Cậu bé sống 4 năm trong bệnh viện kiên quyết gọi mẹ đẻ là dì

Cậu bé, 5 tuổi người Trung Quốc, cuối cùng đã trở về sống cùng bố mẹ đẻ ở Nội Mông sau 4 năm bị bỏ rơi ở một bệnh viện ở Bắc Kinh.

Cậu bé 5 tuổi bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện từ khi mới 11 tháng tuổi.

Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc đưa tin, cặp vợ chồng này miễn cưỡng nhận lại con trai chỉ suýt bị đi tù vì dám bỏ qua phán quyết tòa án yêu cầu đi đón con mình.

Cha mẹ của cậu bé (phía trên bên trái và giữa) hầu tòa trong vụ kiện khi tòa án tuyên bố sẽ bỏ tù nếu họ không mang con về nhà

Cháu bé đáng thương, người mới trở về nhà gần đây, lúc mới sinh ra đã bị khuyết tật tim bẩm sinh và phải đến bệnh viện Fuwai, quận Xicheng, Bắc Kinh để làm phẫu thuật khi mới 11 tháng tuổi.

Mặc dù ca phẫu thuật đã thành công, nhưng sau đó cậu bé lại gặp vấn đề với hệ hô hấp. Cho rằng vấn đề này là do lỗi của ca phẫu thuật gây ra, cha mẹ cậu đã bỏ về nhà và tuyên bố sẽ không đón con về nhà cho đến khi nào cháu bé hoàn toàn bình phục.

Con trai họ đã sống trong bệnh viện Fuwai, quận Xicheng, Bắc Kinh trong 4 năm qua.

Cậu bé gọi y tá là “mẹ” và biến hành lang bệnh viện thành sân chơi của mình.

Và thế là cháu bé đã buộc phải lớn lên ở bệnh viện, ăn đồ ăn nhà bếp của bệnh viện, chơi bằng những món đồ chơi mà các y tá mua cho bé, còn sân chơi là hành lang của bệnh viện.

Cậu gọi các ý tá là “mẹ”, còn cha mẹ đẻ thì chỉ thỉnh thoảng mới “gặp” qua video chat.

Phía bệnh viện cho hay, họ đã phải chi 80.000 NDT (khoảng 270 triệu đồng) để chăm sóc cháu bé kể từ khi bị bố mẹ bỏ rơi . Họ đã thắng kiện trong việc bắt cha mẹ cháu bé ra hầu tòa.

Tòa án ra lệnh cho hai vợ chồng đến đón con về nhưng họ không chịu tuân theo phán quyết này. Bố mẹ cháu bé nói rằng thời tiết ở Nội Mông rất khô, và cậu bé sẽ chóng chết nếu trở về nhà. Đồng thời họ cũng tuyên bố là mình không có đủ tiền để điều trị vấn đề hô hấp của con trai mình.

Cậu bé gọi mẹ là “dì” sau khi cô ta quay lại bệnh viện Bắc Kinh 4 năm sau để đón cậu về nhà.

Cha mẹ cậu bé (trên) phải hầu tòa vì bệnh viện Fuwai, Bắc Kinh thông báo họ đã phải chi 80.000 NDT để chăm sóc đứa trẻ.

Phải đến khi cả hai bị bắt giam vài ngày vì tội bỏ qua phán quyết tòa án, lúc đó họ mới chịu đưa con về nhà.

Phía bệnh viện cũng cho phép họ nợ và trả dần khoản tiền chăm sóc con trai mình cho đến khi họ có đủ khả năng.

Phóng viên có mặt tại bệnh viện khi cặp đôi này tới đón con đã cho hay, cậu bé chỉ gọi cô vợ là “dì” và kiên quyết từ chối gọi “mẹ” dù cô ta cố tình yêu cầu bé sửa nhiều lần.

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”.

Còn ở Việt Nam, điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”. Việc bỏ rơi con nhỏ đã vi phạm tất cả những điều luật trên. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Với tất cả những hành vi đó, rất có thể cha mẹ cháu bé cũng bị tước quyền nuôi con có thời hạn. Theo quy định của Điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì tùy từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình thì người có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm: cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác…

Nhưng cũng theo đúng các quy định pháp luật, nếu xác định được cha mẹ đẻ cháu bé, ưu tiên đầu tiên là trả cháu bé về cho cha mẹ cháu nuôi dưỡng, chăm sóc. Theo Điều 13 Luật Chăm sóc, Bảo vệ và Giáo dục trẻ em thì trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 cũng quy định cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cha mẹ cháu bé không có khả năng nuôi con, có thể thỏa thuận với những người mong muốn nhận cháu bé làm con nuôi theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi. Nếu đã cố gắng truy tìm mà không tìm được cha mẹ đẻ, người ruột thịt của cháu bé, theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, cơ quan nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm khai sinh cho cháu bé và xem xét việc cho người khác nhận cháu làm con nuôi theo đúng quy định pháp luật.

Nếu chẳng may trẻ thiệt mạng khi bị bỏ rơi, người mẹ rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

MINH MINH (Theo SCMP)

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/cau-be-song-4-nam-trong-benh-vien-kien-quyet-goi-me-de-la-di-a168523.html