Cạnh tranh sòng phẳng

Câu chuyện Tập đoàn điện lực VN (EVN) muốn giảm mua 2 triệu tấn than của Tập đoàn than - khoáng sản VN (Vinacomin) trở thành tâm điểm trong buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng, do Bộ trưởng,Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, với lãnh đạo Tập đoàn Vinacomin ngày 19.6.

Đại diện ngành than nói rằng việc ngành điện giảm mua đến 2 triệu tấn từ nay đến cuối năm sẽ khiến tồn kho của Tập đoàn than tăng cao, trong bối cảnh mà "năng lực sản xuất không có vấn đề gì nhưng tiêu thụ là bài toán khó". Thậm chí, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Vinacomin còn đem 4.000 lao động ra làm khó khi nói rằng họ có nguy cơ mất việc nếu 2 triệu tấn than này không bán được cho EVN trong năm 2017.

Tuy vậy, ngay trong buổi làm việc, nhiều ý kiến của các bộ ngành trong đó có cả lãnh đạo Bộ Tài chính, Công thương đã không đồng tình với việc ngành than muốn gây sức ép để buộc EVN phải tiêu thụ hết lượng hàng kể trên. Hai vị thứ trưởng của hai bộ này đều cho rằng phải thuận mua vừa bán, cạnh tranh theo quy luật thị trường là vấn đề quan trọng nhất.

Đặt câu hỏi rằng, nếu một khi giá tốt, chất lượng đảm bảo, thì chắc rằng không chỉ EVN mà hơn 10 nhà đầu tư BOT các dự án nhiệt điện trong nước cũng không lý gì phải lặn lội ra thế giới tìm mua than mà lại quay lưng với “người nhà” Vinacomin? Hơn nữa, giữa cái thời buổi cạnh tranh chi phí trở nên yếu tố sống còn với doanh nghiệp, tiết kiệm được một đồng cũng quý thì hà cớ gì một khi Vinacomin có giá tốt, hàng ngon sao lại tồn đến hơn 10 triệu tấn than trong năm 2016 trong bối cảnh các hộ tiêu thụ trong nước như điện, xi măng cũng đi nhập khẩu vừa tròn con số ấy.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia hàng đầu về than và từng là người của ngành than thì vấn đề mấu chốt là phải làm rõ xem lượng than tồn kho hay than Vinacomin muốn EVN mua là than gì, chất lượng ra sao, có phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư không. "Rất khó tin nếu lãnh đạo Vinacomin bảo chất lượng tốt giá cạnh tranh mà không bán được. Tôi được biết, chất lượng than khi khai thác lên thì không giảm so với trước đây nhưng do quản lý không tốt, do trộm cắp nên than khi xuất bán chất lượng có thể không còn như nó vốn có", ông Sơn nói.

Trong khi đó, từ góc nhìn kỹ thuật, PGS Lương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, tác giả chính của đề tài khoa học phối trộn than cho các nhà máy điện nội địa thì khẳng định chất lượng than của Vinacomin rất không tốt cho nhà máy nhiệt điện vì rất khó cháy, hiệu quả sử dụng kém. Đó là chưa kể, nhiều nhà máy như Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng thuộc Tập đoàn EVN... được thiết kế từ đầu dùng than nhập khẩu vì than trong nước không đáp ứng được nên rất hạn chế việc mua than nội địa.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, việc dùng than nào thì phải để chủ đầu tư quyết định, cân đối trên cơ sở thiết kế và hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của dự án. Nếu dùng than không đúng chủng loại, động cơ, thiết bị nhà máy sẽ không được vận hành với hiệu suất cao mà còn có thể gặp sự cố, hỏng hóc. Vậy nên, có lẽ ngành than phải soi lại mình trước khi cậy nhờ đến các cơ quan quản lý can thiệp mà quên mất nguyên tắc cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường.

Chí Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/chao-buoi-sang/canh-tranh-song-phang-847811.html