Cấp cứu lấy sỏi thận và sỏi niệu quản cho bé gái 3 tuổi

Một bé gái 3 tuổi suy dinh dưỡng nhập viện trong tình trạng nôn ói, sốt cao, tiểu rắt… đã may mắn được các bác sĩ BV Sản Nhi Quảng Ninh cấp cứu khẩn lấy ra nhiều sỏi thận, viên lớn nhất có kích thước 2x2 cm…

Bệnh nhi là bé Sồng Thị M. (3 tuổi), nặng 8kg, dân tộc Mông, trú tại Bản Núi Hồng, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Bé nhập viện ngày 14/6/2017, tại Khoa Ngoại & Chuyên khoa- Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng nôn ói, sốt cao, tiểu rắt, suy dinh dưỡng, chậm phát triển tâm thần vận động...

Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bé bị thiếu máu, toan chuyển hóa, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn đường tiết niệu; Sỏi thận, sỏi niệu quản 2 bên, giãn đài bể thận 2 bên, giãn niệu quản 2 bên, bàng quang có sỏi...

Ca phẫu thuật cấp cứu lấy sỏi thận và sỏi niệu quản cho bé gái 3 tuổi.

Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sỏi đường tiết niệu, suy dinh dưỡng nặng, theo dõi toan hóa ống thận và chỉ định mổ cấp cứu lấy sỏi bể thận ngoài xoang cho trẻ.

Tiên lượng đây là ca mổ phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm trong cuộc mổ. Trong quá trình mổ, các bác sĩ tiến hành cắt cực dưới thận trái vào bể thận lấy sỏi lớn kích thước 2x2 cm và nhiều sỏi nhỏ. Sau đó đặt dẫn lưu niệu quản bể thận trái qua nhu mô thận trái và dẫn lưu hố thận trái. Đối với niệu quản phải ngoài phúc mạc, các bác sĩ tiến hành mở niệu quản phải đoạn sát bàng quang lấy sỏi kích thước 0.8x0.5cm cho bé. Trong quá trình mổ bé được truyền 1 đơn vị máu.

Duyên kỳ ngộ giữa vị lương y với thảo dược cai thuốc lá

Giải pháp nào cho bệnh phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới ?

Kíp phẫu thuật do BS. Nguyễn Quốc Hùng, BS. Bùi Hải Nam, BS. Phạm Văn Nam, BS. Lương Trung Kiên cùng các kỹ thuật viên gây mê tiến hành.

Sỏi được lấy ra từ thận của bệnh nhi 3 tuổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý trẻ có biểu hiện chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, tiểu nhiều, yếu chi, bụng chướng nên cho đến viện khám sớm. Nếu để muộn, sỏi có kích thước lớn làm biến đổi cấu trúc của thận, khiến thận giãn to sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Sỏi đường tiết niệu trẻ em tương đối hiếm gặp, thường do các nguyên nhân như di truyền, dị dạng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, do môi trường. Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như rối loạn chuyển hóa, đây là trường hợp hiếm gặp nghĩ nhiều do toan hóa ống thận…

Vào mùa nóng, nếu thấy trẻ tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sậm màu như nước trà đậm thì phải cho trẻ uống thêm nước đến khi thấy trẻ tiểu được nhiều nước và có màu vàng thật nhạt.

Đặc biệt, cha mẹ cần khuyến khích con vận động nhiều, ăn uống hợp lý hơn, hạn chế thức ăn nhanh, ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung thêm nước. Nên cho trẻ uống một ly nước đầy vào mỗi buổi sáng, khi vừa thức dậy, sẽ giúp cơ thể giải thoát được những cặn bã ra ngoài và bù nước cho cả ngày bận rộn với học tập, vui chơi...

Minh Trí

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cap-cuu-lay-soi-than-va-soi-nieu-quan-cho-be-gai-3-tuoi-n132864.html