Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử 'Trong ngôi nhà của mẹ'

Trong buổi ra mắt cuốn sách “Trong ngôi nhà của mẹ” cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông và gia đình ông Trịnh Văn Sỹ - nhân vật trong cuốn sách - vào sáng 9.10, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói rằng “đây đúng hơn là buổi tưởng nhớ đến một người mẹ đã suốt một đời sống trong cô đơn, đói khổ, sợ hãi, bệnh tật nhưng luôn ngập tràn tình yêu thương, luôn mơ ước một tương lai tốt đẹp cho những đứa con mình”.

Câu chuyện về người mẹ khổ đau ấy đã được những người con của bà - con gái Trịnh Thị Cúc và con trai Trịnh Văn Sỹ “kể lại cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nghe trung thực, cả nỗi đau buồn và khát vọng của tôi, mẹ tôi, chị tôi” vào các buổi tối trong nhiều tháng “trong ngôi nhà của mẹ” ở làng Đa Sĩ thuộc Hà Tây xưa. Nghe câu chuyện ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã “quyết định phải chép lại, bởi tôi nhận thấy câu chuyện của người mẹ chứa đựng một trong những thông điệp về kiếp người và lẽ sống”, bởi “câu chuyện về một người mẹ sống âm thầm trong một ngôi nhà nhỏ ở một làng quê ít người biết đến đã trở thành câu chuyện của nhiều người”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã kể lại câu chuyện ấy một cách dung dị, chân thật và lôi cuốn, khiến họa sĩ Lê Thiết Cương “có lúc bị cuốn đi, không thể dừng lại được, nhưng cũng có lúc đọc được nửa trang thì phải dừng lại, không muốn đọc tiếp, bởi tôi muốn sự xúc động lắng đọng trong tôi, phải dừng lại để sống với sự xúc động ấy”. Cuốn tự truyện “không hư cấu nhưng đủ sức mạnh” đó cũng đã khiến họa sĩ Lê Thiết Cương “muốn Thiều chuyển thể cuốn sách này thành một kịch bản phim có đầy chất nghệ thuật trong đó”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có mặt tại buổi ra mắt sách cũng chia sẻ, “đọc một mạch không dứt ra nổi. Câu chuyện này có tôi, có gia đình tôi, bạn bè tôi trong đó. Câu chuyện này có 2 hành trình nhọc nhằn: Hành trình của những người phụ nữ từ chữ nhẫn đến chữ nhẫn và hành trình từ tâm trạng đến tâm lý. Hai hành trình ấy xoắn bện với nhau, tạo nên cuốn sách”.

Với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, “Trong ngôi nhà của mẹ” rất đáng đọc vì không chỉ có tình mẫu tử, tình thân ngập tràn yêu thương, cảm động, mà còn “tái hiện cả một vùng văn hóa, với rất nhiều câu chuyện liên quan đến phong tục, tập quán, lối sống, lề thói của một vùng quê, thông qua đó có thể nhìn thấy đời sống văn hóa, cả điều hay và điều dở...”. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng thấy “Trong ngôi nhà của mẹ” cả một cuốn “dư địa chí về làng Đa Sĩ” với những chi tiết về kiến trúc ngôi nhà, mảnh vườn, hàng cây trồng trước sân… giữa bức tranh quê đầy màu sắc ấm áp qua chi tiết từng món ăn mẹ nấu, bữa cỗ giữa làng, đám cưới, đám kiều gọi hồn...

Một câu chuyện xúc động và thiêng liêng về tình mẫu tử, “được Thiều chấp bút cẩn thận, kể lại bằng lời lẽ dung dị nhưng nhiều trang như tiểu thuyết” - như nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét, trong nhịp sống gấp gáp, xô bồ và có cả bạo lực hiện nay, “đã làm cho chúng ta thấu hiểu cuộc sống này hơn, nhận ra nhiều hơn ý nghĩa của tình yêu thương và hạnh phúc” - như chính lời đề tựa đầu sách của tác giả - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

LINH PHƯƠNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/cau-chuyen-cam-dong-ve-tinh-mau-tu-trong-ngoi-nha-cua-me-600257.bld