Cao tốc HN - BG: Đường 'nửa nạc, nửa mỡ' vẫn... 'thu phí bất công'

Nhiều tài xế lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang bức xúc chia sẻ, tuyến đường này chưa đạt tiêu chuẩn của một đường cao tốc nhưng vẫn thu phí kiểu... "bất công".

Tuyến đường Hà Nội – Bắc Giang (do Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang làm chủ đầu tư) được cải tạo nâng cấp từ nền QL1A. Hiện, cao tốc này không có đường gom nên các loại xe phải di chuyển hỗn hợp. Tình trạng này làm cho tai nạn giao thông tăng cao, khiến nhiều tài xế bức xúc.

Theo cánh tài xế thường xuyên đi trên đường này, họ luôn luôn trong trạng thái lo lắng vì sợ xảy ra tai nạn giao thông.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Bức xúc khi phải né tránh xe máy, xe thô sơ đi vào làn đường dành cho ô tô, tài xế Vũ Đình T. (quê Nam định) cho hay: “Tôi lái xe tải nhiều năm, đã đi trên rất nhiều tuyến đường từ quốc lộ đến cao tốc, nhưng tôi chưa bao giờ thấy tuyến cao tốc nào hỗn loạn như cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Tôi thấy, dù được gọi là cao tốc nhưng thua xa nhiều tuyến đường quốc lộ khác mà tôi đã từng đi”.

“Các phương tiện đi hỗn hợp, xe máy và ô tô chạy đan xen khiến tài xế luôn căng như dây đàn. Chưa hết, trên tuyến đường này có rất nhiều điểm giao cắt, xe ôm, người dân, đứng tự tập bắt khách, đón xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Tôi thấy, đây chỉ là Quốc lộ cũ được nâng cấp, trải thêm thảm nhựa lên mặt đường mà cũng được gọi là cao tốc thì không chấp nhận được. Phương án tổ chức quản lý, phân luồng giao thông cũng rất lộn xộn”, tài xế T. phẫn nộ.

Tai nạn thường xuyên xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Cùng chung nỗi bức xúc như anh T., một tài xế xe container chia sẻ, tuyến Hà Nội – Bắc Giang là tuyến đường “nửa nạc, nửa mỡ”, chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt tốc độ cũng như thời gian lưu thông. Nếu gọi đây là đường cao tốc thì tất cả các loại xe thô sơ, xe máy, xe có tốc độ chậm không thể đi vào được, nhưng tuyến này thì giao thông rất lộn xộn. Tài xế này cho biết, nhiều khi đang lưu thông còn phải né tránh xe máy, xe thô sơ vì các loại xe này lạng lách, cắt ngang đường.

Thế nhưng, đó chưa phải điều bức xúc nhất. Theo tài xế này, với mức phí xe tải 18 tấn trở lên là 200.000 đồng/lượt, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp mất hàng triệu đồng tiền phí. Nhẩm tính, mỗi tháng, mất đến vài chục triệu chỉ để đóng phí đường. “Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”, tài xế này giãi bày.

Tài xế này cũng dẫn chứng, có doanh nghiệp chỉ nằm cách trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang khoảng 1 - 2km nhưng vẫn phải đóng phí như thường. Điều này là bất hợp lý. Bởi, cách thu phí trọn tuyến (gần 50km) như hiện nay đang tạo ra sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Một vụ tai nạn trên tuyến đường này khiến giao thông ùn tắc.

Được biết, từ khi cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đi vào hoạt động đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Điển hình, rạng sáng 15/7, xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến một tài xế tử vong kẹt cứng trong ca bin.

Thời điểm đó, 3 xe tải phanh gấp, dồn toa khiến tài xế chiếc xe tải cuối cùng tử vong, kẹt cứng trong ca bin. Lực lượng chức năng phải rất vất vả mới đưa được nạn nhân ra ngoài lúc hơn 8h sáng cùng ngày.

Vào khoảng 6h30 ngày 30/7, đang lưu thông trên cao tốc, một chiếc xe tải cũng bất ngờ tông vào xe ô tô 4 chỗ đoạn qua TP. Bắc Ninh. Cú va chạm khiến xe ô tô móp méo phần đầu, giao thông ùn ứ nghiêm trọng. Công an tỉnh Bắc Ninh phải rất vất vả để tiếp cận hiện trường và phân luồng giao thông.

Trước đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Ngọc Tuyển - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “Số vụ tai nạn tăng cao từ khi tuyến đường Hà Nội – Bắc Giang đi vào hoạt động là đúng. Theo đánh giá chung, tai nạn tăng cao là do xe đi hỗn hợp với tốc độ lưu thông 100km/h, rất phức tạp”.

Nói về tuyến đường Hà Nội – Bắc Giang chưa đủ điều kiện để trở thành cao tốc, ông Tuyển nhấn mạnh: “Tuyến đường này vẫn chưa phải là cao tốc, không thể gọi là cao tốc được vì các xe còn đi chung với nhau. Hơn nữa, thiếu đường gom dành cho xe máy, xe thô sơ, vận tốc có đoạn chỉ có 80km/h, giống như những quốc lộ thông thường khác.

Để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông tăng cao, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị. Đầu tiên phải tách xe máy, xe thô sơ ra khỏi làn ô tô, xe tải,… để khai thác theo đúng tiêu chuẩn”.

Liên quan đến việc kiểm soát dự án BOT, sáng nay 26/8, tại buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều dự án BOT, BT được quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, trong đó tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư/tổng vốn đầu tư thấp, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý.

Tại nhiều dự án, hồ sơ quản lý chất lượng còn nhiều thiếu sót, sơ sài, chất lượng thi công một số không đảm bảo chất, lượng, có hiện tượng xuống cấp hư hỏng... Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã đề nghị Chính phủ xem xét lại về việc nhà đầu tư hạ tầng giao thông có chi phí lớn nhưng vay lớn, trong khi vốn tự có nhỏ, lãi vay nặng khiến thời gian hoàn vốn dài, chi phí lớn.

Lãnh đạo KTNN khẳng định, dư luận cho rằng, tổng mức đầu tư các dự án BOT quá cao, hiện cơ quan kiểm toán đang thực hiện kiểm toán theo chỉ đạo. Kết quả sẽ được báo cáo và trình các cấp liên quan vào năm 2017.

Thế Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cao-toc-hn-bg-duong-nua-nac-nua-mo-van-thu-phi-bat-cong-a255889.html