Cấp thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp (Kỳ II)

Kỳ 2: Bỏ con dấu và công ty hợp danh?

(DĐDN) - Một số quy định trong pháp luật DN hiện hành đối với việc chuyển đổi hình thức công ty vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động và hội nhập của chính DN và các nhà đầu tư cũng như đến quyền lợi của bên thứ ba.

Con dấu của DN là "tài sản của DN", do đó, nó phải do DN quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý (ảnh: con dấu của một Cty Nhật Bản không theo quy chuẩn con dấu Việt Nam)

Luật DN 2005 cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp những chuyển biến và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đối với DN, thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc, vai trò, tiêu chuẩn của các cá nhân và tổ chức tham gia quản trị DN.

Quản lý con dấu thế nào?

Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi) đã đưa ra khá nhiều nội dung cần sửa đổi và bổ sung, trong đó, việc có đề xuất bỏ con dấu của DN. Đây là một trong những vấn đề đang có nhiều tranh cãi. Luật DN năm 2005 quy định: "1. DN có con dấu riêng. Con dấu của DN phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của DN. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ. 2. Con dấu là tài sản của DN. Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, DN có thể có con dấu thứ hai". Với quy định trên, từ hàng chục năm qua, phần lớn các DN đã quản lý, sử dụng con dấu đúng quy định của pháp luật, phục vụ cho quản lý, điều hành DN và sản xuất, kinh doanh.

Ý kiến đề nghị bỏ con dấu của DN xuất phát từ một số vụ việc tranh chấp căng thẳng trong nội bộ DN về việc quản lý và sử dụng con dấu, ví dụ vụ việc tại Cty cổ phần Đay Sài Gòn, Cty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội, Đại học Hùng Vương và Cty Cung ứng tàu biển Hải Phòng... Do một cá nhân chiếm giữ con dấu, DN bị tê liệt. Song, nếu cho rằng, những vụ việc tranh chấp như vậy là do con dấu gây ra thì thật oan cho con dấu. Xét về bản chất, đó là những tranh chấp về quyền lực và thể hiện qua việc tranh chấp quyền quản lý, sử dụng con dấu. Nếu không có con dấu, tranh chấp về quyền lực đó vẫn xẩy ra với những biểu hiện khác. Trong những trường hợp trên, con dấu không có lỗi mà chỉ bị lợi dụng khi có sự tranh giành quyền lực trong nội bộ DN.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước" (Điều 1, Nghị định 58/2001/NĐ-CP). Như vậy, với một DN, khi một văn bản được đóng con dấu của DN (và tất nhiên phải có cả chữ ký của người có thẩm quyền) thì văn bản đó là của DN. Nếu một văn bản chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền nhưng không được đóng con dấu của DN thì chưa đủ căn cứ để khẳng định đó là văn bản nhân danh DN. Sự phân biệt như vậy là rất cần thiết để đảm bảo sự minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho những cổ đông, thành viên góp vốn và đối tác trong thương mại, đầu tư của DN. Chẳng hạn, ông A, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Người đại diện theo pháp luật của Cty cổ phần X ký hợp đồng vay tiền của ông B, hợp đồng được đóng dấu Cty cổ phần X thì đó là Cty X vay và có nghĩa vụ trả nợ. Và tất nhiên để được đóng con dấu của Cty X vào hợp đồng vay, hợp đồng này đã phải trải qua một quy trình kiểm tra, rà soát của Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát của Cty X. Khi hợp đồng đó chỉ có chữ ký của ông A mà không được đóng con dấu của Cty X thì đó chỉ là giao dịch của ông A, không có cơ sở pháp lý để yêu cầu Cty X trả nợ. Với các hợp đồng mua, bán, hợp tác đầu tư, các quyết định bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người lao động....cũng tương tự như vậy. Rõ ràng, con dấu là công cụ quan trọng để phân biệt rõ, văn bản nào được ban hành, ký kết nhân danh DN và văn bản nào là của cá nhân. Nếu không còn con dấu, ranh giới giữa nhân danh DN và nhân danh cá nhân trong các giao dịch của người có thẩm quyền sẽ không còn. Khi đó, việc quản lý DN sẽ vô cùng rắc rối.

Tuy nhiên, điều bất hợp lý trong quy định về quản lý và sử dụng con dấu của DN là ở chỗ, quy định về quản lý con dấu của DN ở nước ta hiện nay được áp đặt hoàn toàn như việc quản lý con dấu của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội và công an (gọi chung là cơ quan Nhà nước). Con dấu của cơ quan Nhà nước thể hiện quyền lực của Nhà nước và phải được quản lý chặt chẽ. Song, con dấu của DN là "tài sản của DN", do đó, nó phải do DN quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý. Ngược lại, quy định của pháp luật lại quy định rất chi tiết từ hình thức, kích thước, nội dung của con dấu, màu mực dấu. Tên quận, (huyện), tỉnh mà DN đóng trụ sở cũng phải được ghi trên con dấu. Chỉ cần DN chuyển trụ sở sang quận (huyện) khác (đó là điều xảy ra rất phổ biến với các DN nhỏ và vừa) là đã phải thay con dấu. Điều đó gây tốn kém rất lớn cho cả DN và công tác quản lý của nhà nước. Vô lý hơn nữa, khi DN không may bị mất con dấu - tài sản của chính mình - lại bị phạt vi phạm hành chính rất nặng!

Chưa thể bỏ con dấu của DN trong giai đoạn hiện nay khi kinh tế thị trường mới phát triển ở giai đoạn đầu, chữ tín trong kinh doanh chưa được tôn trọng. Song, Nhà nước cũng cần trao lại quyền có con dấu và quản lý con dấu cho chủ sở hữu DN. Điều đó có nghĩa là, chỉ cần quy định trong Luật DN như sau: "DN có con dấu riêng và phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hình thức, kích thước, nội dung và nguyên tắc sử dụng con dấu do Điều lệ Cty quy định".

Có nên bỏ loại hình Cty hợp danh?

Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi) dự kiến sẽ bỏ loại hình Cty hợp danh vì loại hình Cty này có nhiều hạn chế. Câu hỏi đặt ra là, nên bỏ hay vẫn giữ quy định về Cty hợp danh trong Luật DN (sửa đổi) tới đây? Xin khẳng định ngay rằng, không nên bỏ loại hình Cty hợp danh trong Luật DN vì những lý do sau:

Thứ nhất, trên thực tế, dù không có nhiều Cty được thành lập theo hình thức Cty hợp danh nhưng vẫn có những Cty hợp danh trong lĩnh vực kiểm toán, khám chữa bệnh, tư vấn thiết kế...đang hoạt động có hiệu quả. Trong một số trường hợp, những người hành nghề độc lập lại rất cần hình thức hợp danh để hoàn toàn chủ động đối với hoạt động của mình. Chẳng hạn, ba bác sĩ, có thể thành lập một Cty hợp danh khám chữa bệnh và mỗi người mở một phòng khám riêng với danh nghĩa Cty.

Thứ hai, bất kỳ một loại hình DN nào cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc lựa chọn loại hình DN nào hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu hoạt động của những người góp vốn.

Luật DN hiện hành thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc, vai trò, tiêu chuẩn của các cá nhân và tổ chức tham gia quản trị DN.

Thứ ba, cho rằng vì có ít trong thực tế nên bỏ loại hình Cty hợp danh trong luật là không có sức thuyết phục. Ngược lại, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các DN phải đầy đủ để chế định hành vi khi phát sinh trong thực tế và vì vậy, Luật DN cần quy định nhiều loại hình doanh nghiêp khác nhau.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu để sửa đổi khung pháp lý cho loại hình Cty hợp danh. Điều 130 Luật DN năm 2005 quy định: 1. Cty hợp danh là DN, trong đó: a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của Cty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn; b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của Cty; c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Cty trong phạm vi số vốn đã góp vào Cty. 2. Cty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".

Quy định nêu trên đã tạo ra một DN "lưỡng cực". Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, còn các thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm hữu hạn, trong phạm vi số vốn đã góp vào Cty. Hơn nữa, tiết c, khoản 2 Điều 140 Luật DN năm 2005 lại quy định một hạn chế quan trọng với thành viên góp vốn như sau: b) Không được tham gia quản lý Cty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh Cty.

Với quy định nêu trên, rất ít nếu không nói là không hề có thành viên góp vốn trong Cty hợp danh. Bởi, khi góp vốn vào Cty hợp danh, người góp vốn sẽ chịu rủi ro cao hơn nhiều khi cho vay hoặc gửi tiền vào tiết kiệm. Hơn nữa, thành viên góp vốn không được quản lý Cty do đó họ sẽ chịu rủi ro rất lớn. Nếu các thành viên hợp danh hoạt động không có hiệu quả, người góp vốn chẳng những không thu được lãi mà có thể bị mất vốn góp mà không thể quy trách nhiệm cho ai.

Từ những phân tích trên, mặc dù không nên bỏ loại hình Cty hợp danh nhưng cần nghiên cứu, quy định lại, Cty hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và không có những thành viên góp vốn. Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.

Dự thảo Luật DN sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để đến tháng 3/2014, dự thảo sẽ được trình Chính phủ thẩm tra, cho ý kiến. Chính vì vậy, là tiếng nói của cộng đồng DN, doanh nhân, DĐDN rất mong nhận được phản hồi của doanh nhân, bạn đọc.

Luật gia Vũ Xuân Tiền
Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam
(Kỳ sau: Những vấn đề của Đại hội đồng cổ đông)

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/phap-luat/cap-thiet-sua-doi-luat-doanh-nghiep-ky-ii-20131227103118291.htm