Cắt giảm ngân sách của TP. Hồ Chí Minh phải được xem xét kỹ

Định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 vừa được báo cáo tại phiên họp Quốc hội có nội dung: Tỷ lệ ngân sách TP. Hồ Chí Minh được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020.

Tình hình kẹt xe tại TP. Hồ Chí Minh rất trầm trọng. Nguồn: Dân Trí

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cho biết, đó mới chỉ là dự kiến nêu trong Dự thảo Phương án phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2017. Ở đây, cần phải nhìn tổng thể, dài hạn mới thấy cái khó của TP. Hồ Chí Minh thời kỳ ổn định ngân sách trước đây thì tỷ lệ thu ngân sách để lại cho TP là 33%, vừa qua giảm còn 23% và bây giờ còn 18%, theo đề nghị mới nhất của Chính phủ.

Phát triển hạ tầng gặp khó khăn

Theo TS Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Đại học Fulbright, việc cắt giảm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại rất đáng lo ngại vì thời gian qua, với mức giữ lại hiện tại, TP. Hồ Chí Minh còn chưa thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nay giảm hơn thì rất khó cho TP.

Chia sẻ thêm về điều này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, nêu thực tế hạ tầng của TP. Hồ Chí Minh hiện đang quá bức bối, với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỉ đồng. Việc đầu tư này là không chỉ cho TP mà tác động đến vùng rất lớn. Khi Trung ương cắt giảm ngân sách thì TP cũng không thể giảm chi thường xuyên, vì thực tế TP đã giảm chi thường xuyên tối đa.

Vì thế theo bà Tâm, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội.

Tôi nghĩ là mỗi khi TP. Hồ Chí Minh có khó khăn thì Chính phủ vẫn luôn quan tâm, bàn bạc. Ở đây, việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại cho TP, tôi nghĩ là do Chính phủ cho rằng, TP. Hồ Chí Minh phải chia sẻ khó khăn chung của cả nước. Vấn đề là sự chia sẻ đó phải hợp lý. Và trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, Chính phủ cũng hướng tới các cơ chế mở cho TP, tạo dư địa cho TP phát triển nhưng có những đề nghị của TP thì Chính phủ vẫn xem xét. Chỉ có điều, việc cắt giảm này phải được xem xét kỹ”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Bà Tâm đề nghị, tỷ lệ ngân sách TP. Hồ Chí Minh được giữ lại chỉ nên giảm 2% (từ 23% xuống 21%.

Theo TS Vũ Đình Ánh, việc điều chỉnh tỉ lệ ngân sách Nhà nước được giữ lại ít nhất phải dựa trên hai căn cứ quan trọng: Một là quy định về phân cấp ngân sách Nhà nước, hai là kết quả phân tích cụ thể các nguồn thu, các nhiệm vụ chi ngân sách của TP. Hồ Chí Minh.

“Phải làm rõ tính chất các khoản thu trên địa bàn của TP. Hồ Chí Minh cũng như các khoản chi thì mới tính toán được. Về các khoản thu, cần xác định rõ đâu là khoản thu trực tiếp, gắn với kinh tế và nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh, đâu là khoản mà TP. Hồ Chí Minh chỉ là đại diện thu” - ông Ánh giải thích thêm

TS Trần Du Lịch cho rằng: Việc cắt giảm ngân sách lớn sẽ khiến TP. Hồ Chí Minh khó khăn trong thực hiện 7 chương trình đột phá, trong đó Chống ngập và giảm ùn tắc giao thông . Đây là hai vấn đề ảnh hưởng sát sườn đến đời sống của người dân, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh của TP. Với một đô thị có sức hút lớn và tiềm năng phát triển như TP. Hồ Chí Minh thì nên có những chính sách hợp lý để TP. Hồ Chí Minh tự túc phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm đời sống người dân.

Cân đối, điều chỉnh hình thức đầu tư dự án

Mới đây, làm việc với các sở, ngành liên quan, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu sớm đánh giá lại hiệu quả các dự án thuộc loại hình đầu tư đối tác công - tư (chẳng hạn như đầu tư theo phương thức BT) trên địa bàn TP lâu nay, đồng thời có sự tính toán hợp lý việc sử dụng nguồn vốn ngân sách theo khả năng được điều tiết ngân sách hàng năm.

Ông Tuyến khẳng định TP phấn đấu từ năm 2017 sẽ bắt tay ngay triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện 7 chương trình đột phá bởi tính ra thời gian chỉ còn 3 năm (7 chương trình đột phá triển khai trong giai đoạn 2016-2020). “Tôi đề nghị các sở ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các dự án để có thể chuyển đổi hình thức kêu gọi đầu tư phù hợp trong điều kiện ngân sách được điều tiết ngày càng giảm”, ông Tuyến đề nghị tại cuộc họp và cho biết mới đây, theo tính toán sơ bộ thì nguồn vốn chuẩn bị để thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá lên đến 1 triệu tỉ đồng (tương đương 43 tỉ đô la Mỹ).

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, báo cáo cụ thể nguồn vốn để thực hiện 7 chương trình đột phá theo hướng điều chỉnh, bổ sung, thay đổi hình thức đầu tư có sự tính toán hợp lý việc sử dụng nguồn vốn ngân sách theo khả năng được điều tiết ngân sách hàng năm, làm sao để một đồng vốn ngân sách bỏ ra huy động được 15 đồng vốn xã hội (lâu nay tỷ lệ này là 1/14), vì xét cho cùng nếu hiệu quả vốn mồi cao còn thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào chính sách của TP.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay tổng số vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020 dự ước lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng khả năng cân đối từ nguồn ngân sách chỉ được khoảng 60%.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị, trước tình hình ngân sách TP đang gặp khó khăn cần phải cân nhắc lại các dự án đầu tư theo hướng lựa chọn kỹ hình thức đầu tư, dự án nào Nhà nước làm được thì làm, dự án nào cần chuyển cho tư nhân thì chuyển theo hình thức xã hội hóa.

Ông Hoan cũng lo lắng thời gian tới nếu tỷ lệ điều tiết ngân sách bị cắt giảm, nguồn vay ODA được hưởng thời gian ngắn hơn với lãi suất cao hơn, cộng với nhiều yêu cầu dân sinh bức thiết cần triển khai thực hiện hơn, (như tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường) kết hợp với yêu cầu cho phát triển trong tương lai thì, quả thực thành phố đang đứng trước khó khăn.

“Do vậy, quan điểm của tôi là phải giảm tối đa chi ngân sách cho đầu tư, đồng thời phải bằng nhiều cách kêu gọi đầu tư từ xã hội. Thực tiễn này đòi hỏi kêu gọi đầu tư xã hội càng phải quyết liệt hơn. Cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục... Tôi đề nghị thành phố mạnh dạn lấy một hai dự án trường học, bệnh viện, cơ sở giáo dục thí điểm làm xã hội hóa, đi dần từ mức độ thấp đến mức độ cao trong quá trình tư nhân hóa (BOT, BT, cổ phần hóa…)”, ông Hoan nêu đề xuất

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thu ngân sách Trung ương gặp khó khăn, áp lực nợ công, chi thường xuyên lớn, các tỉnh, thành cũng cần chia sẻ với Trung ương. Đồng thời, việc cắt giảm ngân sách của TP. Hồ Chí Minh cũng có thể được xem là cơ hội để thành phố tính toán lại việc chi tiêu, cũng như có thêm cơ hội kêu gọi đầu tư từ bên ngoài.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã thông qua 7 chương trình đột phá thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, gồm: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chương trình giảm ô nhiễm môi trường; và chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Những chương trình nói trên liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh của người dân thành phố như ngập nước, kẹt xe, xâm nhập mặn, ô nhiễm không khí, nguồn nước và cả những chính sách tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Nghiêm Lan

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/cat-giam-ngan-sach-cua-tp-ho-chi-minh-phai-duoc-xem-xet-ky_t114c1068n111530