Cậu bé nghẹn ngào viết đơn xin nghỉ học vì quá nghèo

“Bố em bị phổi, mẹ em bị huyết áp, gạo ăn thì hết, em cũng không muốn bỏ học…” những dòng chữ run rẩy trong lá đơn xin nghỉ học.

Lá đơn xin nghỉ học của em Quách Văn Trúc

Ngày hôm qua, Báo Thanh Niên có đăng lá đơn xin nghỉ học cảm động đến nghẹn ngào của một cậu học trò lớp 7 ở huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa). Em là Quách Văn Trúc, học sinh lớp 7C, trường THCS Xuân Khang, xã Xuân Khang.

Trong lá đơn với những dòng chữ run rẩy, em Trúc viết: “Lý do em viết đơn này là hoàn cảnh khó khăn. Bố em bị phổi, mẹ em bị huyết áp, gạo ăn thì hết em cũng không muốn bỏ học nhưng hoàn cảnh nhà em khó khăn nên em phải bỏ học để nuôi bố mẹ em”.

Không những thế, Trúc còn dặn dò các bạn ở lại: “Em xin cảm ơn nhà trường và các thầy cô đã dạy cho em. Em xin chúc nhà trường và các thầy cô mạnh khỏe, chúc các bạn học sinh luôn luôn học giỏi, các bạn ơi tôi chúc các bạn học sinh lớp 7C cùng toàn thể các bạn khác phải phấn đấu học thật giỏi luôn luôn là cháu ngoan Bác Hồ.

Vâng lời cha mẹ, anh chị em trong nhà, phải biết giữ gìn tài sản của nhà trường, trân trọng các bạn nam, đặc biệt là 3 bạn khuyết tật, không được xúc phạm đến giáo viên nhân viên chức trong nhà trường, không đánh nhau, phải giữ gìn đồ dùng học tập, đặc biệt là giấy không vứt rác bừa bãi, phải biết chào cô giáo, thầy giáo, không chơi súng đạn, phải biết quý trọng bạn bè.

Xa các bạn tôi thấy nhớ các bạn nhiều lắm, tôi xin cảm ơn các bạn”.

Nhiều người, trong đó có tôi, đã không cầm nổi nước mắt khi đọc lá đơn này. Bởi nó được viết ra từ tâm sự chân thật của một đứa bé có tâm hồn trong trẻo, luôn nghĩ cho người khác.

Em cảm ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, em lo cho các bạn học sinh khuyết tật, dặn các bạn em “phải trân trọng” các bạn này. Em mong các bạn em không vứt rác bừa bãi, quý trọng bạn bè, gặp thầy cô thì phải biết chào hỏi lễ phép.

Một cậu học trò ngoan ngoãn và có nhiều phẩm chất tốt đẹp như vậy, chỉ vì cái nghèo và hoàn cảnh bệnh tật của cha mẹ mà không được đến trường nữa, thật là chua xót.

Cứ nghĩ đến tâm trạng của cậu bé khi viết lá đơn này mà tôi thấy trong lòng đau nhói, không được đi học nữa, chắc rồi đây em sẽ phải đi lao động kiếm tiền nuôi cha mẹ. Cậu bé lớp 7 mới 12 tuổi đầu, sức vóc non nớt như một con cò bé nhỏ, rồi em sẽ làm gì để nuôi cha mẹ ốm yếu bệnh tật đây?

Lại nghĩ đến cái nghèo của biết bao gia đình như gia đình cậu bé Trúc trong xã hội, họ không còn cách nào khác là phải cắt đứt con đường học hành của con mình. Rồi đặt những hoàn cảnh ấy, bên cạnh những công trình ngàn tỷ lãng phí, bỏ hoang thành đống phế liệu mà càng thấy đắng nghẹn.

Lại nhớ đến cái cổng chào 200 tỷ đồng vừa mới được xây dựng ở cửa ngõ tỉnh Quảng Ninh, đang chuẩn bị xác lập kỷ lục “cổng chào lớn nhất Việt Nam”. Trông cái cổng chào thì rõ ràng là to và đẹp, vốn ngân sách bỏ ra 10 tỷ đồng, còn lại là huy động xã hội hóa. Nhưng những công trình to và đẹp, hoành tráng kiểu như thế, chỉ để giải quyết chút “thể diện” bên ngoài, còn nhìn sâu vào từng số phận những cậu bé nghèo như Trúc, phải bỏ học đi kiếm tiền để nuôi cha mẹ ốm đau, liệu có ai thấy xót xa hay không?

Tất nhiên mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Cái cổng chào 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh chẳng liên quan gì đến số phận 1 cậu học trò nghèo buộc phải bỏ học ở miền núi Thanh Hóa cả. Chỉ là đặt cạnh nhau thì bỗng thấy dâng lên một cảm giác chua chát mà thôi.

Ở đâu đó, người ta sẵn sàng ném tiền cho những trò vô bổ. Người ta sẵn sàng ký những dự án ngàn tỷ, trăm tỷ chẳng biết sẽ hiệu quả đến đâu và làm ngân sách lún sâu vào nợ công. Còn ở những vùng nông thôn, miền núi xa xôi, vẫn có những đứa bé như cậu bé Trúc, phải viết lá đơn xin nghỉ học vì nghèo, trong tuyệt vọng.

Nếu không có ai chìa bàn tay ra với Trúc, em sẽ không được đến trường nữa, em sẽ phải vào đời sớm, chẳng biết số phận em rồi sẽ ra sao.

Nhưng đúng là 2 sự việc này không liên quan gì đâu, phải không thưa bạn đọc?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/cau-be-nghen-ngao-viet-don-xin-nghi-hoc-vi-qua-ngheo-3320390/