Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái: Đàm phán không chỉ định nhà thầu Trung Quốc

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc quyết định có vay của Trung Quốc trong dự án này hay không đang được cân nhắc và đàm phán lại theo hướng có lợi hơn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất xây dựng dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có tổng chiều dài 96 km, với số vốn vay gần 7.000 tỷ của ngân hàng Trung Quốc .

Liên quan đến việc vay vốn này, hiện các bộ vẫn đang có ý kiến trái chiều nhau. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (vay vốn với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để xác định điều kiện cụ thể của khoản vay theo hướng đề nghị phía Trung Quốc áp dụng điều kiện vay ưu đãi hơn.

Trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề này chiều 29/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục nhấn mạnh, việc quyết định có vay của Trung Quốc trong dự án này hay không đang được cân nhắc và đàm phán lại theo hướng có lợi hơn.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc, đảm bảo hài hòa lợi ích người đi vay và cho vay, qua đó giảm thiểu những điều kiện đi kèm và minh bạch, giảm chi phí không hợp lý.

“Cụ thể, phía Việt Nam đang cố gắng đàm phán để không có điều kiện đi kèm, chỉ định thầu là nhà thầu Trung Quốc. Cố gắng đấu thầu công khai sẽ tăng hiệu quả của dự án” , Bộ trưởng Dũng cho biết.

Trước những lo ngại về nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho một số dự án mà điển hình là đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Dũng cho rằng: Đó đúng là bài học để Chính phủ cân nhắc, tính toán chuyện có vay hay không.

“Còn hiện giờ đang để mở chưa quyết định, đang đàm phán tiếp điều kiện vay có thuận lợi hay không. Sau đó mới quyết định có đầu tư vào dự án này bằng nguồn vay ưu đãi từ Trung Quốc hay không”, ông Dũng cũng cho hay: Ngoài khoản vay của Trung Quốc đồng ý cho vay, chưa có nhà đầu tư nào tham gia.

Trả lời câu hỏi tại sao Chính phủ không tìm kiếm nguồn tiền nội địa với dự án này, ông Dũng nói: Vay vốn trong nước thì sẽ phải chịu chi phí vay cao, nên phải tính toán hài hòa giữa các dự án. Chi phí cao thì hiệu quả dự án sẽ thấp.

Cũng liên quan đến dự án này, mới đây, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Hiện nay, chúng ta có nhu cầu rất lớn trong việc đầu tư, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng ta lại không có nguồn vốn, tuy có một số nguồn vốn trong nước nhưng không đủ để phát triển cơ sở hạ tầng.

Như vậy, chúng ta có các khoản vay, các khoản viện trợ ODA của các nước cho chúng ta. Việc Trung Quốc hay nước nào đó có nguồn vốn ODA cho chúng ta, nếu như đáp ứng yêu cầu của chúng ta thì chúng ta sử dụng chứ không phân biệt nước này, nước kia.

Phó thủ tướng cũng khẳng định: Nguồn vốn vay ODA của nước nào cũng vậy, cũng kèm theo các điều kiện của các nước cho vay vốn ODA, không chỉ riêng Trung Quốc mà của các nước khác cũng vậy. Đều đưa ra điều kiện là vay ODA với lãi suất thấp hơn vay thương mại thì phải chấp nhận nhà thầu của bên cho vay tham gia, hoặc điều kiện sử dụng máy móc, công nghệ của họ.

“Với các điều kiện như vậy, chúng ta cũng xem xét, nếu vay mà vẫn có lợi thì chúng ta phải sử dụng nguồn lực đó thôi”, Phó thủ tướng nói.

QUANG SƠN - MẠNH NGUYỄN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/du-an/cao-toc-van-don-mong-cai-dam-phan-khong-chi-dinh-nha-thau-trung-quoc-1828175.html