Câu chuyện hợp tác

Lướt qua một trang báo thấy có bài viết “Một người Việt Nam làm việc bằng ba người Nhật nhưng ba người Việt Nam mới làm việc bằng một người Nhật”. Lại còn có so sánh như thế này: “Một người Nhật và một người Việt Nam thì người Việt Nam thắng, hai người Nhật và hai người Việt Nam tỷ số hòa nhau, ba người Nhật và ba người Việt Nam thì người Nhật thắng”. Đọc đến đây, nhiều cảm xúc chạy thoáng trong đầu, đúng hay không đúng? Có nói quá không, có quá tự ti không? Điều đó muốn nói lên điều gì?

Nhiều ý kiến cho rằng phương pháp làm việc theo nhóm của người Việt kém hiệu quả vì thiếu tinh thần hợp tác. Ảnh: Internet

Một lão nông tri điền ở vùng cù lao Đồng Tháp trầm ngâm: “Người Việt mình thông minh lắm, nông dân mình cần cù sáng tạo lắm, nhưng sao nông dân mình không giàu có bằng nông dân xứ người ta?”. Một doanh nhân nhiều năm sống và thành đạt ở nước ngoài cũng nhận định: “Người Việt mình rất thông minh, nhiều kỳ thi quốc tế học sinh mình thường đạt giải cao, nhưng khi hợp tác lại để làm ăn, để cạnh tranh với thiên hạ thì lại không bằng. Vì sao vậy?”.

Nhiều chuyên gia quản trị thì phân tích, đó là do phương pháp làm việc theo nhóm của người mình kém. Người khác lại nói do người mình thiếu tinh thần hợp tác với nhau. Người khác lại chua chát: người mình có thế mạnh, đó là “mạnh ai nấy làm”! Nghe mà đau, nhưng hình như cũng có phần đúng đâu đó. Vậy người mình không muốn hợp tác hay không biết cách hợp tác với nhau?

Nhìn vào cộng đồng doanh nghiệp, tuy cùng trong một hội nghề nghiệp, trong cùng một địa phương, đây đó cũng đang thiếu tinh thần hợp tác với nhau. Có một doanh nghiệp nhận được đơn hàng với một sản lượng lớn hơn khả năng sản xuất. Thay vì hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành nghề khác để tạo ra chuỗi cung ứng và cùng hưởng lợi thì doanh nghiệp này thà bỏ luôn đơn hàng chứ nhất định không san sẻ. Nói theo ngôn ngữ kinh doanh thì doanh nghiệp đó không có “tư duy cùng thắng”. Trong khi người ta thì “buôn có bạn, bán có phường” còn mình vẫn muốn “một mình một chợ” thì làm sao cạnh tranh nổi trong thời buổi toàn cầu hóa, hội nhập, thương mại tự do đầy thách thức này?

Gần đây, khi làn sóng sản phẩm ngoại tràn vào thị trường nội thì nhiều doanh nghiệp bỗng giật mình, kêu Nhà nước phải thế này, thế nọ. Có một chuyên gia nhận định, không phải doanh nghiệp người ta thắng mà chính doanh nghiệp mình tự thua, thua trước tiên vì tinh thần hợp tác, liên kết của mình yếu trong việc hình thành chuỗi này, chuỗi nọ.

Nghĩ sang câu chuyện hợp tác giữa bà con nông dân. Sức mạnh nhờ “mua chung”, “bán chung”, “dùng chung” ai cũng hiểu được nhưng sao vẫn thấy khó. Không hợp tác với nhau thì làm sao nông nghiệp thoát ra được cái “bẫy sản xuất nhỏ” khiến chi phí cao, chất lượng thấp, không đủ số lượng lớn, đồng đều, quanh năm, để mở rộng thị trường? Không hợp tác lại thì làm sao xây dựng được thương hiệu tập thể cho nông sản, một yếu tố cốt tử để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng? Biết vậy mà chỗ này mới bắt đầu manh nha chuyện hợp tác thì chỗ kia lại muốn rã ra. Hay là nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy mần” đã ăn sâu vào bà con mình rồi.

Đi tham quan một hợp tác xã nông nghiệp ở một địa phương được thành lập hơn mười năm với thị trường trong cả nước, ông giám đốc phát biểu chắc nịch: “Thành viên của chúng tôi luôn biết giữ chữ tín, biết đâu là ranh giới của sự sống còn, chỉ cần một thành viên không tuân thủ quy trình sản xuất là kéo những người còn lại “chết” theo”. Hợp tác là như vậy đó, là sự sẻ chia, là sống có trách nhiệm với những người chung quanh và với chính mình. Đó chính là chân lý ngàn đời: “Chung nhau thì giàu, chia nhau thì khó”.

Nhìn trong hệ thống các cơ quan, đơn vị đâu đó cũng vậy. Mỗi chuyện phối hợp ngang - dọc mà trong nhiều báo cáo đều đánh giá là chưa tốt. Thậm chí nói vui, “phối hợp” hổng tốt, “kết hợp” cũng hổng xong nên xuất hiện cụm từ “phối kết hợp” mà đố tìm trong tự điển nào có. Mỗi ngành, mỗi đơn vị ôm khư khư quyền lực của mình, không hiểu rằng mình là một mắt xích trong một guồng máy giúp cho hệ thống vận hành trơn tru. Trong một tổ chức nào cũng vậy, người này nhận kết quả đầu ra của người khác và đến lượt mình lại là kết quả đầu vào cho một đồng nghiệp khác. Phải chăng tình trạng ách tắc trong một hệ thống bắt đầu từ ý thức hợp tác, từ cách nghĩ “hổng có tui thì liệu anh có làm được không”? Lại nữa, do yếu kém trong hợp tác nên phải có người kiểm tra đôn đốc, có người gắn kết các đầu mối lại, thành ra phải có nhiều ban chỉ đạo, nhiều người tham gia vận hành một chương trình thực hiện. Bộ máy ngày càng cồng kềnh cũng là từ đây.

Nói nào ngay, nói là nói như vậy, nhưng đã có nhiều tín hiệu vui trong hợp tác rồi, vấn đề là làm sao để lan tỏa nhanh hơn và bền vững hơn. Nhận thức đã có thay đổi, nhưng vẫn còn một sức ì vô hình nào đó đang níu chân lại, hoặc đây đó đang chờ đợi nhau theo cách “con gà có trước hay quả trứng có trước?”.

Mình đang đưa ra chiến lược “Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Nhưng muốn tiến tới cái đích “toàn cầu” đó, mình phải cần hợp tác với nhau trước đã. Nhanh lên, nước đã đến chân rồi!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151943/cau-chuyen-hop-tac.html/