Cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh: 'Đây sẽ là áp lực cho ai đó còn chần chừ'

Trước đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là quyết định mới chưa từng có, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy "ai đó" còn chần chừ...

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM nói:

- Bộ Công thương chủ động đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là tín hiệu rất mới, chưa từng có. Trước đây, ngay cả đề xuất bãi bỏ một vài cái thì cũng phải thảo luận, rồi tạo áp lực rất lớn mới thuyết phục bãi bỏ được.

Tín hiệu đáng mừng này cho thấy cải cách đi từ chính tư duy của các bộ và khiến chúng ta nhìn ra con đường thấy được tăng trưởng sắp tới, khơi lại niềm tin của doanh nghiệp. Tôi khẳng định, đây là việc rất tích cực, mới mẻ cần được cổ vũ, nhân rộng.

Việc này cũng chưa dừng lại mà sẽ còn xem xét, tiếp tục tham vấn để còn những thứ gì chưa hợp lý, bất cập thì tiếp tục bãi bỏ, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp.

Đây cũng là tín hiệu cho thấy các bộ đã bắt đầu nhận thức được áp lực từ nội tại, thúc đẩy việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển.

Từ đó chúng ta huy động, khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế từ xã hội, trở thành động lực nội sinh. Đây chính là con đường thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà không phải trông chờ vào mở rộng tín dụng, tăng đầu tư ngân sách.

Kinh tế Việt Nam có lẽ không còn con đường nào khác ngoài cách thức này để phát triển một cách bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng đây mới chỉ là đề xuất, chúng ta chưa nên mừng vui quá sớm?

Đây là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng. Bước sau này chỉ là thủ tục, khi Bộ trưởng có quyết định ký một văn bản công bố thanh thiên bạch nhật như vậy thì các bước sau cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Mặc dù các điều kiện kinh doanh nằm tại nghị định, nhưng pháp luật cho phép chúng ta có thể ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi tất cả các nghị định có liên quan theo kiểu một luật sửa nhiều luật.

Các nghị định thay thế hoàn toàn có thể thực hiện bằng hình thức rút gọn, trong thời gian 3 tháng, từ khi có quyết định đến khi được thông qua. Nếu khẩn trương, có thể đến cuối năm nay chúng ta se có nghị định này.

Nếu thực sự làm khẩn trương, xây dựng dự thảo Nghị định cũng mất tầm khoảng 1 - 2 tuần. Bộ Công thương không có lý do gì mà tuyên bố như vậy rồi mà kéo dài dự thảo Nghị định cả.

Nội dung và mục đích cắt giảm điều kiện kinh doanh đưa ra cũng rất rõ ràng, được bàn thảo rất kỹ, không còn bàn cãi nhiều nên việc đưa ra nhiều ý kiến khác nhau là rất ít, do đó tính thực tế rất cao và có thể sẽ thông qua nhanh thôi.

Các điều kiện kinh doanh bấy lâu nay vẫn thường gắn lợi ích các bộ, quyết định liệu có vấp phải khó khăn gì không thưa ông?

Cải cách rõ ràng đòi hỏi phải vượt lên chính mình, vượt lên lợi ích cục bộ. Nếu cứ tư duy loanh quanh thì không thể làm tốt việc này. Thay đổi tư duy, thái độ thì mới có được quyết định cắt bỏ được. Đây có thể coi là tiền đề, tấm gương để ai đó noi theo, ai đó muốn làm và là áp lực cho ai đó con chần chừ.

Thưa ông, việc cắt giảm này cũng không khỏi khiến người ta lo lắng việc mọc giấy phép con, giấy phép cháu – vấn đề đã từng xảy ra trước đây?

Có “đẻ” ra nữa hay không là ở tư duy, nếu tư duy mang nặng tiền kiểm, sở hữu, kiểm soát và kìm nén, chỉ cho doanh nghiệp làm trong phạm vi quản được thì chắc chắn sẽ “đẻ” ra thêm thôi. Còn thay vào đó là tư duy điều tiết, thúc đẩy hỗ trợ, thay vì kiểm soát đầu vào thì tái mọc sẽ ít đi, thậm chí không còn.

Thay vì tư duy bắt doanh nghiệp làm trong những gì tôi quản lý được thì chúng ta hãy tìm cách quản lý chất lượng đầu ra của sản phẩm, dịch vụ thay vì quản lý siết chặt đầu vào. Phải xoá bỏ cơ chế tiền kiểm để chuyển sang hậu kiểm. Chỉ giữ lại ở một số ngành nghề ở mức độ nào đó như y tế, giáo dục, ngân hàng….

Mà muốn hậu kiểm tốt trước hết mình có phải hệ thông thông tin quản lý, trên cơ sở đó phần tích mức độ rủi ro. Một quá trình theo dõi thì thấy mức độ rủi ro phát sinh là rất ít thì không cần tập trung quá nhiều.

Hoặc là đối tượng doanh nghiệp mà trong 7-8 năm đều tuân thủ quy định luật pháp, chất lượng của họ k bị khiếu nại phản hồi thì chúng ta bớt thời gian chú ý đến họ đi. Thay vào đó tập trung vào những đối tượng dễ vi phạm có nhiều rủi ro.

Như giờ Formosa chạ hạn,  có nhiều bên giám sát, giảm sát 24/24, bao giờ chúng ta thấy mức độ tuân thủ tốt thì sẽ giảm dần mức độ giám sát. Lâu này chung ta tập trung quá nhiều vào tiền kiểm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải đến quỵ luỵ.

Còn nếu chuyển hậu kiểm thì mình phải chủ động, muốn kiểm tra mặt hàng nào đó thì chủ động ra thị trường lấy mẫu về kiểm tra, giám sát. Như vậy sẽ ít tiếp xúc với doanh nghiệp, lợi ích xin – cho bao lâu nay mới giảm đi được.

Chính điều này cũng tạo ra công bằng hơn. Ông nào không chịu tuân thủ quy định thì chi phí sẽ rất cao, ông nào chịu khó tuân thủ thi chi phí thấp hơn.

Xin cám ơn ông!

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/cat-bo-675-dieu-kien-kinh-doanh-day-se-la-ap-luc-cho-ai-do-con-chan-chu-3213358.html