Cấp cao Washington cọ xát trí lực Mỹ-Trung

Nguyễn Ngọc Trường

(Toquoc)-Chuyến thăm “làm quen” đã thành chuyến thăm “làm việc”, cọ xát trí lực giữa hai cường quốc, “thâm hụt lòng tin” vẫn khó lấp đầy.

Chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ trong các ngày 13-16/2 được dư luận Mỹ và cộng đồng thế giới quan tâm. Người ta muốn biết quan điểm và phong cách của nhân vật sắp trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, cũng như chiều hướng phát triển tương lai của quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh chính quyền Mỹ vừa công bố chiến lược an ninh quốc phòng mới, xem châu Á-Thái Bình Dương là trọng điểm can dự mới mà mục tiêu không ngoài việc cạnh tranh ảnh hưởng và kiềm chế Trung Quốc. Chuyến đi không thiếu sự bất ngờ. Đằng sau “ngoại giao nụ cười”là thái độ kiên quyết của cả hai phía và chuyến thăm “làm quen” đã thành chuyến thăm “làm việc” với sự cọ xát trí lực giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay.

Ông Tập Cận Bình thăm một trang trại người Mỹ tại Iowa: thực hiện ngoại giao tâm công

Với tư cách là người đứng đầu bộ máy quyền lực của Trung Quốc trong 10 năm tới, bằng phong cách ngoại giao cổ điển đặc trưng của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã “khái quát” một số phương châm, nguyên tắc xây dựng quan hệ Trung-Mỹ. Ông cho rằng “hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc là một tiến trình không thể dừng và không thể đảo ngược”; “Trung Quốc và Mỹ nên nỗ lực tạo ra một mối quan hệ theo kiểu mới của thế kỷ 21".Trong cuộc gặp các cựu quan chức cao cấp chính quyền Mỹ từng có đóng góp tích cực phát triển quan hệ Mỹ-Trung, ông TậpCận Bình nêu ra 4 nguyên tắc: Thứ nhất, phải lấy sử làm gương; thứ hai, phải nhìn xa trông rộng; thứ ba, phải tôn trọng và tin cậy lẫn nhau và thứ tư, phải cùng có lợi cùng thắng. Đối với giới lãnh đạo quân sự Mỹ, trong cuộc gặp tại Lầu Năm Góc, ông Tập Cận Bình nói rằng, hai nước cần ra sức xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, phát triển cùng có lợi cùng thắng, kiến tạo quan hệ giữa hai quân đội theo nguyên tắc “tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, ưu đãi lẫn nhau”.

Ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh “tránh áp đặt bảo hộ mậu dịch”, “tôn trọng lợi ích cốt lõi”. Phó Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi Washington không nên hỗ trợ các phong trào đòi độc lập tại Đài Loan và Tây Tạng, chỉ ra rằng Đài Loan là mối quan tâm sâu sắc nhất trong các thỏa thuận Trung-Mỹ. Hai bên cần phải “giải quyết các cọ xát thương mại bằng phương thức đối thoại và hợp tác chứ không phải phương thức chủ nghĩa bảo hộ”.

Người Mỹ có vẻ không quan tâm mấy đến các khái quát về phương châm, nguyên tắc xử thế quan hệ hai nước, mà chủ yếu đến các mối lợi thiết thực, phục vụ cho năm bầu cử. Cũng như Tổng thống Mỹ, các nghị sĩ Quốc hội trong buổi tiếp xúc tại Đồi Capital thẳng thắn phê phán chính sách nhân quyền, vấn đề Tây Tạng, vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ và “ngoại giao gây hấn” của Trung Quốc tại châu Á.

Ông Barack Obama rất cần những thỏa hiệp từ phía Trung Quốc giúp phục hồi kinh tế Mỹ và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Sự tín nhiệm của cử tri Mỹ đối với ông tăng lên nhờ thành tích kinh tế gần đây vẫn chưa có gì là chắc chắn, cần tiếp tục cải thiện cho đến tận cuộc bầu cử tháng 11. Các ứng cử viên đảng Cộng hòa, trong khi buộc phải nhìn nhận tính hợp lý trong các xử lý đối ngoại của chính quyền Dân chủ, với Trung Quốc và Iran, đang tập trung phê phán Tổng thống trong các vấn đề đối nội, nhất là kinh tế.

Lần này, chính quyền Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế với Trung Quốc. Chủ đề xuyên suốt là phía Trung Quốc cần tuân theo “luật lệ kinh tế”, “hợp với thông lệ quốc tế". Phó Tổng thống Biden nhận xét với người đồng cấp Trung Quốc: “Là người Mỹ, chúng tôi hoan nghênh cạnh tranh. Nhưng hợp tác, như ngài và tôi đề cập, chỉ có thể cùng có lợi khi luật chơi là công bằng”. Còn ông Obama nhấn mạnh Mỹ “muốn làm việc với Trung Quốc để bảo đảm rằng mọi người đều phải tuân thủ cùng những luật lệ như nhau trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Điều này bao gồm cả bảo đảm là mức giao thương phải cân bằng”... Mỹ hoan nghênh "sự trỗi dậy một cách hòa bình" của Trung Quốc như một cường quốc thế giới nhưng nó đồng thời cũng “gia tăng những trách nhiệm mà Trung Quốc cần phải gánh vác”. Đây rõ ràng là một chủ trương mới gây sức ép với Trung Quốc nhằm chống lại các biệt đại của nhà nước cho các doanh nghiệp Trung Quốc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ kiếm nhiều lời hơn trong làm ăn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đến cuối năm 2011 đã có hơn 60.000 công ty Mỹ đầu tư tại Trung Quốc với tổng vốn đầu tư là 67,6 tỷ USD và Mỹ trở thành một trong nước có FDI lớn nhất tại Trung Quốc. Ngày 15/2, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết, năm 2011 có 2/3 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc tăng doanh thu cao hơn mức trung bình toàn cầu của công ty mẹ. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho rằng, mặc dù đứng trước nhiều thách thức như kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhưng Trung Quốc vẫn là điểm sáng của doanh nghiệp Mỹ trên toàn cầu; nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã trực tiếp thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.

Để đối phó với việc Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu, phía Mỹ lần này đã đạt được thỏa thuận mở đối thoại bàn về việc đưa ra các hướng dẫn cho hoạt động tín dụng xuất khẩu. Hai bên nhất trí thành lập một nhóm công tác quốc tế về các đảm bảo các khoản vay được chính phủ ủng hộ "với mục tiêu đến năm 2014 sẽ ký được một thỏa thuận".

Ngày 13/2, ngay trước chuyến thăm, chính quyền Mỹ ban hành hai biện pháp liên quan tới Trung Quốc. Mỹ đơn giản hóa các thủ tục gia hạn visa cho người Trung Quốc thăm Mỹ. Với 130.000 du học sinh đại học tại Mỹ và 10 triệu trường hợp Trung Quốc xin visa vào Mỹ du lịch, thăm thân, mỗi năm người Trung Quốc đã mang lại cho Mỹ món lợi trị giá 10 tỉ USD. Nhưng, chính quyền lại cấp thêm kinh phí cho hải quan và cơ quan bảo vệ biên giới để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu lậu bản quyền; cử thêm nhân viên quản lý, tăng cường công tác kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm nhập khẩu.

Tại bang Iowa, nơi năm 1985 ông Tập Cận Bình từng dẫn đầu một đoàn cán bộ cấp tỉnh, đến thực tập nông nghiệp, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác bảo đảm an toàn thực phẩm vàmua 4 tỷ USD đậu tương trong năm 2012.

Hợp tác an ninh quốc phòng được đề cập chủ yếu trong cuộc thăm Lầu Năm Góc ngày 14/2. Ông Tập Cận Bình đề xuất giới quân sự hai nước thúc đẩy đối thoại các cấp, cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Chủ yếu là do giới quân sự Trung Quốc không mặn với các trao đổi cấp chiến thuật và về các vấn đề cụ thể.

Đúng ngày 14/2 diễn ra các đối thoại cấp cao tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã được mời đến điều trần tại Quốc hội Mỹ. Ông Panetta khẳng định Mỹ phải tiến hành đầu tư đáng kể vào vũ khí và công nghệ quân sự mới bởi các thế lực mới trỗi dậy đang “thử nghiệm các mối quan hệ và quy tắc quốc tế”; khẳng định Lầu Năm Góc đang “bảo vệ các năng lực cần thiết để thiết lập sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Cũng vào dịp này, báo chí thế giới loan tin đến năm 2015, Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi, đạt mức 238,2 tỷ USD, vượt toàn bộ ngân sách quốc phòng của 12 nước lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương gộp lại. Sự tăng vọt chi phí quốc phòng như vậy cho thấy giới quân sự dường như đã giành được phần bánh lớn trong cuộc mặc cả quyền lực đang đến hồi gay cấn trước thềm Đại hội 18.

Thăm Mỹ lần này, ông Tập Cận Bình có sứ mệnh đặt nền móng cho quan hệ hai nước 10 năm tới. Giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn có một thời kỳ hòa hoãn với Mỹ trong năm diễn ra đại hội ĐCSTQ-18 và chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc. Các thỏa hiệp kinh tế là đòn bẩy cho cho hòa hoãn ấy. Nhưng sứ mệnh khắc phục “thâm hụt niềm tin”, làm ấm lại quan hệ đã bị lạnh giá mấy năm gần đây chưa mấy tiến triển. Sau một tuần tiếp xúc, người Mỹ vẫn chưa hết mơ hồ trước câu hỏi “Tập Cận Bình là ai” và Trung Quốc vẫn không ngừng ám ảnh nước Mỹ./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/101865/cap-cao-washington-co-xat-tri-luc-my-trung.aspx