Cát Linh Hà Đông phá sản chạy thử: Đừng để phụ thuộc

Nên ưu tiên dành nguồn vốn trong nước cho hoàn thành tuyến Cát Linh - Hà Đông để thoát khỏi sự phụ thuộc.

Sự chuẩn bị không chặt chẽ, rơi vào thụ động

Theo kế hoạch, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017, tức là chỉ còn 15 ngày nữa. Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc cho biết, do khó khăn về tài chính nên dự án không thể đẩy mạnh thi công.

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 20/9, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết: “Việc chậm tiến độ rõ ràng có những nguyên nhân sâu xa của nó, trước tiên xuất phát ngay từ khâu chuẩn bị dự án và gói thầu không đúng qui chuẩn, tiếp đó là việc lựa chọn nhà thầu thiếu kinh nghiệm và không coi trọng chữ tin, thỏa thuận hợp đồng với nhà thầu không chặt chẽ… nên nảy sinh nhiều hệ lụy, điển hình nhất là làm phát sinh đội vốn đầu tư gấp 1,5 lần.

Chính do phát sinh tăng vốn đầu tư nên kéo theo chuyện nhiều lần bị chậm tiến độ, bị lệ thuộc vào nhà cung cấp vốn, đưa ta rơi vào trạng thái bị động.

Nếu phát sinh ít thì chúng ta có thể chủ động bổ sung được, nhưng khi tăng thêm 300 triệu USD thì buộc chúng ta phải lệ thuộc vào nhà cung cấp vốn, không chỉ làm cho gói thầu chậm tiến độ, công trình của chúng ta nhưng ta lại không làm chủ được quá trình đầu tư mà phụ thuộc quá nhiều vào nhà thầu và bên cấp vốn.

Rõ ràng nguyên nhân sâu xa ở đây do khâu chuẩn bị dự án, chuẩn bị và ký kết gói thầu không được chặt chẽ, thiếu qui chuẩn".

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông phá sản chạy thử

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông phá sản chạy thử

Qua sự việc này, theo ông Cường, thứ nhất, cần phải quy rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cơ quan, cá nhân nào đã xây dựng dự án, thẩm định thiết kế dự án không chính xác dẫn đến khi triển khai mới phát sinh thêm khối lượng và đội chi phí tăng cao.

Trách nhiệm của cơ quan lựa chọn nhà thầu và thỏa thuận hợp đồng không chặt chẽ để những vấn đề phát sinh sau khi đấu thầu, triển khai lại không gắn với trách nhiệm nhà thầu mà chúng ta đều phải gánh chịu.

Việc này không phải chỉ rút kinh nghiệm, mà phải xử lý trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có liên quan, nhẹ nhất cũng phải loại bỏ những người không đủ năng lực ra khỏi bộ máy, loại bỏ những đơn vị tạo nên lỗ hổng trong dự án này.

Thứ hai, trong việc tiếp nhận nguồn cung cấp vốn ODA, nhà thầu đầu tư xây dựng công trình phải lựa chọn đơn vị thực sự có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực kêu gọi dự án đầu tư, để thực sự hỗ trợ ta tạo ra sự phát triển bền vững chứ không phải tạo ra các phát sinh đẩy ta vào tình thế bị động, gây bức xúc đối với người dân.

Qua thực tế các dự án đầu tư phát sinh nhiều vấn đề bức xúc như thế này, chúng ta phải cương quyết đưa các nhà tài trợ vốn, các nhà thầu đó vào danh sách đen, loại bỏ vĩnh viễn cơ hội cho các dự án trong tương lai.

Nước ta đang bắt đầu thời kỳ đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, vì thế chắc chắn chúng ta còn rất nhiều dự án cần tiếp tục đầu tư mới, còn phải kêu gọi nhiều nguồn vốn tài trợ ODA, cần phải có nhiều nhà thầu quốc tế vào đầu tư xây dựng.

Để không phải lặp lại những sai lầm và phải trả giá đắt cho tương lai, không gây những bức xúc cho xã hội và để có được các công trình hạ tầng thực sự hiện đại, bền vững có đủ niềm tin cho người dân.

Chúng ta cần cương quyết loại bỏ các nhà tài trợ vốn và các nhà thầu đã có “vết đen”, cần phải ưu tiên lựa chọn những nhà tài trợ có kinh nghiệm, có uy tín và chuẩn mực hàng đầu thế giới.

Cần tính đến nguồn vốn trong nước để thúc đẩy tiến độ

Đưa ra đề xuất xử lý sự việc chậm tiến độ như trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, cùng với việc truy xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc chuẩn bị dự án và gói thầu để phát sinh kinh phí lớn, chậm tiến độ thì trước mắt phải giải pháp xử lý để làm sao công trình này không được hoàn thành theo lịch hẹn kỳ này, nhưng trong thời gian gần nhất cũng phải được đưa vào sử dụng.

"Không thể để tình trạng này kéo dài mãi, càng kéo dài thời gian xây dựng, chậm đưa công trình vào sử dụng càng gây thêm nhiều thiệt hại do một lượng vốn đầu tư lớn từ trước đến nay đã bỏ vào đó là phải trả lãi hàng năm mà không sử dụng, không mang ích lợi cho nền kinh tế.

Đặc biệt, công trình kéo dài chậm đưa vào sử dụng kéo theo nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị đình trệ và ách tắc, gây bức xúc và mất niềm tin của người dân vào một công trình đáng ra được người dân mong đợi.

Để xử lý được những ách tắc về vốn để đẩy nhanh tiến độ có nhiều việc phải thực hiện đồng thời, đánh giá lại xem trong tất cả các điều khoản của gói thầu đó, nhất là trong các khoản phát sinh nếu có khoản nào, phần nào, phát sinh đang đặt chúng ta vào tình thế bất lợi lớn, chúng ta phải lệ thuộc quá lớn vào nhà tài trợ vốn vay phát sinh và lệ thuộc vào phía nhà thầu, nhà cung cấp vốn, nhà thầu sẽ đưa chúng ta vào tình thế chạy theo vô điều kiện.

Trong tình thế này chúng ta phải thay cương quyết, mạnh dạn thay đổi quyết định, tự mình tìm hướng giải quyết khâu phát sinh này mà không cần đến nguồn vốn tài trợ bổ sung và nhà thầu của nhà tài trợ vốn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cat-linh-ha-dong-pha-san-chay-thu-dung-de-phu-thuoc-3343656/