Cảo thơm lần giở: Kazantzakis nghĩ gì?

Từ thời Cổ Đại, Hy Lạp đã là cái nôi của văn hóa phương Tây và đã để lại dấu ấn sâu đậm cho đến nay về mọi mặt, đặc biệt về triết học, văn học, nghệ thuật, khoa học...

Từ thời Cổ Đại, Hy Lạp đã là cái nôi của văn hóa phương Tây và đã để lại dấu ấn sâu đậm cho đến nay về mọi mặt, đặc biệt về triết học, văn học, nghệ thuật, khoa học...

Nhưng rồi lịch sử luôn luôn sang trang. Sau thời kỳ La Mã tiếp thu và phát triển văn hóa Hy Lạp, đến thời Trung cổ, chịu ảnh hưởng của Do Thái - Kitô giáo, thời kỳ Phục hưng với sự phát triển của Chủ nghĩa duy lý và khoa học dẫn đến thời kỳ hiện đại với Cách mạng Pháp 1789, Công nghiệp hóa... Đến nay, vào thời kỳ đương đại nguyên tử thì ảnh hưởng trực diện về văn hóa của nước Hy Lạp nhỏ bé với 10 triệu dân không còn như xưa.

Kazantzakis (1883-1957).

Nhưng Hy Lạp vẫn có những đại diện văn hóa có tầm cỡ thế giới, trong đó phải kể đến Kazantzakis (Ka-dan-da-kix, 1883-1957) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Hy Lạp nổi danh. Ông học luật và triết ở trong nước và ở Paris. Ông cố gắng tổng hợp nhiều hệ thống triết học từ Bergson, chủ nghĩa hiện sinh, Nietzsche đến Marx, đạo Phật, đạo Thiên Chúa. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông làm báo, có lúc kinh doanh. Từ 1919, ông hoạt động văn học, hiếu động, ham học hỏi, luôn luôn đi du lịch ở châu Âu, châu Á, đi cả Liên Xô. Đất nước được giải phóng khỏi ách phát xít (1944). Ông là một chính khách tiến bộ, đã từng làm quốc vụ khanh. Cuối đời, ông thường ở miền Nam nước Pháp, hoàn thành nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Do theo quan điểm tôn giáo tự do, ông bị rút phép thông công. Nhân vật của ông thường là những con người đảo quê hương Kreta cổ sơ, tình cảm sôi nổi, chống lại mọi sự áp bức. Những tác phẩm chính của ông: tiểu thuyết Alexi Zorba, Thử thách cuối cùng, Odyssia - thiên hùng ca 24 tập, gồm 33.333 câu thơ, về chuyện phiêu lưu của Odusseus. Ông tạo ra một huyền thoại mới, vừa là cổ Hy Lạp, vừa có giá trị phổ biến. Ông còn viết truyện du kích, luận văn triết học và dịch văn học.

Sau đây là một số tư duy của Kazantzakis:

Thượng đế mỗi lúc lại thay đổi bộ mặt khác đi. Sung sướng thay cho kẻ nào nhận được ra Thượng đế dưới những bộ mặt khác nhau.

Còn tôi cứ tưởng là mình chẳng cần gì cả, bỗng nhiên tôi cảm thấy mình cần tất cả mọi thứ.

Thơ là muối khiến cho cuộc đời khỏi ruỗng nát.

Những người thầy giỏi nhất là những người biết tự biến mình thành những chiếc cầu rồi mời các học trò đi qua cầu.

Nếu lòng người không tràn ngập tình yêu hay tức giận thì không thể làm gì được trên thế giới này.

Khổng Tử nói: “Có nhiều người tìm hạnh phúc cao hơn tầm cao con người. Lại có những người tìm ít hơn. Nhưng hạnh phúc hợp với tầm cao con người”. Đúng vậy. Vậy thì có bao nhiêu tầm cao con người thì có từng ấy loại hạnh phúc. Hỡi đồ đệ thân mến và cũng là sư phụ của ta, hạnh phúc của ta hôm nay thế nào: ta đo đi đo lại nó để biết tầm cao của ta là bao nhiêu. Vì như người đã biết, tầm cao mọi người không giống nhau.

Có ba loại tâm hồn, ba loại cầu nguyện:

1. Lạy Chúa, con là một cây cung trong tay Chúa, Chúa hãy “giương” con lên nếu không con sẽ thối rữa.

2. Chúa đừng “giương” con căng quá nếu không con sẽ bị gãy!

3. Xin chúa “giương” con hết sức mà nếu con có bị gãy thì cũng chẳng sao.

“Nếu đức tiên tri Mohamed của chúng tôi và chúa Jesu của các người”, vị chỉ huy Thổ Nhĩ Kỳ vuốt râu nói, “sau khi đã uống rượu raki và chạm cốc với nhau, như chúng ta đang làm thì cả hai vị có thể trở thành bạn bè thân thiết, cả hai vị sẽ không tìm cách móc mắt nhau. Nhưng khốn nỗi cả hai vị đều kiêng rượu và hai vị đã dìm thiên hạ vào biển máu”.

Mỗi dân tộc, mỗi thời thần thánh hóa chiếc mặt nạ của mình, nhưng vượt qua tất cả những cái mặt nạ, trong mọi thời và trong mọi dân tộc, người ta chỉ thấy vẫn một thần linh ấy.

“Tôi không mong đợi gì, tôi chẳng sợ gì, tôi hoàn toàn tự do” (lời khắc trên bia mộ của Kazantzakis).

Ân nhân lớn nhất của cuộc đời tôi là những chuyến đi du lịch và những giấc mơ.

Tất cả tâm hồn tôi đọng trong một tiếng kêu mà tác phẩm của tôi là tiếng vọng của tiếng kêu ấy.

Bình thản và trong sáng, tôi nhìn thế giới này và tự bảo: tất cả những gì mà tôi ngắm nhìn, mà tôi cảm nhận, mà tôi tận hưởng, mà tôi ngửi thấy, sờ thấy, tất cả những thứ đó chỉ là sự tưởng tượng của trí óc của tôi.

Tất cả chúng ta đều là anh em, tất cả đều chỉ là thịt cho giòi bọ.

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cao-thom-lan-gio-kazantzakis-nghi-gi-n123366.html