Cao Bằng: Hơn 50% kênh mương dẫn nước bằng bờ đất

Tỉnh Cao Bằng có 4.200 km kênh mương các loại, nhưng chỉ có 1.745 km mương được kiên cố hóa, còn 2.455 km kênh mương được nạo vét, đắp bằng đất nên sức dẫn nước rất kém, hiệu quả dùng nước thấp.

Mặc dù được xây dựng kiên cố, nhưng nhiều kênh mương dẫn nước ở Cao Bằng vẫn luôn bị thiếu nước mỗi khi bước vào vụ đông

Đặc biệt có hơn 50% số kênh mương kiên cố hóa của tỉnh đã được đầu tư lâu năm, quá trình sử dụng cùng với mưa lũ khiến kênh dẫn nước cũng xuống cấp, hạn chế sức tưới.

Chính vì thế, hệ thống kênh mương của Cao Bằng mới đáp ứng tưới được 3.137 ha lúa đông xuân và 19.094 ha lúa mùa, còn 5.750 ha hoa màu và cây công nghiệp khác chỉ được hưởng lợi nước dư thừa của kênh dẫn vào mùa mưa.

Là tỉnh vùng cao, có địa hình hiểm trở với nhiều núi cao, vực sâu, diện tích đất nông nghiệp thường nhỏ, manh mún dọc theo thung lũng hoặc những thửa ruộng bậc thang bám theo sườn núi, nên rất khó khăn trong việc duy trì nước đều, đủ cho việc trồng lúa.

Để tăng cường sức tưới cho lúa, rau màu và cây công nghiệp, tỉnh quyết định đầu tư chương trình kiên cố hóa kênh mương, công trình thủy lợi. Qua đó, huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kênh mương lớn tại các vùng lúa trọng điểm như Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh… giúp cho 190/199 xã có công trình kênh mương dẫn nước cấp xã quản lý.

Theo ông Hứa Văn Kiền, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng thì các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp chỉ khai thác được tối đa từ 60 đến 70% năng lực thiết kế, một số công trình thấp hơn. Hầu hết các công trình dùng lâu năm lại chưa được sửa chữa nên xuống cấp và rò rỉ nước, nhiều công trình còn xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng vì thiếu vốn sửa chữa thường xuyên, nhiều kênh mương nhỏ, có sức tưới dưới 5ha do ban quản lý thủy nông cấp xã quản lý, đành phải vận hành kiểu chắp vá mỗi khi vào mùa vụ như công trình thủy lợi Mương Tây, xã Đại Tiến huyện Hòa An; kênh mương hồ Bản Nưa, xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng...

Từ chỗ thiếu kinh phí đầu tư xây dựng mới kênh mương dẫn nước, nên Cao Bằng vẫn được xếp là địa phương có nhiều kênh mương dẫn nước bằng bờ đất truyền thống. Các mương đất chỉ dẫn nước vào ruộng thuận tiện trong mùa mưa, đến mùa khô dòng chảy từ các khe núi kém, độ thẩm thấu của bờ đất cao, dẫn đến nhiều thửa ruộng luôn khô cạn và khó khăn trồng cấy vào mùa đông, ảnh hưởng đến việc tăng vụ và tăng năng suất cây trồng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cao-bang-hon-50-kenh-muong-dan-nuoc-bang-bo-dat-post179715.html