Cao điểm chống buôn lậu dịp cuối năm

GD&TĐ - Đến hết tháng 10, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 172.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015; truy thu 13.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Đây là những số liệu được đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến: “Chống buôn lậu - giải pháp trong những tháng cuối năm” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia - cho biết: Hoạt động buôn lậu diễn ra hết sức phức tạp trên toàn tuyến biên giới Bắc – Trung - Nam. Biên giới phía Bắc nổi lên các mặt hàng ma túy, hàng điện tử...; phía Nam nổi lên các mặt hàng thuốc lá; đường; động vật hoang dã...

10 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 172.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015; truy thu 13.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Kết quả này thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của các lực lượng, các bộ, ngành, các địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường; đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp, trong đó có mặt hàng thuốc lá lậu.

Các lực lượng chức năng đã thực hiện đấu tranh chung đạt hiệu quả. Riêng lực lượng Công an, mỗi năm phát hiện bắt 4.000 vụ buôn lậu thuốc lá, thu giữ 9 triệu bao thuốc lá. Hoạt động này diễn ra trên cả 3 tuyến gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang...

Buôn lậu thuốc lá hình thành đường dây từ nước ngoài vào Việt Nam có sự móc nối với các đối tượng từ trong nước. Lợi dụng địa hình vùng biên có nhiều sông ngòi, đường mòn, lối mở… thuốc lá lậu được tập kết bên kia biên giới, sau đó vận chuyển nhỏ lẻ về Việt Nam, rồi về các trung tâm lớn, đặc biệt là phía Nam có địa bàn TPHCM và phía Bắc có địa bàn Hà Nội... Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng để cướp lại hàng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) - cho rằng: Lực lượng Biên phòng thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Trên các tuyến biên giới, lực lượng Biên phòng tăng cường phối hợp với các lực lượng: Hải quan, Công an nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, cũng như tham mưu cho chính quyền địa phương, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu.

Kết quả, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ giảm, những số lượng tang vật tăng. Nhiều chủ hàng lớn đã bị bắt giữ, thu giữ số lượng tang vật lên đến hàng chục nghìn bao thuốc lá.

Nhà nước thất thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm

Có thể nói buôn lậu, hàng giả đang là một trong những vấn đề tồn tại nhức nhối, gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống KT - XH của đất nước.

Đài THVN có riêng chuyên mục Chống buôn lậu hàng giả phát sóng hàng ngày. Trong các mặt hàng buôn lậu thì thuốc lá có sức hấp dẫn nhất do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, mức chênh lệch cao (gấp 4,5 lần). Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.

Theo thống kê, thuốc lá lậu hiện đang gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách Nhà nước. Năm 2012, thất thu thuế vào khoảng 6.500 tỷ đồng và đã tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây. Chưa kể dẫn tới mất việc làm cho rất nhiều người nông dân trồng thuốc lá và công nhân.

Thêm vào đó, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được về chất lượng. Các kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhiều lần đưa tin về việc phát hiện các chất độc hại như coumarin, cadmium vượt quá mức cho phép trong thuốc lá nhập lậu, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.

Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Thuốc lá đã luôn tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu. Nhất là sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 2371 QĐ-TTG ngày 26/12/2014 tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Hiệp hội cũng đã huy động gần 34 tỷ đồng chuyển cho các lực lượng trực tiếp bắt giữ và BCĐ 389 địa phương.

“Năm 2015, việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng làm giảm thuốc lá nhập lậu 30% so với năm 2014, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước gần 10.000 tỷ đồng.

10 tháng của năm 2016, Hiệp hội này đã hỗ trợ tiêu hủy trên 16 tỷ đồng. Đặc biệt, từ 1/1/2017 tới đây Hiệp hội này sẽ nâng mức hỗ trợ tiêu hủy lên 4.500 đồng/bao” – Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, chia sẻ.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Bằng các biện pháp đấu tranh quyết liệt, các lực lượng chống buôn lậu như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường... đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị cao liên quan đến các mặt hàng như: Rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, thực phẩm, hàng may mặc, thuốc lá...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cao-diem-chong-buon-lau-dip-cuoi-nam-2568586-b.html