Cấp bách bảo tồn loài và sinh cảnh thông nước

Còn 162 cá thể và luôn bị săn lùng ráo riết, thông nước đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát triển loài và sinh cảnh thông nước đang là vấn đề hết sức cấp bách.

Nguy cơ tuyệt chủng cao

Thông nước còn có các tên gọi khác là: Thủy tùng (Việt Nam), water pine (Anh), shui song (Trung Quốc), thuộc loài cây lá kim, thân gỗ. Trước đây, thông nước được phân bố rộng rãi ở châu Âu và châu Á. Nhưng hiện nay, loài cây này chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và Trung Quốc, với những khu bảo tồn nhỏ, số lượng không đáng kể và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thông nước thường sinh trưởng ở vùng đất đầm lầy có độ cao 550-750m, thân to, cây trưởng thành cao hơn 20m, đường kính gốc có thể lên tới hơn 1m; gỗ có mùi thơm, vân đẹp và chịu nước nên thường được dùng để chế tác đồ mỹ nghệ, đóng thuyền và làm cầu. Vỏ, cành, lá thông nước chứa ta-nin, có thể chiết xuất làm thuốc giảm đau, săn da và chữa bệnh phong thấp. Thông nước có giá trị kinh tế và khoa học, đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thông nước được xếp vào nhóm nghiêm cấm chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại. Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thông nước là một trong những loài cây bị săn lùng ráo riết nhất ở cấp độ “rất nguy cấp”.

Cây thông nước được ghép trên rễ thở sinh trưởng khá tốt.

Hiện tại, ở nước ta, Đắc Lắc là tỉnh duy nhất còn lại hai quần thể thông nước, với tổng cộng 162 cây, phân bố trên diện tích 115,5ha. Kết quả điều tra mới đây của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc về thông nước cho thấy, tại thôn 4, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo còn 140 cây; tại thôn Trấp K’sơ, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng còn 21 cây và tại xã Cư Né, huyện Krông Búc còn 1 cây.

Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định, qua nghiên cứu cho thấy, thông nước hiện còn tại hai quần thể nhỏ ở Ea Ral và Trấp K’sơ, có mật độ 40-50 cây/1.000m2, nên không thể thụ phấn được, vì vậy hạt thông nước không thể nảy mầm để sinh trưởng thành cây con. Các quần thể thông nước đã và đang bị thoái hóa, với cây có niên đại cao nhất là 700 năm, và cây nhỏ nhất là 40 năm tuổi. Bên cạnh đó, ở cả hai quần thể thông nước Ea Ral và Trấp Ksơ, nếu công tác bảo vệ không tốt, để xảy ra tình trạng chặt phá thì thông nước bị tuyệt chủng là khó tránh khỏi.

Những biện pháp trước mắt và lâu dài

Trước nguy cơ tuyệt chủng cao của thông nước, tháng 8-2012, UBND tỉnh Đắc Lắc quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 161 cá thể thông nước tại hai quần thể thông nước ở Ea Ral và Trấp K’sơ. Riêng 1 cá thể thông nước tại xã Cư Né, huyện Krông Búc, được giao cho Hạt Kiểm lâm Krông Búc bảo vệ.

Ngày 15-6, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Xuân Phước, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước cho biết: Công tác bảo vệ 161 cá thể thông nước phân bố trên diện tích 115,5ha ở Ea Ral và Trấp K’sơ luôn gặp rất nhiều thách thức, vì vấn nạn “săn lùng” gỗ thủy tùng rất nóng. Nhiều người dân địa phương bị các đầu nậu lợi dụng, lôi kéo vào việc khai thác, săn lùng, tìm kiếm gỗ thông nước (cả cây sống và cây chết) tại các quần thể Ea Ral và Trấp K’sơ. Trong khi đó, theo quy hoạch khu bảo tồn có diện tích 115,5ha, gồm các phân khu chức năng 59,6ha và 55,9 ha vùng đệm, đến nay, diện tích 55,9ha thuộc vùng đệm vẫn là nương rẫy của bà con, chưa tiến hành thu hồi, đền bù, giải tỏa, dẫn tới công tác quản lý, bảo vệ các cá thể thông nước vô cùng khó khăn. Vì hằng ngày người dân vẫn vào canh tác sát bên phân khu quản lý nghiêm ngặt. Ngay cả nhà làm việc của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước cũng đang tận dụng lại trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng từ 20 năm trước, trên đất nương rẫy của người dân, gây nhiều trở ngại cho cán bộ, nhân viên đơn vị trong thực thi nhiệm vụ.

Để bảo vệ an toàn 161 cá thể thông nước, đồng chí Võ Thành Tám, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Ea Ral (Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước), khẳng định: Từ khi thành lập đến nay, với lực lượng 13 cán bộ, nhân viên, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước phải luân phiên cắt cử lực lượng bám rừng cả trong những ngày nghỉ; thậm chí dựng chòi canh từng gốc thông ở vị trí dễ bị lâm tặc tấn công.

Được biết, ngày 16-6-2014, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành Quyết định số 1283/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn loài và sinh cảnh thông nước đến năm 2020. Theo quyết định này, tổng mức đầu tư giai đoạn 2014-2020 là 75,819 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước 70 tỷ đồng, vốn khác 5,819 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến tháng 6-2017, ngoài nguồn ngân sách chi cho công tác bảo vệ rừng hằng năm, còn lại các nguồn đầu tư khác vẫn “nằm trên giấy”, khiến cho công tác đền bù, giải phóng vùng đệm, xây dựng cơ sở hạ tầng khu bảo tồn cũng như tổ chức nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, giáo dục môi trường,… vẫn chỉ là “kế hoạch”.

Về công tác nghiên cứu khoa học, nhân giống thông nước tại khu bảo tồn, trao đổi với đồng chí Trần Đức Trọng, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước, được biết, từ năm 2016, đơn vị trồng thử nghiệm 140 cây thông nước con tái sinh bằng phương pháp giâm hom của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Gia Lai, đến thời điểm này, tỷ lệ cây sống đạt 30%. Sau khi tiếp tục theo dõi, chăm sóc 260 cây thông nước ghép trên gốc cây bụt mọc thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thực tế cho thấy cây kém phát triển, một số cây đã bị chết. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước trực tiếp nghiên cứu và thực nghiệm thành công việc ghép chồi thông nước trên rễ thở của cây thông nước tại hai quần thể Ea Ral và Trấp K’sơ. Kết quả cho thấy 10 cây thông nước con phát triển tốt.

Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có biện pháp hỗ trợ tỉnh Đắc Lắc trong nghiên cứu, tìm ra phương pháp nhân giống, bảo tồn nguồn gen của loài cây quý hiếm này. Tỉnh Đắc Lắc cần khẩn trương thực thi Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 16-6-2014, trong đó tháo gỡ khó khăn về kinh phí nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát triển loài-sinh cảnh thông nước thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/cap-bach-bao-ton-loai-va-sinh-canh-thong-nuoc-510696