Cảnh báo: Con suy hô hấp nặng vì mẹ chủ quan không cho đi tái khám

Tâm sự của người mẹ vì trót chủ quan không kiên quyết cho con đi tái khám sớm khiến bé suy hô hấp phải làm hồi sức cấp cứu nhận được nhiều sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa.

Trẻ sơ sinh khi mới ra đời sức đề kháng và khả năng thích nghi với môi trường sống mới còn rất yếu, trẻ dễ bị bệnh đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Mẹ tuyệt đối không được chủ quan, bởi trẻ khi mắc bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì diễn biến bệnh rất nhanh và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Một người mẹ ở Thủ Đức, TP. HCM đã chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Chị đã rất ân hận vì sự chủ quan, không đưa con đi tái khám theo chỉ định của bác sĩ mà tự làm vật lý trị liệu để đẩy đờm ra khỏi phổi cho con tại nhà, khiến bé bị suy hô hấp và phải hồi sức cấp cứu đã cảnh tỉnh rất nhiều bà mẹ khi chăm sóc bé sơ sinh.

Dưới đây là trích dẫn chia sẻ của người mẹ này:

Tâm sự để các mẹ rút kinh nghiệm chăm bé sơ sinh bị sổ mũi, ho, khò khè.

Gà mái nhà mình sinh mổ ngày 28/8, nặng 3,8kg. Bé khỏe, mẹ có sữa sau 4 ngày, bé bú sữa mẹ hoàn toàn, cứ 3 – 4 giờ bú 1 lần.

Hôm bé 15 - 16 ngày bị sổ mũi, khò khè. Mình cho bé đi Bệnh viện quận Thủ Đức khám. Bác sĩ nói bị viêm hô hấp trên, phổi nhiều đờm nhớt nên cho bé đi vật lý trị liệu để đẩy đờm từ phổi ra. Bác sĩ kê thuốc siro spospan và dặn rửa mũi nước muối sinh lý và tái khám sau 2 ngày. Mình thấy bé cũng bớt khò khè hơn chút xíu. Muốn đi tái khám nhưng ông xã và bà ngoại không cho đi và bảo bé sơ sinh nào chả khò khè. Cứ ở nhà vệ sinh mũi sẽ hết thôi nên mình không tái khám nữa.

Mình bắt chước bác sĩ tự làm vật lý trị liệu cho con. Mình lấy xi lanh to, xịt nước muối sinh lý vào 1 bên mũi cho chảy ra bên kia. Massage hốc mũi rồi hút dịch nhầy ở mũi. Nhưng vì thương con mình không dám đè ép ngực và cổ họng để đẩy đờm ra như bác sĩ. Có thể vì làm sai cách nên vô tình làm vi khuẩn và dịch chảy vào họng, rồi vào phổi con. Phổi con bị nhiễm khuẩn mà mẹ ko biết nên mới bị viêm phổi nặng.

Bác sĩ dặn là để đầu con thấp, chỉ nên dùng chai nước muối sinh lý nhỏ 5 - 10 giọt vào mỗi bên mũi, massage hốc mũi cho dịch mũi loãng ra, sau đó hút nhẹ dịch. Làm như vậy 3 - 6 lần trước mỗi cữ bú. Mình không có chuyên môn thì không nên tự làm vật lý trị liệu tại nhà.

Mình ở chung cư, lầu 9 nên nắng rọi vào cửa sổ phòng. Mỗi sáng mình vẫn cho bé tắm nắng 20 phút từ 6h30 hoặc 7h, tắm nước ấm 1 lần vào buổi trưa. Có lẽ vì lí do này nên bé bị lạnh, bệnh nặng hơn. Nếu bé khỏe mạnh thì không sao, nhưng vì bé nhà mình đang bệnh mà mẹ vẫn tắm nắng buổi sáng và tắm rửa mỗi ngày nên bé nhiễm lạnh khiến bệnh nặng hơn.

Mình ở chung cư, lầu 9 nên nắng rọi vào cửa sổ phòng. Mỗi sáng mình vẫn cho bé tắm nắng 20 phút từ 6h30 hoặc 7h, tắm nước ấm 1 lần vào buổi trưa. Có lẽ vì lí do này nên bé bị lạnh, bệnh nặng hơn. Nếu bé khỏe mạnh thì không sao, nhưng vì bé nhà mình đang bệnh mà mẹ vẫn tắm nắng buổi sáng và tắm rửa mỗi ngày nên bé nhiễm lạnh khiến bệnh nặng hơn.

Hôm bé 20 ngày, chung cư mình ở mất điện nên 2 mẹ con ra phòng khách nằm chơi cả ngày. Với mình thì phòng khách rất mát gió trời nhưng với bé nhỏ thì chắc gió nhiều quá sẽ bệnh.

Mình máu nóng, lại rực sữa nên lúc nào cũng thấy nóng nực. Vì vậy mình ít khi mặc quần áo dài tay, ko đi vớ chân, không giữ ấm. Có hôm còn tắm nước lạnh cho mát. Mấy hôm bão số 10 nên Sài Gòn mưa miết vào ban đêm, nhiệt độ thấp hơn mà mình vẫn mặc vậy. Cơ thể mẹ bị lạnh bị đau họng nên sữa cũng bị ảnh hưởng. Bé bú sữa mẹ hoàn toàn nên cũng bị ảnh hưởng. Các mẹ nên giữ ấm cơ thể cả mẹ và con nhé.

Khi bé được 21 ngày, bé vẫn ho húng hắng, sổ mũi, khò khè nhưng thấy nặng hơn.

Mình vẫn rửa mũi và hút mũi ngày 3-4 lần, cho uống siro. Mình còn hấp hẹ đường phèn cho bé uống 2 lần/ngày, thoa dầu tràm vào ngực, lưng, gan bàn chân bé trước khi đi vớ.

Mình sốt ruột đòi cho bé đi bệnh viện nhưng cả nhà ai cũng ngăn cản. Ông xã mình nói nếu muốn khám thì xuống phòng khám tư của bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 ngay dưới chung cư vì không muốn mẹ con đi taxi tới bệnh viện xa hơn. Mình bế bé xuống đó khám, thấy bác sĩ nói bé bị viêm phế quản cấp và kê thuốc chống đầy hơi, canxi, siro spospan. Mình cảm thấy bác sĩ muốn bán thuốc hơn là điều trị bệnh ho, sổ mũi, khò khè nên thấy thất vọng và không yên tâm.

Mình theo dõi cả đêm thấy con có biểu hiện mệt, ngủ li bì, thở nhanh và hóp sâu ngực, bú ít, ói nhiều.

Sáng nay bé được 23 ngày, mình nhất quyết đi Bệnh viện Thủ Đức chứ không khám phòng khám tư nữa. Ông xã mình bảo: "Thấy con bình thường mà sao em cứ xoắn lên, cứ thích cho con tới bệnh viện làm gì, ở đó đông người dễ lây bệnh cho con". (Ông xã mình đi làm từ sáng tới 6h chiều mới về, ban đêm ông xã ngủ với con trai 4 tuổi ở phòng khác, cả ngày chỉ chơi với bé được 1-2 lần, không trực tiếp chăm con nên không biết tình trạng sức khỏe của bé ). Mình vẫn nhất quyết đưa con tới bệnh viện khám.

Sáng nay, bác sĩ khám xong la mình sao không cho bé tái khám mà để tới 8 ngày, giờ bé bị viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp.

Con được đưa ngay vào phòng hồi sức nhi để thở oxi và truyền kháng sinh, đo điện tim. Bé nằm 1 mình ít nhất 6 - 7 ngày, người thân chỉ được thăm 3 lần, mỗi lần 30 phút. Mẹ không được vào cho bé ti trực tiếp mà phải vắt sữa ra gửi vào phòng. Bác sĩ nói trẻ sơ sinh sức đề kháng kém nên ba mẹ không được chủ quan. Phải đưa bé vào viện ngay nếu thấy các triệu chứng ở trên. Chỉ vài tiếng thôi là bệnh có diễn biến nặng hơn rồi. Mới qua 1 đêm mà từ viêm phế quản cấp thành viêm phổi nặng và suy hô hấp. Nếu để lâu hơn thì không biết thế nào.

Nói tóm lại: khi con nhỏ bị sổ mũi, khò khè, ho thì các mẹ nhớ:

- Đưa bé tới bệnh viện hoặc bác sĩ uy tín khám bệnh để tìm nguyên nhân, không nên đoán già đoán non để con bệnh nặng.

- Tuân thủ lời dặn của bác sĩ, tái khám theo lịch để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh để kê thuốc cho đúng.

- Quan sát kĩ biểu hiện của con, nếu có triệu chứng như ói nhiều, bỏ bú, hoặc bú ít, ngủ li bì, thở nhanh và hóp sâu ngực, có thể sốt nhẹ thì phải đi bệnh viện gấp vì đây là triệu chứng của viêm hô hấp trên (viêm tiểu phế quản, viêm phổi).

- Mẹ là người chăm và gần con nhất nên phải kiên quyết cho con đi bác sĩ khi thấy các triệu chứng bệnh chứ đừng nghe lời người ít chăm sóc con can ngăn. Tốn chút tiền khám nhưng yên tâm.

Nhìn con nằm 1 mình, dây rợ đầy người thấy thương lắm các mẹ ạ. Cầu mong con nhanh khỏi để kịp về nhà đầy tháng.

Video: 3.000 trẻ nhập viện mỗi ngày liên quan đến nắng nóng

Cha mẹ tuyệt đối không chủ quan khi trẻ sơ sinh sổ mũi, thở khò khè

Theo các chuyên gia thở khò khè có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang mắc một số bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi hoặc hen suyễn. Chính vì lẽ đó, cha mẹ không nên chủ quan mà hãy tìm hiểu biểu hiện cũng như nguyên nhân của chứng thở khò khè này để có biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời.

Trường hợp trẻ sơ sinh ho, sổ mũi mẹ nên cho con đi khám sớm để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi rửa mũi cho bé, chỉ dùng lọ nước muối sinh lý nhỏ vài giọt vào mũi con, đợi dịch đờm loãng ra thì hút mũi cho bé. Tuyệt đối không tự ý sử dụng ống tiêm để rửa mũi cho con, vì nếu không có chuyên môn, thao tác sai kỹ thuật sẽ gây tổn hại nghiêm trọng niêm mạc mũi và đẩy dịch đờm sâu xuống họng.

Như Quỳnh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/canh-bao-con-suy-ho-hap-nang-vi-me-chu-quan-khong-cho-di-tai-kham-d351980.html