Cảnh báo nhiều trường hợp phải mất chân tay vì bỏng điện

Chiều 23-8 thông tin từ bác sĩ (BS) Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca bỏng điện nhập viện có dấu hiệu ngày càng gia tăng, hậu quả để lại nặng nề.

Hiện tại khoa Bỏng có khoảng 70 bệnh nhân, nhưng số trường hợp bị bỏng điện chiếm khoảng 10-15%, trong số đó, tới 50% phải cắt chi. Khoa có nhiều bệnh nhân bị cắt cụt chi quá cao, hiện có 15 ca bỏng điện, trong đó có 7 ca phải cắt cụt chi, 3 ca phải cắt 2 chi trên, … Đa số vẫn còn trẻ, trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình.

BS Hiệp chia sẻ thêm, bỏng điện để lại nhiều hậu quả, khả năng lao động, sinh hoạt kém, chấn thương về tâm lý, khó hồi phục. Nhiều bệnh nhân khi có chỉ định phải cắt cụt chi có ý định tự tử, khiến các BS phải làm tâm lý trước khi thực hiện. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống thắt lưng, gãy xương, vỡ xương chậu…

Một trong những trường hợp phải đoạn chi vì bỏng điện đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy

Trong đó, có khá nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do làm việc gần đường điện, khi treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện… Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn, điện trở khi trời mưa gần như bằng 0 nên phóng điện rất dễ dàng.

Có trường hợp cắt 2 tay 1 chân rất thương tâm như: Đinh Văn Tuấn (42 tuổi), quê Châu Thành (Hậu Giang), bị phỏng điện 23%, độ 2,3,4 toàn thân và tứ chi, nhập viện ngày 20-7 và ra viện 22-8-2016 sau 32 ngày điều trị.

Cứu sống bệnh nhân, 3 lần cắt cụt chi (ngày 23-7, bệnh nhân phải cắt cụt 1/3 cẳng tay trái; ngày 3/8: cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và 16/8: cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái). Gần 2 tuần bệnh nhân này mới thoát khỏi cái chết.

Phải đoạn chi bệnh nhân, các BS rất đau lòng nhưng nếu không tháo, chi hoại tử, gắn với cơ thể, toàn bộ khu vực đó sẽ gây ra nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm độc, gây nhiễm trùng máu, bệnh nhân dễ tử vong...

Khuyến cáo của Bác sĩ

Các doanh nghiệp sử dụng lao động cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi làm việc gần đường điện, về khoảng cách, bảo hộ đặc biệt là hướng dẫn cho người lao động quy tắc an toàn về điện. Ngoài ra, cần có biện pháp sơ cứu giảm việc phải cắt cụt chi, bỏng điện tổn thương sâu, gây chèn ép cẳng bàn tay, cổ tay hoặc cẳng bàn chân, cổ chân. Vì vậy, công tác sơ cứu ban đầu, vấn đề đặt giải áp rất quan trọng, nạn nhân nên được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất, sau đó chuyển lên các bệnh viện lớn để được can thiệp và điều trị kịp thời. Trong đó, các sơ cứu cơ bản: cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới khô ráo, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngưng thở…

H.Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/canh-bao-nhieu-truong-hop-phai-mat-chan-tay-vi-bong-dien-405324/