Cấp bách nhân lực biển

Thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển đang là một thách thức lớn khi chúng ta đang định hình chiến lược kinh tế biển theo tư duy mới, thực hiện tổng thể ở ba phương diện: khai thác vùng không gian biển, khai thác vùng bờ biển và phát triển các lĩnh vực hậu cần cho kinh tế biển và các khu vực kết nối.

Hiện cán bộ làm công tác về biển và hải đảo ở các Bộ, ngành khá đa dạng song chủ yếu làm chuyên môn sâu. Cán bộ quản lý biển đảo ở các Sở TN&MT hầu hết làm kiêm nhiệm. Rất thiếu cán bộ có chuyên môn quản lý Nhà nước tổng hợp thống nhất và biển đảo.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, ngành điều khiển tàu biển thuộc nhóm ngành Hàng hải, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM quảng cáo "học ngành điều khiển tàu biển, lương nghìn đô”. Tất nhiên ra trường phải làm việc trên tàu nên xa nhà và khá vất vả nhưng sau một thời gian đi biển có thể dễ dàng tìm được việc làm trên bờ tại các cảng biển, công ty bảo hiểm, công ty giám định hàng hải và các doanh nghiệp dịch vụ liên quan khác... Vẫn trường này cho biết, sinh viên năm thứ tư ngành Điều khiển tàu biển, Thiết kế thân tàu thủy, Kinh tế vận tải biển, Máy tàu biển đã được các công ty vận tải biển quốc tế đến tuyển dụng, ra trường cũng nhận mức lương rất cao, hơn 1.000 USD/tháng. Một số trường đào tạo ngành học này là ĐH Hàng Hải, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, ĐH Nha Trang... Trung tâm Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải (liên doanh giữa Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM và Tập đoàn Đào tạo vận tải biển và giao thông STC-Group Hà Lan), đã tìm nhiều học bổng và việc làm cho sinh viên các ngành đi biển.

Tuy nhiên nhìn tổng thể, hiện các trường ĐH, CĐ chưa có chuyên ngành đào tạo riêng về quản lý biển và vùng bờ. Thiếu phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp làm dịch vụ công về biển. Nhiều ngành đào tạo liên quan tới môi trường biển, hệ sinh thái, địa chất, địa vật lý, khoáng sản biển, luật biển chưa có chương trình riêng.

Việc đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực biển hiện còn quá ít, máy móc thiết bị còn lạc hậu, kỹ năng thực hành chưa nhiều. Dầu khí là một ngành kinh tế biển chủ lực nhưng cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân công có tay nghề cao và sức khỏe tốt. Du lịch biển tuy thu hút khoảng 80% số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhưng nhu cầu nhân sự giỏi, chuyên nghiệp trong ngành hết sức cấp bách. Việc đào tạo đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ cho dịch vụ công về công nghiệp đóng tàu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bảo vệ bờ biển, hải đảo cũng đang là một thách thức lớn cho cả ba nhà: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Nước ta biển rộng, bờ biển dài dọc theo gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước. Dọc bờ biển Việt Nam có 12 thành phố lớn, 100 cảng biển, hơn 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá. Kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp 48% GDP. Kinh tế thuần biển đóng góp 22% GDP, vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng biển đảo rất cấp bách. Các chuyên gia khuyến cáo cần đột phá về tư duy kinh tế để đánh giá một cách đầy đủ về các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn lực con người. Song với tình hình đầu tư và đào tạo nhân lực phục vụ kinh tế biển hiện nay, để có bước đột phá trong phát triển kinh tế biển là rất khó. Nếu không được báo động và hành động sớm, chỉ tiêu "kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước vào năm 2020” khó khả thi.

Thanh Như

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=49780&menu=1422&style=1