Cảo thơm lần giở: CLAUDEL nghĩ gì?

Claudel (Clô-đen, 1868 -1955) được coi là một nhà văn hóa lớn của Pháp ở thế kỷ 20. Ông là một nhà ngoại giao nhưng lại nổi tiếng vì là nhà thơ và nhà viết kịch Công giáo.

Năm 18 tuổi, một cuộc cách mạng nội tâm đã làm dịu những băn khoăn siêu hình vào tuổi thanh xuân của ông và vạch ra cho cả cuộc đời ông một lý tưởng và hướng đi Công giáo. Ông cống hiến những thì giờ rỗi ngoài công việc ngoại giao cho sự nghiệp thơ và sân khấu vĩ đại, được công chúng hết sức hoan nghênh vào cuối đời.

Nhà văn hóa Pháp Claudel (1868 -1955)

Claudel Paul là con một công chức. Ông học luật và chính trị, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, Mal-larmé, Wagner, Nietzche, nhất là Rimbaud và đạo Thiên Chúa. Ông đã trở về với đức tin một đêm Chúa giáng sinh; đạo Thiên Chúa sẽ là nền tảng tuyệt đại đa số tác phẩm của ông. Claudel mở đầu cuộc đời sáng tác bằng hai vở kịch: Đầu vàng (Tête d’or, 1890) và Thành phố (La ville, 1890). Những năm ở Viễn Đông (Trung Quốc, Nhật Bản), ông viết: Hiểu biết phương Đông (Connaisance de L’Est, 1895-1909); Nghệ thuật thơ ca (Art poétique, 1904); Năm bài đoản thi lớn (Cinq grandes Odes, 1908). Sau đó, ông tiếp tục làm lãnh sự ở nhiều nước châu Âu và đồng thời sáng tác kịch: Con tin (L’Otage, 1909); Báo cho Ma-ri (L’Annonce faite à Marie, 1912); Người bố bị nhục (Le Père humilíe, 1916); Chiếc giày sa-tanh (Le soulier de satin, 1924)... Kịch của ông là thơ, viết ra không cốt để diễn, phần nhiều các vở chỉ được diễn vào mấy chục năm sau khi viết. Kịch của ông đối lập với kịch tự nhiên chủ nghĩa, xây dựng trên thái độ thụ động của người xem. Theo quan niệm của ông, nhân loại có hai loại người: những người “trần tục” chỉ ham mê xác thịt, vật chất, ích kỷ, lo âu, vì không có Chúa; những người “nước Chúa” đau khổ vươn lên chân lý. Sân khấu phải là một bản hợp tấu vĩ đại của vũ trụ thống nhất, do đó không hạn chế trong không gian và thời gian, không tự bó trong một ước lệ nào của sân khấu cổ điển. Claudel vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1946. Bi quan với cuộc sống xã hội tư sản, ông tìm thoát ly trong đức tin Chúa. Ông ca ngợi hai thế lực: Nhà thờ và nhà vua.

Sau đây là một số suy nghĩ của Claudel:

Đúng vậy, sống quả thực là điều lạ lùng! Con người sống và đặt hai chân lên mặt đất thì sao lại muốn được y như các thần linh.

Lời nói chẳng qua chỉ là một tiếng động, còn sách vở chẳng qua chỉ là giấy.

Chữ viết có điều bí hiểm là nó lại nói được ra lời.

Sau khi tôi chết, người ta sẽ không làm cho tôi đau khổ.

Con người biết được thế giới không phải vì những gì lấy được của thế giới, mà bởi những gì con người đem lại cho thế giới.

Bài thơ không phải làm bằng những chữ, mà là tôi đóng những cái đinh vào tấm ván màu trắng.

Hỡi chúa trời, con tự do, xin chúa trời hãy tháo cho con thoát ra cái tự do ấy.

Những chữ mà tôi dùng đều là những chữ thường dùng hàng ngày, vậy mà không phải là những chữ ấy.

Những nhà văn lớn sinh ra không phải để chịu luật pháp của những nhà làm văn phạm, nhưng để bắt họ theo luật pháp của mình.

Trật tự là sự vui thích của lý tính, nhưng sự mất trật tự lại là cái vui thú của óc tưởng tượng.

Sự tái sinh của chúng ta không phải hoàn toàn ở trong tương lai, nó cũng ở trong bản thân chúng ta, nó bắt đầu, nó đã bắt đầu.

Không phải là chúng ta thiếu thời gian mà thực ra thì thời gian thiếu chúng ta.

Đó cũng là một điều tốt đẹp, xứng đáng cả đối với thượng đế; một trái tim luôn lấp đầy tình cảm, không để hở chỗ nào.

Sự đau khổ có sức mạnh vô cùng khi nó tự nguyện cũng y như tội lỗi.

Tôi không còn gì để tìm kiếm trên trời nữa, cùng với kẻ vô đạo và người điên. Đối với tôi, vị thần bị đóng 4 chiếc đinh đã là đủ rồi.

Không phải là tinh thần ở thể xác, mà chính tinh thần mới chứa đựng thể xác, và bao trùm nó trong suốt cuộc đời.

Ở nơi mà có ít đoàn kết nhất, ít yêu thương nhất, ít nhà thờ nhất, ở nơi đó cũng ít sự cứu vớt nhất.

Chiến tranh đã dạy chúng ta biết yêu cái không thuộc về chúng ta và coi thường cái mà chúng ta có.

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cao-thom-lan-gio-claudel-nghi-gi-n136259.html