Câu chuyện không hồi kết về chạy trường trái tuyến

Đầu tháng 6-2016, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các Sở GD&ĐT về việc khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp. Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường tổ chức tuyển sinh đảm bảo quyền được học tập của học sinh, công khai, minh bạch và thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục của địa phương.

Theo công văn, Bộ và các địa phương đã ban hành nhiều quy định, triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp. Tuy nhiên, hiện tượng chạy trường, chạy lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành. Để khắc phục tình trạng này, cần tuyên truyền, giải thích cho đội ngũ cán bộ quản lí các trường, cha mẹ học sinh để hạn chế chạy trường, chạy lớp. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường, các lớp.

Các bé lớp 1 hân hoan trong ngày khai giảng. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nhằm chạy trường, chạy lớp. Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh, TP, chỉ đạo việc phân tuyến, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp với chỉ tiêu trường lớp, cơ sở vật chất và mật độ dân cư của địa phương mình quản lý. Đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng các trường; mở thêm trường, thêm lớp để giảm áp lực tuyển sinh ở những địa bàn đông dân cư.

Cũng trong năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tuyển sinh trực tuyến (bên cạnh hình thức tuyển sinh thông thường như mọi năm) các khối đầu cấp nhằm giúp các phụ huynh thuận tiện hơn trong việc nộp hồ sơ đồng thời cũng giảm thiểu những tồn tại, tiêu cực. Sau ngày cuối của đợt tuyển sinh, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo Phòng GD&ĐT, căn cứ tình hình cụ thể của từng trường, Phòng GD&ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, câu chuyện chạy trường, chạy lớp trái tuyến ở Hà Nội trong nhiều năm vừa qua không những không giảm mà còn phát triển một cách âm thầm nhưng sôi động, hay nói cách khác là rút vào hoạt động “ngầm”. Chỉ có trường nào nhỡ tuyển số học sinh trái tuyến hơi quá đà mới dẫn đến sự việc không đủ phòng học như trường tiểu học Tây Sơn vừa qua.

Theo khảo sát của chúng tôi, các trường công lập được gọi là đỉnh, chất lượng, đẳng cấp của Hà Nội đều là điểm ngắm của nhiều bậc phụ huynh có con đến tuổi học đầu cấp. Lí do cho con học trái tuyến thì muôn hình vạn trạng, nào là trường đúng tuyến không chất lượng, không đẳng cấp (theo đánh giá chủ quan của các phụ huynh), vì hộ khẩu một nơi, nhà một nẻo, nào là để tiện đường đưa đón con. Mà thời buổi bây giờ, việc cho con học trường nào cũng là sự thể hiện đẳng cấp của bố mẹ.

Muốn chạy trường trái tuyến cho con, ngay từ thời điểm Tết Nguyên đán, các vị phụ huynh đã lên kế hoạch lục tung các mối quan hệ để tìm “cửa” chạy. Theo đó, việc chạy được vào trường có thương hiệu hay không tùy thuộc vào mối quan hệ của phụ huynh. Cách thứ hai mất nhiều công đoạn hơn là việc phụ huynh sẽ tìm cách cho con chuyển hộ khẩu về đúng phường có trường điểm tuyển đúng tuyến. Nhưng cách này mất nhiều thời gian và công sức mà lại khó chắc chắn. Nếu tìm đúng “cửa” xin học trái tuyến, thì phụ huynh cứ kê cao gối ngủ chờ đến đúng ngày tuyển sinh của trường đưa con đến nhập học. Hiện tượng bị lừa tiền khi chạy trường cũng đã giảm thiểu, bởi phụ huynh bây giờ cũng đã tỉnh táo hơn khi tìm đúng nơi, đúng chỗ “tin cậy, bảo đảm” để chạy trường.

Nhu cầu học trái tuyến là có thật và không phải là con số nhỏ. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT về việc khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp, các trường tổ chức tuyển sinh đảm bảo quyền được học tập của học sinh, công khai, minh bạch và thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục của địa phương thì buộc các cơ quan quản lý giáo dục và ban giám hiệu các trường phải tự siết lại chính mình. Nhìn vào danh sách chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp và số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường của một số quận trung tâm so với sĩ số từng lớp và số lượng các lớp đầu cấp đã thấy một con số chênh lệch khá lớn. Điều đó chứng minh, số lượng học sinh được tuyển sinh trên thực tế luôn cao hơn chỉ tiêu. Trong đó, bao nhiêu trái tuyến, bao nhiêu đúng tuyến chắc chỉ ban giám hiệu từng trường và phòng GD&ĐT từng quận nắm rõ nhất. Và đương nhiên, hậu quả việc tuyển sinh trái tuyến “quá tay”, các học sinh sẽ gánh nhiều nhất. Lớp học đông, gây quá tải lên cơ sở vật chất của trường, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học. Hay dẫn đến việc học sinh trường tiểu học Tây Sơn suýt phải đi học nhờ trường khác vì không đủ phòng học.

Công văn chỉ đạo, thanh kiểm tra hàng năm vẫn diễn ra, cầu có thì cung vẫn đáp ứng. Nhưng, bởi các cơ quan cấp trên, lãnh đạo cấp trên trong và cả ngoài ngành giáo dục, hàng năm đều đã có vài suất trái tuyến tại các trường. “Vừa đá bóng vừa thổi còi” thì việc siết chặt là điều bất khả thi. Có chăng, chỉ là ban giám hiệu nào thương học sinh, lo về sự quá tải thì sẽ nhận học sinh trái tuyến ít hơn mà thôi.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/cau-chuyen-khong-hoi-ket-ve-chay-truong-trai-tuyen-118520