệp viên Mỹ chúng tôi?”.

Thuyền trưởng Liên Xô đáp: “Vì chúng ta đều là người của biển nên tôi phải đến cứu ông. Ông không hỏi được câu nào khác hay hơn à?”.

Caylor kể Arbuzov cho biết 28 tuổi đã là thuyền trưởng, và Arbuzov cũng được thăng chức nhờ thành tích cứu người.

Gần đây, Arbuzov đã qua đời. Khi được hỏi có gởi lời chia buồn đến gia đình ân nhân hay không, Caylor đáp: “Tôi muốn nói ngày nay tôi sống sót là chính nhờ ông ấy. Tôi sẽ luôn nhớ ông ấy, kể mọi người nghe về ông ấy. Chúng tôi đã rất may mắn khi có Alexander làm thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá đó. Cảm ơn nhé, Alexander”.

Bích Ngọc (theo Russia beyond the Headlines)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/cau-chuyen-ngu-dan-lien-xo-lieu-minh-cuu-song-diep-vien-my-trong-chien-tranh-lanh-67337.html