CAR hệ thống ngân hàng không cải thiện trong năm 2016

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố với CAR 12,84%, gần như không có cải thiện trong năm qua.

Lợi nhuận công bố của các ngân hàng rất tích cực song tỷ lệ CAR gần như không cải thiện. Ảnh: Hồng Phúc

Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31-12-2016 cũng là thống kê chính thức và cập nhật nhất tới nay về hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết CAR ở thời điểm 31-12- 2016 là 12,84%.

Trong đó, nhóm có tỷ lệ CAR cao nhất là các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài, CAR thấp nhất là nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh với tỷ lệ 9,92%. Nhóm ngân hàng cổ phần có CAR 11,8%.

Cách tính CAR này vẫn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chưa theo các chuẩn của Basel 2 và thế giới.

CAR là tỷ lệ quan trọng phản ánh sức khỏe hệ thống ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung. Số liệu mới được công bố cho thấy CAR đã gần như không cải thiện trong suốt năm 2016. Bởi vì tỷ lệ này ở ngày 30-6-2016 là 12,65% và ngày 31-12-2015 là 13%.

Lưu ý diễn biến này xảy ra khi các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều công bố kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2016. Nhiều ngân hàng thương mại vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra theo kế hoạch.

Cũng theo nguồn dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, vốn tự có hệ thống đã tăng 10,66% trong năm 2016, tương đương 639.661 tỉ đồng.

Tổng tài sản có tỷ lệ tăng trưởng 16,18%, tương đương 8.503.571 tỉ đồng.

Vốn điều lệ hệ thống tăng rất chậm với tỷ lệ tăng 6,11% so với thời điểm cuối năm trước liền kề, tương đương 488.424 tỉ đồng. Tăng vốn đang là mối quan tâm và thách thức rất lớn của các ngân hàng thương mại hiện nay.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 34,51%. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh là 37,32% và nhóm ngân hàng cổ phần ở mức 39,93%.

Về ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu), theo nguồn số liệu dựa trên báo cáo tài chính quí 3-2016, ROA toàn hệ thống là 0,45% và ROE là 5,66%.

Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có ROA và ROE lần lượt là 0,26% và 3,49%. Nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh hiện có ROA 0,47% và ROE 8,24%. Tỷ lệ này cũng đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm.

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động hiện chỉ có số liệu đến hết tháng 11-2016, toàn hệ thống là 86,72%. Trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đứng ở mức rất cao 94,43% và nhóm ngân hàng cổ phần 79,37%.

Song cần lưu ý các con số trên chỉ là tương đối và không phản ánh đầy đủ về sức khỏe hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Bởi các thống kê này dựa trên báo cáo cân đối tài khoản kế toán, báo cáo thống kê tháng 12-2016 của các tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước song đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn tự có âm trong khi tính “vốn tự có”, “tỷ lệ CAR”.

Khối ngân hàng thương mại nhà nước ở đây bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu Khí Toàn Cầu, Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/157345/car-he-thong-ngan-hang-khong-cai-thien-trong-nam-2016.html/