Cảnh báo Trung Quốc phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Cựu chiến lược gia trưởng tại Nhà Trắng cho rằng Mỹ phải can thiệp khi Trung Quốc đang đi theo 'con đường tiêu cực'.

Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon khi trả lời tờ New York Times đã cảnh báo về xu hướng phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc.

Theo đó, ông Bannon thậm chí còn so sánh Trung Quốc với nước Đức từ những năm 1930.

"Trung Quốc bây giờ là nước Đức hồi những năm 1930. Họ đang ở giữa ngã ba đường và có thể đi về một trong hai phía. Thế hệ trẻ (Trung Quốc) bây giờ gần như là dân tộc cực đoan" - ông Bannon nói.

Ông Bannon có tư tưởng đối đầu kinh tế Trung Quốc.

Ông Bannon có tư tưởng đối đầu kinh tế Trung Quốc.

Trước chuyến thăm Hong Kong ngày 12/9, ông công khai chỉ trích Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.

Vị chuyên gia nói: "Mô hình của Trung Quốc trong 25 năm qua dựa trên đầu tư và xuất khẩu. Ai bỏ tiền ra? Chính là tầng lớp trung lưu và lao động của Mỹ. Anh không thể hiểu được Brexit và các sự kiện năm 2016, trừ khi anh hiểu rằng chính Trung Quốc đã xuất khẩu sự giảm phát và năng suất dư thừa của họ".

Cựu chiến lược gia Mỹ cho rằng, để kìm hãm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề kinh tế lớn thời gian qua, buộc Mỹ phải là người ra tay.

"Nó không bền vững chút nào. Việc sắp xếp lại mối quan hệ kinh tế là vấn đề trọng tâm cần giải quyết, và chỉ có Mỹ mới làm được" - ông Bannon nhận xét.

Trong thời gian ngắn làm cố vấn cho tổng thống Mỹ, ông có sức ảnh hưởng quan trọng đến các nỗ lực cải cách nhập cư và thuế.

Khi rời khỏi Nhà Trắng hồi tháng trước, ông đã tuyên bố "sẽ đi đánh nhau với các đối thủ thay mặt cho ông Trump".

"Donald Trump, trong 30 năm qua, đã chỉ ra Trung Quốc là vấn đề lớn nhất chúng ta có trên trường quốc tế…" - ông Bannon trả lời phỏng vấn trên Đài CBS vài ngày trước.

"Chúng ta không chiến tranh kinh tế với Trung Quốc, chính Trung Quốc đang chiến tranh kinh tế với chúng ta" - chuyên gia Steve Bannon kết luận.

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang xảy ra?

Giáo sư Lưu Anh của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc trong cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN đã cho rằng, nếu một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra, đó là do Tổng thống Mỹ quá nôn nóng vì thặng dư thương mại dài hạn chênh lệch.

Trong giai đoạn tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu ra cần phải thực hiện chính sách bảo hộ thương mại chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc, tuyên bố sẽ coi Trung Quốc là “nước thao túng tỉ giá hối đoái”, áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với Trung Quốc, đồng thời tăng 45% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Sự mất cân bằng thương mại Trung - Mỹ là bắt nguồn từ sự phân công chuỗi giá trị toàn cầu và sự khác biệt trong cấu trúc sản xuất giữa hai nước. Giá thành lao động của Mỹ so với Trung Quốc đắt hơn nhiều, vì vậy không có ưu thế so sánh trong ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp.

Thêm vào đó, là dưới thời Tổng thống Barack Obama, cả Đức, Nhật, Đài Loan của Trung Quốc, đều bị Mỹ đưa vào danh sách những nước thao túng tiền tệ. Do vậy, nếu Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump được thêm vào danh sách này cũng không có nghĩa Mỹ sẽ tiến hành đối đầu với Trung Quốc.

Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ điều tra hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ tại Nhà Trắng, trong đó chỉ thị Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát động cuộc điều tra đối với cái gọi là "hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc" nhằm bảo vệ bản quyền và kỹ thuật của nước Mỹ.

Cuộc điều tra sẽ được triển khai dựa trên căn cứ vào Điều khoản 301 trong Luật Thương mại của Mỹ, với trọng điểm là triển khai điều tra nhằm vào những nghi vấn trong việc Trung Quốc vi phạm bản quyền của Mỹ và ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Theo Giáo sư Lưu Anh, Trung Quốc đưa sang Mỹ là các sản phẩm ở phân khúc trung bình và thấp như hàng điện cơ, dệt may và đồ chơi..., nhưng nước Mỹ đối với những mặt hàng này lại tự đặt hạn chế đòi hỏi phải là những sản phẩm tham gia ở phân khúc cao trong chuỗi sản xuất. Điều này là không công bằng.

Thậm chí, Điều khoản 301 của Mỹ cũng từng nhằm vào Nhật Bản trong các lĩnh vực như máy tính, vệ tinh, sản phẩm lâm nghiệp, nước Nhật đang đóng cửa thị trường, và đã triển khai đàm phán thương mại trong 18 tháng, cuối cùng đã buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường đối với những lĩnh vực nêu trên.

Một loạt các biện pháp thương mại mà nước Mỹ áp dụng với Trung Quốc gần đây chỉ tạo ra kết quả hai bên đều bị thiệt hại, ảnh hưởng đến phát triển quan hệ Trung - Mỹ. Chưa kể, nó còn ảnh hưởng tới dư luận thế giới hồ nghi về khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới một cuộc đấu đá thương mại.

Chuyên gia Trung Quốc bình luận, nếu trừng phạt Trung Quốc, Mỹ sẽ không đạt được kết quả trong việc chống lại xu thế toàn cầu hóa, mà chỉ mang lại sự bất mãn cho Trung Quốc và làm xấu đi quan hệ song phương.

Bà Lưu Anh cho rằng, hiện nay, trong cục diện giao lưu thương mại hai nước Trung - Mỹ đang ngày càng sâu sắc như "trong anh có tôi, trong tôi có anh" nên cần phải hạn chế tối thiểu khả năng xảy ra chiến tranh thương mại vốn không mang lại điều gì tốt đẹp.

Việc Mỹ vượt qua châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/canh-bao-trung-quoc-phat-trien-chu-nghia-dan-toc-cuc-doan-3342928/