Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long: Chất lượng, mỹ thuật được coi trọng

Bộ GTVT vừa nghe báo cáo đầu kỳ và những phương án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch- Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội. Đây là đoạn đô thị đặc biệt quan trọng của Thủ đô, thuộc khu vực ngoại giao đoàn, đi qua nhiều cơ quan nhà nước, nên Bộ GTVT đặc biệt lưu ý tư vấn thiết kế và các đơn vị chức năng phải đặt mỹ thuật và chất lượng công trình lên hàng đầu.

Yêu cầu cấp thiết

Đường vành đai 3 Hà Nội có chiều dài khoảng 65km, có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông của Thủ đô và các khu vực phụ cận, phục vụ đắc lực cho giao thông nội đô và giao thông liên vùng. Kế hoạch triển khai dự án đường vành đai 3 đã được đặt ra từ năm 1998.

Hiện tại, đoạn từ Mai Dịch đến Bắc Linh Đàm đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang xây dựng cầu cạn cao tốc ở giữa. Đoạn Bắc Linh Đàm- Pháp Vân- Cầu Thanh Trì- Sài Đồng cơ bản đã hoàn thành với 4 làn xe cao tốc, tách biệt riêng cho xe cơ giới.

Đoạn từ Mai Dịch đến Bắc Linh Đàm đang được khẩn trương xây dựng.

Đoạn Sài Đồng- cầu Phù Đổng- Ninh Hiệp cơ bản đã hoàn thành với 4 làn xe cơ giới đi chung với xe máy và xe thô sơ. Trong số các dự án thành phần của đường vành đai 3 có dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch- Nam Thăng Long để kết nối với tuyến cao tốc đang xây dựng từ Mai Dịch- Bắc Linh Đàm. Tại Quyết định 187/QĐ-TTg tháng 2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương sử dụng vốn dư Dự án xây dựng giai đoạn 2 Mai Dịch- Linh Đàm để triển khai lập dự án.

Theo Liên danh tư vấn OC-KEI-TEDI-APECO-ITST-VECC, hiện tại tuyến đường có bề rộng trung bình 24,7m, bố trí 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Đây là tuyến đường trọng điểm, không chỉ đóng vai trò là một phần đường vành đai của Thủ đô mà còn là trục đường gần như duy nhất kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài.

Hơn nữa, cùng nằm trên đường vành đai 3, đoạn tuyến cầu cạn cao tốc Mai Dịch- Bắc Linh Đàm đang được khẩn trương xây dựng và dự kiến thông xe vào cuối năm 2012, khi đó một lượng lớn các phương tiện từ các tỉnh phía Bắc thông qua cầu Thanh Trì và hệ thống cầu cạn sẽ tập trung vào đoạn đường nên nguy cơ quá tải là hiện hữu. Chính vì vậy, việc xúc tiến đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch- Nam Thăng Long là hết sức cấp thiết.

Coi trọng mỹ thuật và chất lượng

Cũng theo liên danh tư vấn, toàn bộ chiều dài của đoạn tuyến này khoảng 5km sẽ được xây dựng theo cấp đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/h với 4 làn xe. Trên tuyến có 3 nút giao gồm: Mai Dịch, Hoàng Quốc Việt và Cổ Nhuế. Việc lựa chọn loại hình nút giao hiện đang được tiến hành với hai phương án là nút giao kim cương hoặc nút giao dạng Turbine. Tổng mức đầu tư cũng được tư vấn dự kiến theo từng phương án áp dụng với dầm cầu cạn. Trong đó, với phương án dầm thép dạng panel vào khoảng 5.535 tỷ đồng, phương án dầm chữ I khoảng 4.599 tỷ đồng, phương án dầm super T hơn 4.287 tỷ đồng và phương án dầm hộp là hơn 6.237 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến sử dụng để đầu tư là vốn ODA của JICA.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT), đây là dự án nối tiếp của đoạn Mai Dịch- Bắc Linh Đàm làm thông tuyến từ Đông sang Tây của Hà Nội và sẽ giải quyết đáng kể nạn ùn tắc và tai nạn giao thông. Dự án cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ Hà Nội mà còn của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng do đoạn đường này là khu vực ngoại giao đoàn, chính vì vậy, cần xúc tiến đầu tư nhanh và triển khai xây dựng đảm bảo mỹ thuật, chất lượng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, yếu tố mỹ thuật và chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu ngay từ khi lập dự án, thiết kế. Bên cạnh đó tư vấn phải bổ sung nghiên cứu phương án chống ồn vì đây là đoạn đường trong đô thị, dân cư đông đúc để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Các phương án dầm cầu cũng phải lựa chọn hợp lý để vừa đồng bộ với đoạn Mai Dịch- Bắc Linh Đàm vừa tạo được ấn tượng, mang đậm nét văn hóa của Thủ đô. Thứ trưởng Trường cũng lưu ý các đơn vị, cơ quan chức năng phải đặc biệt chú ý tới việc thiết kế các nút giao, bởi tuyến đường có lưu lượng giao thông rất lớn và kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng. Các đơn vị tư vấn và cơ quan của Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong việc lập, thiết kế dự án để có phương án tối ưu nhất, đồng thời sớm có kế hoạch triển khai GPMB phục vụ thi công tuyến đường sau này.

Đức Thắng

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/kinh-te/co-so-ha-tang/201204/Cau-can-Mai-dich-Nam-Thang-Long-dat-my-thuat-va-chat-luong-len-hang-dau-36043/