Cảnh giác với đột quỵ mùa nắng nóng

Với nền nhiệt độ cao cùng với đó thời gian nắng kéo dài rất dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt, thiếu ngủ và đặc biệt dễ mắc đột quỵ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài 3-4 ngày tới, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-40 o C, đặc biệt một số nơi trên 39°C như Hà Đông (Hà Nội) 42.0 o C,…

Với nền nhiệt độ cao cùng với đó thời gian nắng kéo dài rất dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt, thiếu ngủ và đặc biệt dễ mắc đột quỵ.

Mất ngủ, đột quỵ ngày nắng nóng

Theo Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não trong thời điểm nắng nóng đầu tháng 4 tăng khoảng 10% so với tháng 1 và tháng 2.

Theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa nắng nóng và các cơn đột quỵ não hay đột quỵ tim mạch ở người già. Nhưng khi trời nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến huyết áp của người lớn tuổi. Khi huyết áp tăng thì nguy cơ đột quỵ xảy ra rất cao.

Còn theo BSCK 2 Đỗ Thị Xuân Hương, Nguyên trưởng khoa Lão, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho rằng chứng thiếu ngủ do nắng nóng là thủ phạm của việc xuất hiện các cơn đột quỵ.

Vì khi người già mất ngủ, trong não xuất hiện một số chất làm cường giao cảm, có tác dụng như chất kích thích, tạo ra tình trạng hưng phấn. Những chất này ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrin, epinephrin, dobamin. Những chất dẫn truyền thần kinh này lại có tác dụng làm tăng huyết áp ở người già.

Tình trạng máu lên não bị gián đoạn đột ngột khiến các vùng não không được cung cấp máu dẫn đến tổn thương sẽ gây ra tình trạng đột quỵ. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ 80% là do cục máu đông gây tắc mạch máu não và 20% còn lại do xuất huyết não.

Vào mùa hè, sự mất nước thông qua việc đổ mồ hôi của cơ thể khiến các mạch máu có khuynh hướng trở nên lồi lõm, độ kết dính trong máu tăng cao dễ dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông. Đặc biệt đáng lưu ý, nguy cơ tử vong do nhồi máu não của người cao tuổi ở mức nhiệt độ 32°C trở lên tăng cao hơn nhiều so với mức nhiệt độ 27-29°C.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM - người sáng lập trung tâm SIS (Stroke International Services - Cấp cứu đột quỵ quốc tế) cho biết: “Trong cấp cứu đột quỵ, thời- gian-là-não, nếu chậm trễ, mỗi phút qua đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất. Nếu ngưng đập trong gần 20 phút tim vẫn có thể hồi phục, thì chỉ cần thiếu oxy chưa đến 10 giây, người ta đã mất ý thức, não tổn thương khó hồi phục.”

Khoảng thời gian vàng từ 3-4 tiếng sau khi khởi phát đột quỵ, nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể giữ được mạng sống của mình và có thể giảm nhẹ di chứng sau đó.

Nắng nóng tiếp tục kéo dài 2-3 ngày tiếp theo. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Sốc nhiệt tổn thương não

Theo TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt.

Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp.

Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước.

Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Nếu sinh sống ở khu vực đô thị, người trong cuộc có thể dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt khi trời không có gió và chất lượng không khí kém.

Ra đường vào giờ cao điểm dễ bị sốc nhiệt. Ảnh: minh họa/Nguồn: Quang Quyết/TTXVN

Đối phó với sốc nhiệt

Nếu nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trong khi đợi cán bộ y tế, cần tiến hành sơ cứu. Đưa bệnh nhân tới nơi có điều hòa nhiệt độ hoặc khu vực râm mát và cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết. Sau đó, thực hiện các phương pháp làm mát sau:

Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc nước.

Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể giảm được nhiệt độ cơ thể.

Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát.

Để phòng tránh những nguy cơ như đột quỵ, thiếu ngủ, sốc nhiệt…. trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên:

Tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa, nơi râm mát.

Nếu phải đi ra ngoài, có thể dự phòng sốc nhiệt bằng mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu; đội một chiếc mũ rộng vành.

Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng.

Uống nhiều nước để tránh mất nước, mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, thêm nước trái cây, hoặc nước rau luộc...

Tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt.

Không uống nước chứa muối khi không có chỉ định của bác sĩ.

Cách dễ và an toàn nhất để tăng cường muối và các chất điện giải khác trong đợt nóng là sử dụng đồ uống dành cho vận động viên thể thao và các loại nước trái cây.

Nguồn: Dân Trí, Báo Phụ Nữ, Lao Động

Hoàng Duy (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/canh-giac-voi-dot-quy-mua-nang-nong-d44939.html