Câu chuyện cuối năm của Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu!

Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên,... những cái tên thoáng nghe đã gợi nhắc về một Lai Châu xa xôi cách trở, đường xá khó khăn. Áp tết, chúng tôi ngược lên miền đất biên cương chót mũi Tây Bắc để gặp Bí thư Tỉnh ủy Lò Văn Giàng, nghe ông tâm sự, trăn trở chuyện đất, chuyện người Lai Châu...

Hai điểm sáng của Lai Châu những năm gần đây là tái định canh định cư cho hàng ngàn hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát và dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về trồng cao su. Theo ông Lai Châu đã thực hiện 2 nhiệm vụ này như thế nào?

Kể từ khi chia tách từ tỉnh Lai Châu (cũ) đến nay đã 10 năm, Lai Châu làm được hai việc rất lớn. Đó là việc tái định cư cho gần 10.000 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ các thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng và Bản Chát. Sau khi thành lập tỉnh, một trong những Nghị quyết mà tỉnh ban hành đầu tiên đó chính là vấn đề tái định cư. Như các anh biết đấy, tái định cư nếu không làm quyết liệt thì không biết đến bao giờ mới xong.

Để phục vụ tái định cư vùng lòng hồ 4 công trình thủy điện trên, tỉnh đã di chuyển số hộ dân khổng lồ, tương đương một huyện miền núi. Đây là vấn đề lớn, bởi không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn là chính sách đối với đồng bào. Lúc mình động viên bà con đi ai cũng đồng tình, nhưng khi bà con đến nơi ở mới thì ổn định cuộc sống sao đây? Tiền hỗ trợ hết rồi thì phải làm cái gì cho bà con có phương kế sinh sống?

Hiện nay, các điểm tái định cư được đầu tư khá đồng bộ, ngay như thủy điện Lai Châu đang xây dựng thì hệ thống giao thông và hạ tầng nơi tái định cư hơn hẳn nơi ở cũ. Thế nhưng cái lo nhất là phải tìm việc cho bà con làm. Địa hình như thế, quỹ đất như thế, chúng ta cần suy nghĩ xem trồng cây gì? Và đến nay cây cao su đã được người dân lựa chọn và bước đầu được khẳng định.

Từng nhiều lần Lai Châu đề xuất với đồng chí Trương Vĩnh Trọng khi đó đang là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí Trương Tấn Sang khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, rằng Lai Châu xin gắn tái định cư với trồng cây cao su. Cây cao su đâu xa lạ gì, thực ra đã trồng ở đất Lai Châu từ năm 1993, tức là trước khi tách tỉnh 10 năm. Tại xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ bây giờ vẫn còn mấy chục cây rất to, đều là giống cao su Trung Quốc. Qua kiểm tra cho thấy năng suất mủ có thể đạt 1,4 - 1,5 tấn (tính theo ha), mà trồng lúc đó bà con đâu có đầu tư như bây giờ.

Đến năm 2006, 2007 thì trồng cao su trở thành phong trào, đặc biệt là ở Phong Thổ, hiện nay nhiều diện tích đã khai thác, chủ yếu xuất mủ thô sang Trung Quốc, 1 ha được khoảng 50-60 triệu đồng, với bà con vùng cao thu nhập thế cũng là khá rồi.

Lai Châu xin gắn tái định cư với trồng cây cao su

Thưa ông, số diện tích cây cao su đã trồng tại Lai Châu hiện nay phát triển như thế nào, có gặp khó khăn, bất lợi gì không và đặc biệt cây cao su giữ vị trí như thế nào trong công cuộc tái định cư tại Lai Châu?

Đến năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp cao su VN bắt đầu triển khai đầu tư trồng cao su tại Tây Bắc. Nắm bắt cơ hội này, lãnh đạo tỉnh Lai Châu xác định cây cao su cần gắn với công tác tái định cư. Hiện nay, tại vùng thấp huyện Sìn Hồ và cả khu vực xã Chăn Nưa, Lê Lợi cây cao su đều gắn với tái định cư; giải quyết được cái gốc sinh kế cho người dân, bởi nhờ cây cao su mà cuộc sống của bà con tuy chưa giàu nhưng cũng khá ổn định. Cùng với tái định cư thủy điện Sơn La, ổn định đời sống người dân, chúng tôi đã trồng được 7.000ha cây cao su ở vùng thấp huyện Sìn Hồ.

Vừa rồi ảnh hưởng bão, cây cao su ở miền Trung bị thiệt hại rất lớn, nhiều người cũng thấy băn khoăn. Nhưng tại Lai Châu dân vẫn theo đuổi trồng cây cao su bởi suy cho cùng khó có cây nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn nó. Tuy cao su chưa cho mủ nhưng cạo thí điểm theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN thì năng suất mủ thấp nhất cũng đạt 1,2 tấn/ha, tức là mức có lãi rồi.

Thời kỳ tách tỉnh, khi ấy tôi là Phó Bí thư Thường trực rồi chuyển sang làm Chủ tịch UBND tỉnh, dám ủng hộ trồng cây cao su là cũng chấp nhận rủi ro. Trong 6 năm vừa rồi, việc phát triển cây cao su tại Lai Châu không phải không nảy sinh một số vấn đề.

Thứ nhất là sương muối, tỉ lệ cây chết khoảng 5-10%. Thứ hai là gió lốc, có những cây bị đổ và tỉ lệ đổ cũng khoảng 2-3%. Nhưng Lai Châu có cách làm rất sáng tạo, đó là trồng cao su ở vùng thấp, ven các thung lũng nên che chắn rét tốt, tỷ lệ chết giảm hẳn so với các tỉnh khác. Hơn nữa trồng cao su bám sát các con sông, lòng hồ vùng thấp nên độ ẩm rất phù hợp với cây cao su.

Năm 2015, Lai Châu sẽ bắt đầu khai thác mủ khoảng 800 - 1.000 ha cao su, bà con sẽ bắt đầu có thu nhập. Như vậy Lai Châu xác định rất rõ là cây cao su gắn với tái định cư, gắn cả vào việc xóa đói giảm nghèo, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc. Chúng tôi sẽ quyết tâm hết sức, và đương nhiên phải có sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương nữa. Vì hiện một số Bộ, ngành ủng hộ cao nhưng cũng có một số còn băn khoăn với phát triển cây cao su tại Tây Bắc.

Có nhiều anh em cũng đã chất vấn tôi, không biết mai kia cây cao su có mủ không? Chất lượng mủ thế nào? Tôi cho rằng phát triển cây cao su tại Tây Bắc là cả một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vả lại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư vào đây, các cơ quan chuyên môn của họ cũng đã có sự thẩm định, tính toán kĩ rồi.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng khi còn làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc lên trên này công tác cũng nói chủ trương trồng cao su là thể hiện lòng tri ân của anh em các công ty cao su phía Nam với đồng bào Tây Bắc, nên Lai Châu càng phải cố gắng bởi đây chính là cơ hội có một không hai. (ông Lò Văn Giàng)

Song quan điểm của tỉnh là chưa vội cho làm cao su tiểu điền bởi nếu bung ra quá mạnh bà con đi vay tiền về làm cao su tiểu điền tràn lan sẽ phá vỡ quy hoạch; phương thức trồng, thâm canh không tuân thủ quy trình sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trồng và năng suất mủ.

Hơn nữa ham trồng cao su tiểu điền quá sẽ lợi bất cập hại, lại phá cả rừng thì nguy. Lai Châu phát triển cao su trong sự kiểm soát, đặc biệt là không phá vỡ quy hoạch. Chúng tôi đã đưa ra Nghị quyết đến hết năm 2015 sẽ trồng 20.000 ha cây cao su nhưng có lẽ khó; phấn đấu trồng khoảng 15.000 ha là cố gắng lắm rồi.

Dăm năm trước khi tách tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo của Lai Châu trên dưới 60%, sản lượng lương thực xung quanh 0,1 triệu tấn. Nay, tỉ lệ hộ nghèo còn trên 27%, sản lượng lương thực tăng mạnh trong khi rừng không những không bị phá mà còn nâng cao độ che phủ. Lai Châu có bí quyết gì để đạt được thành công này?

Lai Châu thực hiện xóa đói giảm nghèo rất quyết liệt. Khi chúng tôi mới tách tỉnh, Ban chấp hành lâm thời đã ban hành một Nghị quyết riêng cho công tác xóa đói giảm nghèo, rồi tập trung nguồn lực để thực hiện với phương châm: Tỉnh nắm xã, huyện nắm bản, xã nắm hộ. Giao trực tiếp cho các ngành phụ trách các xã nghèo; rồi tỉnh, huyện tăng cường cán bộ xuống tận xã để giúp xã, giúp bản. Trong năm đầu chia tách, theo tiêu chí cũ tỉ lệ hộ nghèo của Lai Châu là 31,2% (2004), sau khi tính toán lại theo tiêu chí mới lên tới 65%, nhưng đến bây giờ chỉ còn 27,83%.

Xóa đói giảm nghèo ở vùng cao khác đồng bằng. Nó không chỉ là vấn đề kinh tế, phân cực xã hội mà lớn hơn, sâu xa hơn nó còn là chính sách dân tộc.

Muốn đồng bào thoát nghèo, trước hết phải quan tâm đến rừng. Bà con dân tộc đang sống nhờ rừng đấy chứ. Phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển tiềm năng rừng. Nếu không có chính sách tốt với một vùng đặc thù như Lai Châu thì ai dại gì lên tận Than Uyên, Mường Tè, Sìn Hồ trồng rừng.

Thực ra Lai Châu không phải là tỉnh được chọn làm điểm về chi trả dịch vụ môi trường rừng mà lúc đầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn Sơn La, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Nhưng sau khi Lai Châu vào cuộc lại trở thành tỉnh giải quyết vấn đề này rất tốt. Các chính sách, cơ chế phát triển lâm nghiệp của Lai Châu luôn được người dân ủng hộ. Đến năm 2013 thì độ che phủ rừng của Lai Châu theo Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm kê, công bố là 43,7%, trong khi đó năm 2004 chúng tôi mới đạt 34-35%. Như vậy, sau 9 năm rừng tăng khoảng 80 nghìn ha.

Sau đợt cháy lớn ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn năm 2010, chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ban chỉ huy các cấp xây dựng đội xung kích ngay tại thôn bản, các trạm gác đặt tại cửa rừng, gắn với thôn bản. Làm nương rẫy bà con phải có ý thức, như vun luống để đốt, và đốt vào thời điểm thích hợp (không được đốt sau 8h sáng), khi đốt phải thông báo với trưởng bản và lực lượng kiểm lâm. Nhờ vậy nên mấy năm vừa rồi cháy rừng ở Lai Châu hạn chế hẳn.

Thế rồi khi chi trả phí môi trường rừng thì người dân có thêm thu nhập (năm 2013 chi gần 165 tỷ đồng). Một tỉnh có hơn 400 nghìn dân, trong đó khoảng 300 nghìn dân sống liên quan đến rừng, một năm thu trên dưới 160 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng là quá tốt.

Có những xã của Lai Châu diện tích rộng gần bằng một tỉnh miền xuôi, nói cách khác khi tiến hành xây dựng NTM cho xã này ngang với làm NTM cho cả 1 tỉnh. Vậy mà chương trình xây dựng NTM của tỉnh vẫn được tiến hành đúng tiến độ; nhân dân và Trung ương đều đánh giá cao. Ông hình dung bức tranh NTM Lai Châu sẽ như thế nào trong tương lai?

Lai Châu có diện tích trên 9.068km2 và đúng là có những xã diện tích rộng gần bằng một tỉnh miền xuôi. Như huyện Mường Tè có 2 xã Mù Cả và Tà Tổng, diện tích mỗi xã rộng khoảng 500km2. Chính vì vậy nên vấn đề xây dựng NTM mà tôi từng phát biểu trong Hội nghị NTM do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức năm ngoái là Lai Châu lấy 19 tiêu chí đó làm mục tiêu phấn đấu nhưng cách làm của Lai Châu phải khác.

Trước mắt, Lai Châu tập trung vào mấy việc sau: Thứ nhất là đẩy nhanh việc hoàn thành quy hoạch và xây dựng đề án NTM từng xã, đó là cơ sở pháp lý để xã triển khai, qua đó nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Quan điểm chung là cứ làm quy hoạch trước, rồi sẽ quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch. Lai Châu làm quy hoạch khá tốt, thị xã Lai Châu được Bộ Xây dựng đánh giá có quy hoạch đẹp.

Quy hoạch xong sẽ tập trung phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Với Lai Châu tập trung đầu tư xây dựng NTM chính là ưu tiên cho nông nghiệp. Đáng kể nhất là cây chè, chúng tôi có hơn 3.000ha chè. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII chúng tôi quyết tâm khôi phục cây chè, mỗi năm trồng lại khoảng 100ha. Cây chè là một cây truyền thống của tỉnh.

Chúng tôi cũng đưa lúa chịu lạnh lên vùng cao, trước đây chỉ cấy ở độ cao khoảng 500 - 600m, bây giờ đã đưa lên 1.000m. Lúa này chất lượng rất tốt, gạo ngon sánh ngang với lúa của cánh đồng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên. Hiện nay, một số huyện đã làm lúa hàng hóa như Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên... Chúng tôi có mấy cánh đồng lớn là Mường Than (đứng thứ 3 trong vùng Tây Bắc), Bình Lư, Mường So.

Cái nữa là đưa ngô lai vào, nhờ vậy sản lượng lương thực năm 2013 tăng lên 182 nghìn tấn, trong khi Nghị quyết Đại hội phấn đấu đến năm 2015 đạt 175 nghìn tấn, nghĩa là chúng tôi về đích trước 2 năm.

Làm NTM với một tỉnh đất rộng người thưa như Lai Châu phải bắt đầu từ những việc đơn giản, thiết thực như phong trào làm đường thôn, ngõ bản, cải tạo vệ sinh môi trường khu dân cư, vận động thay đổi tập quán chăn nuôi. Trong làm đường, nhà nước hỗ trợ xi măng, còn dân bỏ vật liệu và nhân công, bản nào đăng kí sẽ hỗ trợ cho bản ấy chứ không đi theo hướng bản điểm hay xã điểm. Có thể bản ấy nghèo nhưng đồng bào tự nguyện hiến đất, bỏ nhân công ra làm thì ủng hộ người ta. Những xã khá nhưng chưa vận động được dân hiến đất, người dân chưa nhiệt tình tham gia thì làm sau.

Là một trong những tỉnh thực hiện rất thành công chính sách dân tộc, theo ông Lai Châu có cách làm gì riêng và mới không?

Làm NTM chỉ lo đầu tư làm đường, xây trụ sở thì Lai Châu lấy đâu ra tiền làm. Vì làm được con đường từ bản lên xã cả trăm km, đường lại gập ghềnh kinh phí nào cho đủ. Phát động phong trào NTM là khơi dậy tinh thần tự giác và trách nhiệm cộng đồng của người dân mới lâu bền.

Mặc dù là tỉnh nghèo, hỗ trợ của Trung ương có hạn, ngân sách địa phương nhỏ thế nhưng nhờ biến chủ trương làm NTM của Đảng, chính quyền thành phong trào của người dân nên khi sơ kết hai năm thực hiện NTM ở Lai Châu cho thấy đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. (ông Lò Văn Giàng)

Lai Châu có 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc đặc biệt khó khăn. Một là dân tộc La Hủ, thứ hai là dân tộc Mảng, thứ ba là dân tộc Xi La (dân số rất ít), thứ tư là dân tộc Cống, đều là những dân tộc đặc biệt khó khăn. Cộng 4 dân tộc lại tỉ lệ đói nghèo là 78%, nếu tách riêng La Hủ và Mảng tỷ lệ hộ nghèo tới 85%.

Thực ra, chính sách cho đồng bào dân tộc thì Trung ương và tỉnh đều có rồi nhưng vốn đầu tư quá ít. Nhưng cứ kêu ít không làm thì tương lai các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng tụt hậu. Quan điểm nhất quán của Lai Châu là phải sắp xếp lại dân cư ở những nơi có điều kiện khó khăn về những nơi có hạ tầng, điện, đường, trường, trạm,…

Một vấn đề khác mà chúng tôi luôn trăn trở là công tác giáo dục. Ở miền núi xây một trường học tốn bằng xây 3-4 trường miền xuôi. Muốn làm 1 trường học kiên cố ở vùng sâu hết nhiều tiền lắm, bởi có những nơi vật liệu chuyển lên giá gấp 10-20 lần. Vừa rồi, tôi với đồng chí Chủ tịch tỉnh đi một loạt các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, thấy trường lớp quá tạm bợ. Tỉnh đề nghị Bộ Tài chính để phần vượt thu ngân sách của tỉnh lại để tỉnh xây dựng trường, lớp học cho các cháu, nếu không chúng ta có lỗi với thế hệ mai sau.

Trong 2 năm vừa rồi, Lai Châu đã bố trí được 30-40 tỷ đồng cho việc khắc phục phòng, lớp học tạm bợ (làm ba cứng: nền cứng, cột cứng và mái cứng). Cố gắng lắm vẫn còn trên 1.200 phòng, lớp học tạm đang chờ giai đoạn hai của chương trình kiên cố hóa trường, lớp học vì giai đoạn một hết tiền rồi.

Chính sách dân tộc là gì nếu không phải là đầu tư giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Bởi một khi dân trí nâng lên, đồng bào có khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật thì họ mới tự nâng cao được cuộc sống, không tin vào tà đạo. Đầu tư cho giáo dục cái lợi về sau này sẽ vô cùng to lớn.

Lai Châu còn nghèo, chi ngân sách vẫn nhìn về Trung ương. Nhưng nằm ở vùng phên dậu Tây bắc Tổ quốc, địa hình hiểm trở nên có người nói việc Trung ương chi tiền cho Lai Châu giữ vững cả một dải biên cương vẫn là rẻ. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Như tôi đã nói, Lai Châu là một trong 10 tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước nhưng có chưa đến nửa triệu dân. Đất rộng người thưa lại nằm ở sát biên giới, canh giữ một vùng đất hiểm yếu của Tổ quốc. Nói thế để thấy mỗi người dân Lai Châu đang gánh trên vai một trách nhiệm lớn như thế nào với bờ cõi của ông cha.

Vì vậy ưu tiên số 1 của Lai Châu là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia dài 265,095 km, nên khi mới tách tỉnh mặc dù điều kiện hết sức khó khăn song tỉnh vẫn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh chương trình phân giới cắm mốc và xong trước thời hạn một năm.

Ưu tiên số 2 là giữ rừng đầu nguồn. Trên sông Đà có 3 thủy điện lớn, nếu không giữ được rừng thượng nguồn, không có nước thì 3 thủy điện này lấy đâu nước phát điện. Trong khi đây đều là những công trình trọng điểm quốc gia, được đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng.

Ưu tiên số 3 là xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tới đây Lai Châu cần phải vừa thoát nghèo, vừa phát triển bền vững. Vì đồng bào có thoát nghèo mới vươn lên làm giàu và đủ sức giữ đất, giữ bản, đủ nhận thức để không vướng vào dụ dỗ của kẻ xấu.

Biên cương Tổ quốc, chủ quyền quốc gia dân tộc là vô giá. Vì vậy ở đây không có chuyện đắt hay rẻ.

Xin hỏi ông câu cuối. Ông ước điều gì nhất cho Lai Châu trong năm 2014?

Tôi thì ước nguyện nhiều lắm, nhưng ước nguyện lớn nhất là Chính phủ đầu tư giúp giao thông Lai Châu tốt hơn lên. Chúng tôi đang kẹt ở giữa vì Điện Biên đi theo Quốc lộ 6 và đã có sân bay nên kết nối với Hà Nội tốt rồi. Lào Cai nếu hoàn thành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khoảng 260 km thì thời gian về Hà Nội là rất ngắn. Trong khi đó Lai Châu nằm ở giữa, chúng tôi về Thủ đô phải mất hơn 10 giờ. Vì vậy đề nghị kéo dài đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sang Lai Châu.

Thứ hai là cơ chế chính sách lâm nghiệp phải có sự thay đổi căn bản để làm sao người dân sống và làm giàu được từ rừng. Cây cao su là cây đa mục đích nên Lai Châu sẽ tiếp tục đầu tư cho cao su cũng là để tăng độ che phủ rừng.

Thứ ba là phần để lại của các nhà máy thủy điện cho địa phương. Thủy điện Lai Châu sắp hoàn thành, đề nghị Trung ương xem xét để lại cho Lai Châu hai khoản thu: Một là thuế thu nhập của doanh nghiệp, hai là thuế giá trị gia tăng từ các công trình thủy điện lớn. Hiện 2 nguồn thu này đều phải nộp về Trung ương, sau đó mới điều tiết lại cho tỉnh. Các Bộ, ngành Trung ương cũng rất đồng tình ủng hộ với đề nghị này của tỉnh; không chỉ có Lai Châu, mà còn Sơn La, Điện Biên cũng nên được hưởng cái đó.

Thứ tư là đề nghị Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn để Lai Châu thực hiện kiên cố hóa trên 1.200 phòng, lớp học tạm còn lại.

Đó là 4 vấn đề lớn, cũng là 4 điều ước của Bí thư đầu năm mới. Giải quyết được 4cái này thì dứt khoát Lai Châu sẽ xóa nghèo nhanh chóng và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, tại Lai Châu đã có 3 công ty cao su. Công ty ở vùng thấp huyện Sìn Hồ, Công ty ở vùng Chăn Nưa, Lê Lợi và Công ty ở vùng Than Uyên. Từ nay đến 2018, mỗi công ty dự kiến trồng 5.000 - 7.000ha cao su. Hết năm 2013, cả 3 công ty đã trồng được 11.200 ha cao su, hiện phát triển tốt.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/119345/cau-chuyen-cuoi-nam-cua-bi-thu-tinh-uy-lai-chau.aspx