Cầu Áp Lục và câu chuyện về mối quan hệ Trung - Triều

Cây cầu dài 3km bắc qua sông Áp Lục – con sông là ranh giới giữa 2 quốc gia Trung Quốc, Triều Tiên. Trung Quốc đã quyết định đầu tư xây dựng lại cây cầu, như là một biểu tượng cho mối quan hệ gắn kết của hai nước này.

Cây cầu đã từng bị Mỹ ném bom trong Chiến tranh Triều Tiên nhằm ngăn chặn các nguồn hỗ trợ từ phía Trung Quốc cho đồng minh của mình. Hiện nay, cây cầu đã được thành phố Đan Đông của Trung Quốc đầu tư xây mới để biến nó thành một đòn bẩy kinh tế và “khuyến khích” nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Các thương nhân Trung Quốc cho biết, yêu cầu hàng đầu hiện nay của họ là phải hiểu hơn về thị trường Triều Tiên. Chính bởi sự nới lỏng của chính phủ Triều Tiên về thương mại, các thương nhân Trung Quốc đang đua nhau đổ hàng quần áo và hàng tiêu dùng giá rẻ về khu vực này để tiêu thụ. Quan hệ thương mại song phương giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã đạt con số 5,6 tỷ USD trong năm 2012, một con số đáng kể so với tiềm năng kinh tế của Triều Tiên.

Cây cầu dài 3km bắc qua sông Áp Lục - một biểu tượng mới cho mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên

“Tình hình chính trị không có tác động lớn đến thương mại”, ông Yu Hao, giám sát hải quan Công ty Xuất nhập khẩu Đan Đông cho biết, “Thương mại bị chi phối bởi giá cả. Triều Tiên giờ hiểu quá rõ về Trung Quốc nên lợi nhuận đang giảm xuống”.

Tân Hoa Xã cho biết, chi phí để xây dựng cây cầu nối 2 quốc gia này vào khoảng 356 triệu USD. Nó sẽ giúp tăng tốc độ thương mại của thành phố Đan Đông – nơi chiếm đến 70% kim ngạch thương mại của hai nước. Cây cầu sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn với Triều Tiên khi mà mối quan hệ kinh tế giữa nước này với Hàn Quốc bị hạn chế rất nhiều, bao gồm cả việc tạm ngừng hoạt động của Khu phức hợp công nghiệp Keasong.

Hiện tại, Trung Quốc và Triều Tiên đang có những “vướng mắc” trong việc giải quyết mối quan hệ đồng minh khi mà Triều Tiên đang ngày càng trở nên “khó nói” còn Trung Quốc lại phải giữ vai trò là sợi dây kết nối Bình Nhưỡng với phần còn lại của thế giới.

Sự thiếu kinh nghiệm lãnh đạo của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm ngay cả khi chế độ của ông không chắc chắn về việc đe dọa trực tiếp tới Hàn Quốc. Hiện tại, tin tình báo của các nước cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên thực sự đang huy động quân đội chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dù đã nhiều lần công bố sẽ tấn công hạt nhân tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Trung Quốc đang phải chịu áp lực để phát huy sự ảnh hưởng của họ như là một đồng minh kinh tế và chính trị của Triều Tiên. Lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại Triều Tiên đang dần cô lập nước này khiến cho sự phụ thuộc của Triều Tiên với Trung Quốc ngày càng lớn.

"Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho vấn đề này", Thượng nghị sĩ Arizona John McCain cho biết trong tháng này trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS, "Trung Quốc có thể cắt bỏ quan hệ kinh tế với Triều Tiên nếu họ muốn".

Cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra. Trung Quốc lo ngại rằng nếu làm như vậy sẽ tạo ra những áp lực có thể ảnh hưởng đến toàn chế độ của mình và kích động sự bất ổn. Giới quan sát cho rằng từ những năm 90, Trung Quốc chưa thực sự làm điều gì để thay đổi được Triều Tiên trong mối quan hệ với cả thế giới.

Cây cầu nhìn từ một trạm canh gác biên giới từ thành phố Đan Đông, Trung Quốc

Hải quan Trung Quốc cho biết, các chuyến hàng xuất sang Triều Tiên đã giảm 13,8% trong quý đầu tiên của năm nay, ở mức 720 triệu USD. Trong khi nhập khẩu từ Triều Tiên tăng 2,5%, ở mức 590 triệu USD. Phần lớn các giao dịch được thực hiện thông qua trao đổi (khoáng sản và than), chỉ có một số ít giao dịch thanh toán bằng tiền tệ.

Triều Tiên cũng tỏ ra đã "khôn" hơn khi biết sử dụng Internet làm phương tiện tìm hiểu thông tin cho các giao dịch mua bán. “Trong quá khứ, bạn có thể bán một thứ gì đó trị giá 5 nhân dân tệ cho Triều Tiên với giá 10 nhân dân tệ”, ông Yu nói, “Giờ đây, họ biết điều gì đang xảy ra, vì thế, họ sẽ chỉ mua với giá 8 nhân dân tệ”.

Một lần nữa, vị doanh nhân người Trung Quốc tiếp tục khẳng định “Thương mại giữa Đan Đông và Triều Tiên dựa trên các mối quan hệ của chúng tôi với khách hàng. Chúng tôi không nói chuyện chính trị”.

Minh Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/The-gioi/Cau-Ap-Luc-va-cau-chuyen-ve-moi-quan-he-Trung-Trieu/75586.info