Cảnh tĩnh lặng trong 'thành phố ma' ở Trung Quốc

Những công trình kỳ vĩ với dân cư thưa thớt đã tạo nên cho quận Kangbashi ở khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc dáng vẻ có một không hai.

Đầu những năm 2000, chính phủ Trung Quốc đầu tư cho quận Kangbashi thuộc thành phố Ordos tới 1 tỷ USD với tham vọng thu hút 1 triệu dân đến đây sinh sống, theo CNN. Sau hơn 10 năm, Kangbashi hiện chỉ có 100.000 dân, những tòa nhà khổng lồ do các kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế nằm trơ trọi bên những con đường vắng tanh.

Ordos là nơi chứa 1/6 trữ lượng than của toàn Trung Quốc. Các nhà quy hoạch kỳ vọng những mỏ than tại đây sẽ tạo ra những triệu phú mới và nhà cửa được xây lên để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp người giàu vừa hình thành này. Trong ảnh là bảo tàng Ordos.

Tuy nhiên, Ordos là một thành phố nằm trơ trọi giữa sa mạc. Không có ngành công nghiệp nào phát triển hay đô thị nào khác, số lượng người đến đây định cư không được như kỳ vọng ban đầu. Trong ảnh là Sân vận động trung tâm Ordos.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Kangbashi đã thu hút nông dân đến đây bằng những khoản đền bù hậu hĩnh, thậm chí cấp nhà miễn phí. Tuy nhiên, dân số nơi đây vẫn không đạt mức dự kiến ban đầu.

Để tăng thêm tiếng tăm, thành phố thậm chí đã giành quyền đăng cai các sự kiện thể thao, thi hoa hậu lớn của Trung Quốc. Trong ảnh là bên trong Sân vận động trung tâm Ordos.

Khách du lịch từ những vùng khác của Trung Quốc có thể đến đây để tìm kiếm trải nghiệm rất khó gặp ở những khu đô thị khác, nơi luôn phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe, những khu vực công cộng không bao giờ thưa bóng người. Trong ảnh là Nhà hát lớn Ordos.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Raphael Olivier đã tìm đến đây vì bị hấp dẫn bởi lối kiến trúc "hậu tận thế", những tòa nhà khổng lồ mọc lên giữa sa mạc trơ trọi. Trong ảnh là phần mái của trường đua ngựa Ordos.

Bộ ảnh của Olivier chụp Kangbashi được đặt tên là A Failed Utopia (tạm dịch: Một Utopia bất thành). "Utopia" ra đời từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Thomas More, miêu tả một xã hội hoàn hảo mọi mặt. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào những con đường thưa thớt, Olivier chủ yếu nhìn Kangbashi qua những công trình kiến trúc kỳ vĩ và mang dáng dấp siêu thực của nó. Một tòa nhà dở dang trong dự án Ordos 100.

Năm 2008, hãng thiết kế Thụy Sĩ Herzog & de Meuron đã mời đến Trung Quốc 100 kiến trúc sư từ 27 quốc gia khác nhau để cùng thiết kế một dự án lớn là Ordos 100. Tuy nhiên, đây vẫn là một dự án dở dang. Trong ảnh là thư viện Ordos.

Olivier nói thêm rằng cái danh "thành phố ma" đã che lấp sự phát triển vẫn đang diễn ra ở Kangbashi. Trong ảnh là quảng trường Linyinlu.

"Rất nhiều tin tức đã miêu tả thành phố như một nơi chốn kỳ lạ, thất bại, nhưng nó là một kỳ quan lớn và người dân không hẳn đã bất hạnh. Nơi đây vẫn có nhiều hy vọng, và bạn phải kính nể nó ở một mức độ nào đấy", Olivier cho biết. Trong ảnh là thánh đường Kangbashi.

Nhiếp ảnh gia người Pháp miêu tả thành phố này là một nơi "đẹp tuyệt vời và chứa đựng rất nhiều điều trái ngược". Trong ảnh là một khu dân cư chưa có người vào ở.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/canh-tinh-lang-trong-thanh-pho-ma-o-trung-quoc-post699879.html