Cao hơn cả lợi nhuận

Lợi nhuận là mục đích của bất cứ ngành kinh doanh nào. Song, ở khắp nơi trên thế giới, đã từ lâu, việc bảo vệ sát sao quyền lợi cho người tiêu dùng còn là tiêu chí bắt buộc của những xã hội phát triển.

1. Ngày 3-6-2004, một bồi thẩm đoàn ở hạt Xan Đi-ê-gô (San Diego, Mỹ) đã ra phán quyết buộc một hãng xe hơi bồi thường và nộp phạt gần 370 triệu USD. Số tiền kỷ lục này bao gồm 246 triệu USD tiền phạt và 122,6 triệu USD tiền bồi thường cho một phụ nữ bị tai nạn, khi lái chiếc xe với lỗi kỹ thuật do hãng xe ấy sản xuất.

Có rất nhiều bộ luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Mỹ, cùng với đó cũng là những chế tài vô cùng nghiêm ngặt trong việc xử lý sai phạm của nhà sản xuất. Theo Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm, các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ phải có trách nhiệm đối với thiệt hại do những sản phẩm khuyết tật gây ra cho người sử dụng, hoặc những người ở gần sản phẩm đó.

Ở châu Á, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của một số nước cũng đã tiếp cận tương đối sát với quy định của các nước phát triển. Thí dụ, pháp luật của Thái-lan (Thailand) quy định tương đối chi tiết và đặc biệt: Không sử dụng khái niệm “sản phẩm khuyết tật” mà dùng khái niệm “sản phẩm không an toàn”. Hơn nữa, Thái-lan đánh giá thiệt hại của người tiêu dùng mở rộng đến cả những ảnh hưởng về mặt tinh thần. Trong khi đó, Phi-li-pin (Philipines) không chỉ luật hóa các nguyên lý về trách nhiệm sản phẩm, mà còn mở rộng chúng sang cả các sản phẩm dịch vụ - vấn đề mà các quốc gia phát triển như Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

2. Đi cùng với hệ thống quy định pháp luật, hiệp hội người tiêu dùng đóng vai trò như một tổ chức bảo vệ mẫn cán, liên tục vận động chính sách cũng như tích cực tham gia vào những dự án luật có ảnh hưởng sâu sắc tới lợi ích của người tiêu dùng. Không chỉ vậy, họ đích thân kiểm tra từng sản phẩm, dịch vụ, đưa ra các đánh giá và so sánh độc lập cũng như những thông tin hữu ích liên quan đến mỗi nhà sản xuất, phân phối. Khi phát hiện ra nguy cơ gây hại, họ lập tức lên tiếng cảnh báo hay thậm chí khởi kiện công ty vi phạm lên chính quyền.

Các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở nhiều nước phát triển là những tổ chức vô cùng quyền lực. Chỉ cần một cuộc vận động tẩy chay, một vụ siêu khiếu nại về bất kỳ một sản phẩm hay dịch vụ nào chống lại lợi ích của người tiêu dùng đều có thể làm tổn hại nặng nề, thậm chí dẫn tới phá sản cả một tập đoàn lớn. Mới đây nhất, gã khổng lồ ngành điện tử Hàn Quốc - Samsung đã buộc phải chính thức khai tử điện thoại Galaxy Note 7 trên toàn cầu sau rất nhiều sự cố bốc cháy và phát nổ của sản phẩm này.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) cũng là một trong những tổ chức tiêu biểu trên thế giới. Đây là nơi hoạt động của 23 chuyên gia hàng đầu được đề cử bởi các tổ chức người tiêu dùng trên toàn quốc, và một ủy ban cố vấn chuyên gia gồm 138 thành viên liên quan đến 33 lĩnh vực khác nhau. KCA cũng chỉ định 30 luật sư chuyên biệt với mục tiêu tư vấn pháp lý và hỗ trợ khởi kiện cho người tiêu dùng. Hơn thế nữa, người dân hoàn toàn không phải lo lắng về chi phí của các vụ kiện, và chỉ khi thắng kiện mới phải trả một phần cho lệ phí luật sư.

Giống như KCA và nhiều tổ chức quốc tế khác, Liên đoàn người tiêu dùng California (CFC) là nơi vận động cho Luật tiểu bang California nói riêng và Luật liên bang Mỹ nói chung, đặt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên trước lợi nhuận của các doanh nghiệp. Mỗi năm, CFC làm chứng trước cơ quan lập pháp California trong hàng chục dự án luật có ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng. Ngoài ra, CFC luôn là tổ chức xuất hiện đầu tiên trong việc hỗ trợ các quy định của người tiêu dùng.

3. Các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trên toàn cầu hoạt động với kinh phí lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Đơn cử, 126 triệu USD là con số mà ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) công bố tổng tất cả các quỹ hoạt động trong báo cáo tài chính năm 2015. Đây mới chỉ là số liệu của một Ủy ban trong danh sách khoảng hơn mười tổ chức phi lợi nhuận của Hiệp hội người tiêu dùng Mỹ.

Nguồn kinh phí khổng lồ này đến từ đâu? Trang web chính thức của Liên đoàn người tiêu dùng California (CFC) đưa ra câu trả lời: “CFC chấp nhận tiến hành những cuộc chiến đấu khó khăn chống lại một số lợi ích đặc biệt của những người giàu có nhất nước Mỹ. Nhưng để làm được điều đó một cách hiệu quả, chúng tôi cần lòng hảo tâm của cộng đồng, để bảo đảm tiếng nói của nhân dân được chú ý lắng nghe”.

Thật vậy, ý thức rõ ràng ở mỗi người về quyền lợi của bản thân mình là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng hiểu rằng: Hoạt động của hiệp hội không những không cản trở “chuyện làm ăn”, mà còn bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, công bằng và minh bạch cho chính họ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/31170202-cao-hon-ca-loi-nhuan.html