Canh bạc làm dâu xứ người

Khi nhắc lại những câu chuyện chát đắng của bản thân từng phải trải qua ở 'xứ sở kim chi', giờ đây, nhiều cô dâu Việt vẫn không hiểu tại sao ngày đó họ lại có những suy nghĩ bồng bột đến vậy...

Kỳ 1: “Săn” vợ qua mạng và cuộc chạm mặt chớp nhoáng

Kỳ 2: Thâm nhập thủ phủ “xuất khẩu cô dâu” đất Cảng

Kỳ 3: Tìm chồng trong "một nốt nhạc"

Kỳ 4: Đám cưới “4 không” và những chuyện cười ra nước mắt

Kỳ 5: Cò hôn nhân như vòi bạch tuộc len lỏi khắp miền quê

Kỳ 6: “Rớt tiếp, em đi thêm kiểu gì cũng có người hợp nhãn”

Kỳ 7: Cò hôn nhân lộng hành, ai chịu trách nhiệm?

Kỳ 8: “Thi tuyển” cô dâu Việt trước mặt người nước ngoài là trái đạo lý

Bị "quả đắng" vì thiếu thông tin

Khoảng những năm 2007 - 2008, hàng chục làng, xã trên địa bàn 2 huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy (TP Hải Phòng) như bị cơn sốt “lấy chồng nước ngoài” bao trùm. Nhiều cô gái khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường đã có ý định từ bỏ con đường khoa cử để “ứng tuyển” vào các trung tâm môi giới, mong lấy được một chàng rể Tây về cho gia đình được nở mày, nở mặt, còn mình thì có một cuộc sống sung túc, giàu sang.

Bà Lan (ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) kể lại những ngày trước phải bán lợn, gà, vay mượn tiền bạc để đưa cho “cò” môi giới nhưng con bà gặp phải một người chồng nghiện game nặng

Một xã nhỏ chỉ với vài ngàn dân như Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) nhưng mỗi năm cũng có đến hàng chục cô dâu xuất ngoại, trong số đó có chị Đ.T.L. (SN 1987).

Dù đã gần 4 năm trôi qua, kể từ khi quyết định làm dâu xứ người nhưng chị L. vẫn khó có thể quên được. Chị L. trải lòng: “Lúc đó, bạn bè mình ngày nào cũng rao rảo bên tai rằng “mày có khuôn mặt đẹp như thế, sao lại chấp nhận lấy chồng ở quê làm gì, lấy rồi lại quanh quẩn với mấy sào ruộng, biết bao giờ mới ngóc đầu lên được, lại phải chấp nhận kiếp nghèo à” khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm.

Thấy bạn bè nói cũng có lý, tôi đã chia tay người yêu, phó thác tương lai của mình cho các cò môi giới và chờ đợi người chồng Tây về đón”.

Khoảng 1 tháng sau, cô được “cò” môi giới gọi lên quán karaoke M.T trên địa bàn quận Lê Chân (TP Hải Phòng) để xem mặt “chồng tương lai”. Với thân hình cao ráo, khuôn mặt đẹp nên L. đã được một anh chàng Hàn Quốc tên là Kangyu (28 tuổi) chọn làm vợ. Ba ngày sau, một đám cưới linh đình đã diễn ra.

Không lâu sau khi hoàn tất các thủ tục, giấy tờ thì L. cũng đã bay qua Hàn Quốc để đoàn tụ với chồng.

Thế nhưng, khi vừa sang đến Hàn Quốc, chị L. mới tá hỏa khi biết chồng mình không phải là “chàng rể” đẹp trai, hào hoa mà mình đã cưới trước đó.

Càng bức xúc hơn khi người này cho biết, anh chỉ là người “đóng thế” để lấy vợ cho anh trai mình và người này đã có vợ, con đề huề. Nỗi thất vọng ê chề khi biết mình bị lừa khi người chồng thực tại đã hơn 45 tuổi, bị câm điếc, đặc biệt là có dấu hiệu của bệnh tâm thần, lúc thì bình thường, lúc thì ngơ ngơ, ngẩn ngẩn...

“Mộng giàu sang đã không thành, công việc chính của tôi là nội trợ, chăm người chồng bệnh tật, sống phụ thuộc vào mấy đồng trợ cấp xã hội ít ỏi, cả ngày quanh quẩn với 4 bức tường, sống chả khác gì tù giam lỏng nên tôi đã nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi nhà chồng”, chị L. chia sẻ.

Sau đó, L. nhắn địa chỉ cho một chị ở cùng xã cũng lấy chồng bên Hàn Quốc qua đón và vay tiền, nhờ mua vé máy bay để về Việt Nam đoàn tụ với gia đình sau hơn 2 tháng làm dâu xứ người.

Cuộc sống đổi đời đâu chưa thấy đã mang về một “cục nợ” cho gia đình. Nỗi ê chề, thất vọng cùng lời đàm tiếu của những người dân trong thôn khiến chị L. khó yên ổn tại quê nhà. Vậy là chị phải lên Hà Nội làm công nhân một thời gian dài.

Mất 40 triệu để lấy một người chồng nghiện game

Cuộc sống gia đình vất vả, quanh năm chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng nên chị Trương Thị Y. (29 tuổi), ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, cũng mong muốn lấy một ông chồng Hàn Quốc để có thể gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Bà N.T.L (ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) kể lại chuyện về gia đình có 2 người con gái cùng đi lấy chồng Hàn Quốc nhưng đều đã ly hôn.

Năm 2007, do “cơn sốt” lấy chồng Hàn Quốc nên mỗi “cò” môi giới cũng nắm trong tay danh sách cả trăm cô dâu đi ứng tuyển khi có rể Hàn qua xem mặt. Với mong muốn lấy một người chồng trẻ, cuộc sống gia đình chồng cũng khá giả… nên gia đình Y. phải bán mấy con lợn nái và vay mượn thêm bà con hàng xóm được hơn 40 triệu đồng để lo lót cho “cò” môi giới.

Theo lời “cò” môi giới, gia đình chồng Hàn Quốc giàu có, sở hữu một siêu thị bán hàng cùng một trang trại chăn nuôi… Sau khi đi xem mặt và được chọn làm vợ, 2 ngày sau, Y. đã đồng ý tổ chức đám cưới. 4 tháng sau, Y. bay sang Hàn Quốc để đoàn tụ với chồng.

“Mất hơn 40 triệu để lót tay cho cò môi giới nhưng mình lại bị lừa, bởi nhà chồng không có siêu thị, trang trại mà chỉ là một quán tạp hóa nhỏ, một mảnh vườn nhỏ và cái ao nuôi cá rộng vài chục m2…”, bà Lan, mẹ chị Y., người từng 2 lần sang Hàn Quốc để trông cháu, kể lại.

Cũng theo bà Lan, do người chồng nghiện game không chăm lo cuộc sống gia đình, không biết lo cho con nên sau đó 2 vợ chồng quyết định ly hôn. Hiện tại, chị Y. đã được nhập tịch bên Hàn Quốc, mỗi năm bà được một “suất” qua bên đó để trông cháu khoảng vài tháng.

Nhìn căn nhà mới xây khá khang trang nên phóng viên đặt câu hỏi về việc chị Y. có thường xuyên gửi tiền về phụ giúp gia đình không thì bà Lan lắc đầu. “Từ khi sang Hàn, vừa phải làm việc để nuôi con, nuôi gia đình chồng nên nó cũng chả có tiền mà tiêu chứ đừng nói là gửi về, giờ phải một mình làm việc nuôi con nên cuộc sống cũng khá vất vả. Hiện nay, nó đang bán mỹ phẩm qua mạng nên thu nhập cũng bấp bênh. Ngôi nhà này mới xây cũng phải vay mượn nhiều đấy chú ạ”.

Trao đổi với PV Báo PNVN, bà Đinh Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN xã Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên), cho biết: “Trên địa bàn xã mỗi năm có đến hàng chục chị em đi lấy chồng nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Kinh tế địa phương chủ yếu là làm nông nghiệp, nên nhiều người muốn được đổi đời và có cuộc sống sung sướng hơn. Thế nhưng, do thời gian tìm hiểu ngắn, lại bị những đối tượng môi giới bất hợp pháp lừa gạt nên lấy phải những ông chồng bệnh tật, vũ phu… khiến nhiều chị không hạnh phúc, phải bỏ về".

"Khi hạnh phúc nơi xứ người đổ vỡ thì quay về, nhiều người không dám bay thẳng về quê mà bay vào TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... rồi làm công nhân ở đó, thi thoảng mới về nhà. Nhiều chị em khi về nhà đều rất ngại tiếp xúc với người ngoài, phải mất một thời gian dài mới hòa nhập được với cuộc sống”.

Đinh Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN xã Phả Lễ,

huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng

Mời độc giả đón xem kỳ tới: Những đứa trẻ Hàn không biết xứ Kim chi

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/canh-bac-lam-dau-xu-nguoi-post31270.html