Cập tập trồng mắc ca: Lo phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Mắc ca đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ bảo quản chế biến cao, trong khi bài toán cung-cầu chưa tính kỹ sẽ rơi bẫy 'được mùa mất giá'.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thận trọng đưa ra nhận định tại Hội thảo Định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, ngày 4/6.

90% mắc ca chưa tách vỏ bán cho Trung Quốc

Ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hội mắc ca Úc–nước xuất khẩu mắc ca lớn nhất trên thế giới phân tích tương lai lạc quan của cây mắc ca và cho rằng Việt Nam đã lựa chọn thời điểm phù hợp để bước chân vào ngành hàng hạt. Được xem là ngành hàng đang tăng trưởng rất mạnh và đang có mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục về giá.

Ông Burnett cho rằng, xu hướng tiêu dùng của người người dân với các loại hạt giàu dinh dưỡng ngày càng tăng. Hạt mắc ca đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung, và tồn kho mắc ca thế giới năm 2014 là không có.

Chất lượng mắc ca phụ thuộc hoàn toàn vào giống

Chất lượng mắc ca phụ thuộc hoàn toàn vào giống

Hiện nay, diện tích trồng mắc ca chủ yếu là Úc và châu Phi. Lượng mắc ca chưa tách vỏ tập trung lớn nhất ở châu Phi là 29%, ở Úc là 27%. Trang trại trồng mới chủ yếu ở Trung Quốc, Mexico và tới đây có thể là Việt Nam.

Đánh giá về thị trường tiêu thụ, vị chuyên gia nước ngoài cho biết: 70% lượng mắc ca tách vỏ (mắc ca nhân) được tiêu thụ ở 5 nước: Mỹ, Đức, Úc, Nhật, Brazil. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ mắc ca nguyên liệu lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc, chiếm tới 90% sản lượng mắc ca chưa tách vỏ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, diện tích trồng mắc ca tại Trung Quốc đang tăng nhanh.

Ông Burnett không tỏ ra lo lắng mà đưa ra khuyến cáo để tránh rủi ro, Việt Nam chỉ cần tránh lặp lại sai lầm của Trung Quốc, chạy theo diện tích, sản lượng mà không chú trọng về chất lượng.

Ông còn cho rằng, tiêu thụ mắc ca, chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu và nó phụ thuộc hoàn toàn vào giống đầu vào, không phải nhờ công nghệ chế biến.

Lý giải nguyên nhân vì sao cây mắc ca tiềm năng như vậy nhưng Úc lại không có ý mở rộng, ông Burnett cho biết, giá thuê đất ở Úc hiện nay quá đắt, 1000 đô la Úc/ha cộng thêm 30.000 đô la Úc để chăm sóc và sau 30 năm mới thu được lợi nhuận.

Cảnh báo nguy cơ mắc "bẫy giá rẻ"

Đứng trước triển vọng là thế nhưng Bộ NN&PTNT vẫn cẩn trọng và cho rằng phải tính toán kỹ.

Gọi cây mắc ca là cây nữ hoàng nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Hà Công Tuấn, nói thẳng là "nữ hoàng đỏng đảnh", không hề dễ trồng. Hơn nữa dù thị trường mắc ca hiện nay cung không đủ cầu song các quốc gia như Úc, Nam Phi, Trung Quốc đều có kế hoạch tăng mạnh nguồn cung lên gấp đôi từ nay đến năm 2020. Đáng lưu ý, 90% sản lượng mắc ca chưa tách vỏ lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vì thế ông Tuấn cho rằng thị trường tiêu thụ là bài toán phải cân nhắc kỹ.

Ông Tuấn cho biết, hơn 20 năm qua, Bộ NN&PTNT đã khảo nghiệm nhiều giống, đến năm 2014 mới công nhận 10 giống mắc ca. Có nhiều giống phù hợp với nước ngoài nhưng lại không thích hợp trồng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, mắc ca cũng đòi hỏi kỹ thuật bảo quản và chế biến cao.

Ông nêu ví dụ là Kenya có sản lượng mắc ca tương đương với Úc, song thu nhập từ mắc ca của quốc gia này chỉ bằng một nửa nước Úc.

“Phải tính toán được cung - cầu, tránh tình trạng đã lặp đi lặp lại với một số cây khác là được mùa mất giá, vì trên thế giới, nhiều nước đang phát triển nóng về mắc ca. Đặc biệt mắc ca là cây dài ngày, lại yêu cầu bảo quản , chế biến khó khăn hơn nhiều cây khác, vì vậy nếu không tính toán kỹ sẽ tạo hệ lụy lớn, lâu dài", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn kết luận, quy hoạch phải đạt được mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất, tránh thiệt hại tối thiểu cho người nông dân.

"Dù nghiên cứu quy hoạch 3 năm rồi nhưng hiện vẫn phải mời các chuyên gia quốc tế cho thêm ý kiến để xem xét lần cuối cùng. Dự kiến, ngay trong năm nay Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy hoạch phát triển mắc ca”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2020, lượng giống có chất lượng, có nguồn gốc, đã được công nhận giống chỉ đủ để sản xuất tối đa 10.000ha.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/cap-tap-trong-mac-ca-lo-phu-thuoc-thi-truong-trung-quoc-3271304/