Cậu bé 11 tuổi tự tử: Bi kịch hiện hữu trong đời sống

Thêm một thân phận bi kịch hiện hữu trong đời sống. Một cháu bé 11 tuổi ở Gia Lai treo cổ tự tử vì cái sự nghèo.

2009, thoáng cái mà 7 năm rồi, nhanh như một chớp mắt. Tôi vào Bệnh viện Nhi Đồng II, viết về trường hợp của cô bé 4 tuổi bị hỏng một mắt do tai nạn. Cha mẹ đi làm thuê, con gái ở nhà với mấy anh chị họ, tha thẩn chơi ngoài hè vô tình gặp trái nổ. Trẻ con vốn dĩ hiếu động, mà biến cố lại không chọn người.

Con gái đau, khóc suốt, mặt mày lấm lem. Bố bỏ việc từ Tây Nguyên về phố chăm con, rách nát. Áo quần cũ, nụ cười khúm núm, móng tay chân cáu bẩn đỏ đất Bazan. Hai gã đàn ông nói chuyện với nhau, tiếng thở dài len lén, gượng gạo. Con gái thấy khách người phố, ngài ngại. Lúc về, tôi có biều con gái ít tiền, bảo cho cháu mua sữa. Bố cầm hai tay, ngượng ngiụ. Hôm ấy, vừa viết bài vừa khóc vì không mường tượng ra được sau này con sẽ ra sao.

Năm đó, ở Long An. Thiếu nữ mười bốn tuổi, những vết sẹo do bỏng chạy dài từ mặt xuống cơ thể. Mùa nước nổi, cha mẹ chống xuống chở tôi vào nhà, chỗ ráo nhất là cái giường được kê cao.

Miền Tây mùa nước nổi, không khí buồn lắm. Thiếu nữ khóc suốt, cha mẹ cũng khóc. Câu chuyện rời rạc và bài báo rơi vào thinh lặng. Thiếu nữ năm lớp năm, 11 tuổi. Trưa ấy dép rách, mượn mãi được đôi dép lành của bạn hàng xóm để băng đồng đi học. Trên đường đến trường gặp gã đàn ông cùng xóm, gã vẫy cô bé lại gần, linh tính điều không may cô bé bỏ chạy.

Gã đuổi theo, cô bé vẫy vùng. Trưa ấy, mùa hạ. Khói lửa rơm trên đồng rất đượm, gã ném cô bé vào đó, cô bé thoát được với những vết bỏng tuột da. Từ đó, cô bé nghỉ học.

Vì sao một vụ việc nghiêm trọng như vậy lại rơi vào thinh lặng, tôi không biết nữa. Bởi không chỉ có tờ báo nơi tôi đang công tác lên tiếng, đã rất nhiều đồng nghiệp khác cố gắng. Nhưng ngoài những khoản tiền cứu trợ của bạn đọc gửi về ủng hộ cô bé, thì chẳng còn gì khác.

Đám tang cậu bé 11 tuổi tự tử ở Gia Lai (Ảnh: Dân Việt)

Cháu bé 11 tuổi ở Gia Lai tự tử bằng cách treo cổ vì cái nghèo. Sáng hôm ấy, bố mẹ S. đi làm thuê, S. không chịu đi học và đòi đi theo mẹ để bắt cua nhưng bố mẹ em không đồng ý. Vì vậy, S. nói “nếu bố mẹ không cho con đi theo thì con sẽ tự tử”. Sau đó, S. cùng các bạn đến trường nhưng đi được giữa đường thì em nói với các bạn là mình bỏ quên bút ở nhà nên quay về nhà lấy bút... Và câu chuyện đau lòng đã xảy ra.

Suốt dằng dặc tuổi thơ mình, tôi mặc lại đồ cũ của anh trai, ngày Tết xịn hơn, má ủi lại cho bộ quần áo đến trường làm đồ mới. Nhưng tôi là gã nhóc, tà lỏn có thể đi khắp thế giới, tôi không là con gái để mơ ước về đôi hài cổ tích.

Nhiều năm rồi, tôi đã gặp nhiều người rồi, tôi biết là họ đã cố gắng nhiều hơn cả tôi vạn lần nhưng không hiểu sao cái nghèo vẫn bủa vây rồi bắt chặt lấy như một định mệnh.

Tôi không liên tưởng gì trong những câu chuyện mà tôi vừa kể, tôi chỉ buồn thôi. Vốn dĩ, ngoài nỗi buồn ra thì tôi chẳng có gì là dư dả cả. Tôi chỉ nghĩ rằng, khoảng cách giàu nghèo ở nước ta đã thật sự là một hố sâu không gì có thể san lấp được rồi.

Thêm một thân phận bi kịch hiện hữu trong đời sống, có khi, chẳng nhắc nhớ chúng ta điều gì cả đâu, phải không?./.

Ngô Nguyệt Hữu

Nguồn VOV: http://vov.vn/blog/cau-be-11-tuoi-tu-tu-bi-kich-hien-huu-trong-doi-song-545163.vov